Nóng: Phát hiện vật thể tưởng hành tinh, hóa ra là 'quái vật' vũ trụ

Mới đây các nhà khoa học đã phát hiện một vật thể gây bối rối có những dấu hiệu cho thấy là hành tinh nhưng thực chất là một 'quái vật' vũ trụ.

Theo nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Jackie Faherty từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ, vật thể mới được phát hiện có tên là W1243 nằm cách chúng ta khoảng 146 năm ánh sáng trong chòm sao Ursa Major (Đại Hùng).

W1243 là một vật thể đồng hành quay quanh một ngôi sao trẻ kiểu K0 tên BD+60 1417. W1243 quay rất xa ngôi sao mẹ của nó, cách khoảng 1.662 lần so với khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời, mang những dấu hiệu gợi ý rằng nó là một hành tinh.

Tuy nhiên theo quan sát của các nhà khoa học, nó lại có khối lượng gấp 15 lần Sao Mộc, trong khi một trong những tiêu chuẩn để phân biệt giữa hành tinh và sao lùn nâu là khối lượng gấp 13 lần Sao Mộc.

Sao lùn nâu là những vật thể giống như một ngôi sao thất bại, vì không thể tạo được phản ứng nhiệt hạch phù hợp để trở thành sao, nhưng lại là thứ gì đó cao cấp hơn một hành tinh.

Sao lùn nâu thường nhỏ hơn ngôi sao nhiều nhưng lại quá to lớn so với một hành tinh. Một trong những đặc điểm của ao lùn nâu là "sinh ra từ hư không".

Tức là dường như hình thành trực tiếp từ đám mây phân tử nơi nó trú ngụ giống như ngôi sao chứ không phải từ đĩa tiền hành tinh của một ngôi sao nào cả.

W1243 vừa to lớn quá chuẩn so với hành tinh, nhưng lại có sao mẹ nên cũng khó có thể là sao lùn nâu. Các nhà khoa học cho rằng nó là một hành tinh "quái vật", kỳ lạ và có phần "cao cấp" hơn các hành tinh thông thường như Trái Đất hay Sao Mộc.

Nhóm nghiên cứu vẫn đang xem xét các khả năng và nếu có thể khẳng định W1243 là một hành tinh, nó sẽ giúp mở rộng định nghĩa hành tinh cũng như phạm vi mà người ta có thể tìm thấy một hành tinh quanh những ngôi sao xa xôi.

Trong số các vật thể sao mà chúng ta có thể tìm thấy ngoài không gian, có một số khá bí ẩn và kỳ lạ, trong đó có sao lùn nâu.

Sao lùn nâu là các thiên thể dưới sao, có khối lượng dưới mức đủ để duy trì các phản ứng tổng hợp hạt nhân đốt cháy hydro trong lõi, như các ngôi sao thuộc dãy chính, nhưng có bề mặt và phần bên trong hoàn toàn đối lưu, và không có sự khác biệt hóa học theo chiều sâu.

Các nghiên cứu trước đây với Hubble, Spitzer và ALMA cho thấy những sao lùn nâu có thể lớn gấp 70 lần so với các hành tinh khổng lồ như sao Mộc, nhưng chúng không có đủ khối lượng để làm lõi đốt nhiên liệu hạt nhân hay tỏa ra ánh sáng sao.

Mặc dù các sao lùn nâu đã được giả thuyết trong những năm 1960 và khẳng định vào năm 1995, nhưng không có giải thích nào được chấp nhận về hình dạng của chúng như thế nào, sự bồi tụ của vật chất trong một đĩa sao lùn nâu ra sao.

Mời các bạn xem video: Phi hành gia NASA làm rơi gương ngoài vũ trụ. Nguồn: VTV.

Thùy Dung (T.H)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/nong-phat-hien-vat-the-tuong-hanh-tinh-hoa-ra-la-quai-vat-vu-tru-1637360.html