Nồng độ của 3 thủ phạm làm khí hậu nóng lên chưa buông tha Trái đất

Nồng độ trong khí quyển của ba loại khí nhà kính chính – carbon dioxide, metan và oxit nitơ – đã tăng lên mức chưa từng có vào năm 2023, thúc đẩy nhiệt độ toàn cầu tăng lên và các hiện tượng thời tiết cực đoan lan rộng.

Cần hạn chế phát khí thải nhà kính

Theo dữ liệu mới nhất của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), nồng độ của cả ba loại khí nhà kính chính do con người gây ra, làm nóng hành tinh – carbon dioxide, mê tan và oxit nitơ – đã đạt mức cao kỷ lục vào năm 2023. Tốc độ gia tăng hiện chưa có dấu hiệu chậm lại càng cho thấy thế giới vẫn còn “rất nhiều việc phải làm” để ngăn chặn hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu.

Một báo cáo được công bố vào tháng 12.2023 đã xác nhận mức CO2 phát thải từ nguồn hóa thạch cao kỷ lục vào năm ngoái. Tác giả chính cùa báo cáo là Giáo sư Pierre Friedlingstein thuộc Viện Hệ thống Toàn cầu của Exeter lập luận rằng các nỗ lực ngăn chặn khí thải nhà kính vẫn “chậm một cách đáng kinh ngạc” và hiện chưa đủ phổ biến để đưa thế giới đi đúng hướng trong mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng không.

Những phát hiện gần đây cho thấy rằng, ở mức phát thải CO2 hiện tại, ngân sách carbon còn lại để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C có thể bị “đốt hết” trong vòng 7 năm tới. Ngân sách carbon tức là lượng carbon dioxide ròng mà chúng ta còn lại để thải ra trước khi nhiệt độ vượt quá mức tăng mà chúng ta đặt ra trong Thỏa thuận khí hậu.

Theo NOAA, nồng độ khí mê tan cũng tăng lên mức trung bình 1.922,6 ppb (1 ppb = 1 phần tỉ) vào năm 2023, tăng 10,9 ppb so với năm 2022 – mức cao thứ 5 kể từ khi khí mê tan mới bắt đầu tăng vào năm 2007. Nồng độ khí mê tan trong khí quyển hiện cao hơn 162% so với thời tiền công nghiệp, gây báo động cho cộng đồng khoa học.

Khí mê tan, chất đóng góp chính vào tổng lượng phát thải khí nhà kính (GHG), chỉ đứng sau carbon dioxide, chịu trách nhiệm cho khoảng 30% hiện tượng nóng lên toàn cầu. Khí mê tan do con người tạo ra chiếm 60% tổng lượng phát thải, trong đó 90% đến từ ba nguồn chính: nông nghiệp (40%), nhiên liệu hóa thạch (35%) và chất thải (20%).

Tháng trước, một vệ tinh mới được phóng lên quỹ đạo với nhiệm vụ theo dõi và đo đạc lượng khí thải mê tan ở quy mô toàn cầu. MethaneSAT – kết quả của sự hợp tác giữa Google và Quỹ Bảo vệ Môi trường (EDF) – quay quanh Trái đất 15 lần mỗi ngày, khảo sát nồng độ khí mê tan trên các khu vực tiêu thụ dầu khí lớn nhất thế giới. Thông tin được thu thập sẽ được xử lý thông qua các thuật toán do Google Cloud cung cấp và đến cuối năm nay, công ty hy vọng sẽ có bản đồ dữ liệu cho cả thế giới xem.

Mức oxit nitơ, loại khí nhà kính lớn thứ ba do con người gây ra, đạt 336,7 ppb vào năm 2023, tăng 1 ppb so với năm trước. Sự gia tăng nồng độ oxit nitơ trong khí quyển chủ yếu là do việc mở rộng quy mô cũng như thực hiện các biện pháp thâm canh nông nghiệp, đặc biệt là do việc sử dụng phân bón và phân đạm. Kết quả là nồng độ oxit nitơ hiện cao hơn 25% so với mức 270 ppb thời tiền công nghiệp.

Vanda Grubisic, giám đốc phòng thí nghiệm giám sát toàn cầu của NOAA cho biết: “Như những con số này cho thấy, chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đạt được tiến bộ có ý nghĩa trong việc giảm lượng khí nhà kính tích tụ trong khí quyển”. Khí nhà kính đang góp phần làm tăng đáng kể nhiệt độ toàn cầu và các tác động liên quan từ các hiện tượng thời tiết cực đoan đang trở nên thường xuyên và gay gắt hơn trên toàn thế giới.

Năm 2023 là năm nóng kỷ lục, được cộng hưởng thêm nhờ sự xuất hiện trở lại của El Nino, một hiện tượng thời tiết đã đẩy nhiệt độ tăng vọt trên khắp thế giới và dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2024. Đúng như dự đoán từ trước, xu hướng này vẫn tiếp tục trong vài tháng đầu của năm 2024. Cụ thể, tháng 2.2024 trở thành tháng gần nhất phá kỷ lục, với nhiệt độ ước tính ở mức cao hơn 1,77 độ C so với mức trung bình của tháng 2 trong những năm 1850-1900.

Cơ quan thời tiết Copernicus của EU gần đây đã xác nhận rằng kể từ tháng 1.2024, ngưỡng nóng lên toàn cầu tới mức 1,5 độ C đặt ra trong Thỏa thuận Paris đã lần đầu tiên trong lịch sử bị vi phạm trong khoảng thời gian 12 tháng, với nhiệt độ toàn cầu ở mức cao hơn 1,52 độ C so với thế kỷ 19. Mặc dù điều này chỉ là sự vi phạm tạm thời nhưng nó gửi một cảnh báo rõ ràng đến nhân loại rằng chúng ta đang tiến gần đến điểm không thể quay trở lại nhanh hơn nhiều so với dự kiến.

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nong-do-cua-3-thu-pham-lam-khi-hau-nong-len-chua-buong-tha-trai-dat-215881.html