Nông dân Võ Nhai tất bật thụ phấn bổ sung cho na

Những ngày tháng 5 này, bà con nông dân tại những vùng trồng na của huyện Võ Nhai, như: La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng, Dân Tiến… tất bật vào vụ thụ phấn bổ sung cho cây na.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Nhai hướng dẫn nông dân xã Tràng Xá kỹ thuật thụ phấn bổ sung cho na.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Nhai hướng dẫn nông dân xã Tràng Xá kỹ thuật thụ phấn bổ sung cho na.

Từ sáng sớm mỗi ngày, các thành viên gia đình ông Kiều Thượng Chất (ở xóm Phượng Hoàng, xã Phú Thượng) đã tất bật chuẩn bị cho một ngày làm việc thụ phấn bổ sung cho cây na. Với gần 1ha đất đồi, gia đình ông trồng gần 400 cây na đang độ sinh trưởng tốt, cho thu hoạch khoảng 6 tấn mỗi năm.

Hoa na dùng để lấy phấn được thu hái từ hôm trước, để qua đêm cho nở và phấn chín hoàn toàn rồi mới rũ lấy phấn. Việc thụ phấn bổ sung cho na tưởng chừng như đơn giản nhưng lại khá vất vả, tỉ mỉ, mất nhiều thời gian để tìm từng chùm hoa nở đúng độ thụ phấn cho đều.

Theo ông Chất, những bông hoa được chọn để thụ phấn là hoa vừa nở, cánh đã tách đều và chỉ cần dùng dụng cụ tích hạt phấn rồi đẩy cho phấn dính vào bó nhụy hoa được chọn. Hoa đã thụ phấn được đánh dấu bằng một vết bấm nơi đầu cánh. Ông chia sẻ: Hoa được thụ phấn khoảng một tuần sau sẽ hình thành quả non, do được thụ phấn tập trung nên hình thức đẹp, quả tròn to, cân đối, không méo vẹo, thuận lợi cho việc chăm sóc. Áp dụng phương pháp thụ phấn bổ sung này, gia đình tôi có thể thu được năng suất cao hơn từ 30-40% so với để tự nhiên.

Tại xã La Hiên - vùng trồng na lớn nhất của huyện Võ Nhai với tổng diện tích khoảng 350ha, bà con nông dân đã áp dụng phương pháp thụ phấn bổ sung cho na từ năm 2009. Bà Chu Thị Quy, Tổ trưởng Tổ VietGAP xóm Hiên Minh, xã La Hiên, là một trong những người đầu tiên triển khai kỹ thuật này.

Ngay trong vụ đầu tiên, toàn bộ diện tích na của bà Quy và nông dân trong xã áp dụng thụ phấn bổ sung cho năng suất cao hơn từ 30-35% so với tự nhiên và 5,5 tạ quả/sào. Bà chia sẻ: Hoa na thụ phấn tự nhiên thường có tỷ lệ đậu quả thấp, phát triển không đều, dễ bị dị dạng. Với quy trình kỹ thuật này, cây na không chỉ có tỷ lệ đậu quả cao hơn mà còn cho quả mẫu mã đẹp, vị ngọt sắc, bán được giá hơn.

Kỹ thuật này nhanh chóng được bà Quy và những nông dân thử nghiệm thành công truyền đạt lại cho đông đảo bà con trong vùng cùng áp dụng. Từ chỗ giúp gia tăng thu nhập, na đã trở thành cây trồng chủ lực của nhiều hộ trên địa bàn. Diện tích trồng na tập trung ở Võ Nhai đã tăng từ vài chục ha năm 2010 lên gần 700ha năm 2024, sản lượng đạt khoảng 6 nghìn tấn/năm.

Ông Nông Minh Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai, cho biết: Những năm gần đây, cùng với kỹ thuật phụ phấn bổ sung, người trồng na trong huyện cũng tích cực áp dụng kỹ thuật mới vào thâm canh, chăm sóc, như: Tuyển lựa giống từ cây mẹ năng suất cao, trồng giãn cách phù hợp, đốn tỉa tạo tán theo kỹ thuật, sử dụng phân bón hợp lý, khoa học, phòng trừ sâu bệnh bằng thuốc trừ sâu sinh học… Qua đó, chất lượng, giá trị na thương phẩm ngày một được nâng lên; thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/nong-nghiep/202405/nong-dan-vo-nhai-tat-batthu-phan-bo-sung-cho-na-aec01b2/