Nông dân thu tiền tỷ từ mô hình nuôi cá tầm ở Lâm Đồng

Với lợi thế khí hậu mát mẻ và nguồn nước lạnh dồi dào, những năm gần đây, nghề nuôi cá tầm phát triển mạnh tại xã Rô Men, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Nhiều hộ dân có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm từ mô hình này.

Anh Huỳnh Ngọc Thu, sinh năm 1980, quê ở TP Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu), bắt đầu lên Lâm Đồng tìm kiếm cơ hội với nghề nuôi cá tầm từ năm 2012. Từng tiếp xúc với các chuyên gia người Nga, anh Thu hiểu rõ tiềm năng, giá trị của con cá tầm cũng như yêu cầu khắt khe khi nuôi loại thủy sản này. Sau nhiều chuyến khảo sát đánh giá khí hậu, nguồn nước, năm 2015, anh quyết định chọn xã Rô Men để xây dựng trang trại cá tầm. Hiện nay, ngoài vai trò là chủ trang trại cá tầm của gia đình, anh còn là Giám đốc Hợp tác xã cá tầm Huỳnh Ngọc Thu với 6 thành viên.

Cá tầm thương phẩm tại trang trại cá tầm Huỳnh Ngọc Thu.

Trang trại có quy mô gần 13.000m2, gồm 80 bể nuôi cá tầm được xây bằng xi măng kiên cố, nhà chứa bồn để ươm cá tầm bột, nhà máy sản xuất thức ăn, hệ thống dẫn lọc và cấp thoát nước, nhà nghỉ và làm việc của công nhân..., với tổng vốn đầu tư khoảng 40 tỷ đồng. Mỗi năm, trang trại cung ứng ra thị trường khoảng 600 tấn cá tầm, chủ yếu tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố phía Nam, tổng doanh thu 10 tỷ đồng, sau khi trừ mọi chi phí, lợi nhuận đạt khoảng 5 tỷ đồng.

Theo anh Huỳnh Ngọc Thu, hiện giá cá tầm giống khoảng 15.000 đồng/con, thời gian nuôi từ khi nhập cá giống đến lúc xuất bán là 15 tháng. Tuy nhiên, trang trại tự nhập trứng và ấp nở cá giống. Ngoài ra, trang trại còn đầu tư nhà xưởng, mua nguyên liệu như ngô, bột cá, rau... để chế biến thức ăn cho cá, qua đó góp phần giảm chi phí đầu vào, chủ động nguồn thức ăn, bảo đảm dinh dưỡng, hạn chế các loại dịch bệnh, giảm rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận.

Tại trang trại cá tầm Huỳnh Ngọc Thu, khách có thể chứng kiến quy trình chăn nuôi cá tầm khép kín, hiện đại, từ khâu ươm trứng đến nuôi thương phẩm và bảo tồn giống với những đàn cá đủ kích cỡ, từ nhỏ như chiếc tăm đến trung bình, thậm chí có những con nặng 50-60kg.

Cá tầm là loại cá nước ngọt xuất xứ từ vùng ôn đới, chỉ tồn tại và phát triển tốt trong điều kiện thích hợp. Vùng Rô Men có khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, diện tích rừng còn nhiều, có suối nước mát chảy về từ núi cao với dòng chảy tương đối lớn, ổn định, nhiệt độ nước khoảng 25 độ C, phù hợp để nuôi các loài cá nước lạnh, trong đó có cá tầm. Dù vậy, trang trại vẫn xây dựng hệ thống dẫn nước từ suối về bể, tiến hành lắng lọc, khử khuẩn, sau đó mới cung cấp tới các bể nuôi.

“Ngoài yếu tố nhiệt độ thì nguồn nước phải ổn định, bảo đảm các tiêu chuẩn về lý hóa. Do đó, hằng ngày chúng tôi phải kiểm soát nguồn nước chặt chẽ. Có lần lũ đổ về bất ngờ, trang trại không kịp xử lý, cá bị sốc chết hàng loạt, vậy là mất trắng”, anh Huỳnh Ngọc Thu chia sẻ.

Do điều kiện chăn nuôi khá đặc thù nên tại Việt Nam, người nuôi cá tầm vẫn có lợi thế về thị trường và giá cả. Hầu hết cá tầm tại trang trại của gia đình anh Thu và các hộ tại xã Rô Men được tiêu thụ tốt tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Với giá bán khoảng 220.000 đồng/kg như hiện nay, người nuôi có thể đạt lợi nhuận khoảng 50%, tương đương 110.000 đồng/kg sau khi trừ mọi chi phí.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Thành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Rô Men: Xã có diện tích tự nhiên khoảng 12.800ha, 1.500 hộ và hơn 8.000 nhân khẩu, trong đó khoảng 51% là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. Với lợi thế rừng đầu nguồn và nguồn nước dồi dào, Rô Men có tiềm năng rất lớn để phát triển nghề nuôi cá nước lạnh nói chung và nuôi cá tầm nói riêng. Hiện xã đang có 45 hộ nuôi cá tầm với tổng diện tích mặt nước khoảng 9,5ha, trong đó có hai hợp tác xã, gồm Hợp tác xã Huỳnh Ngọc Thu và Hợp tác xã Việt Đức.

“Địa phương xác định nghề nuôi cá tầm là thế mạnh, đồng thời cũng là ưu tiên trong định hướng phát triển kinh tế của xã. Tuy nhiên, hầu hết mô hình nuôi cá tầm tại xã còn nhỏ lẻ, mang tính tự phát cao. Xã đã quy hoạch diện tích đất 28ha phục vụ nghề nuôi cá tầm. Tổ chức tuyên truyền nâng cao kiến thức, kinh nghiệm và khuyến khích người dân có điều kiện thực hiện mô hình nuôi cá tầm. Tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng của huyện cũng như ngành kiểm lâm nhằm bảo vệ rừng đầu nguồn và nguồn nước, vì đây chính là vấn đề có ý nghĩa sống còn với nghề nuôi cá tầm. Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ các hộ dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục chuyển đổi đất đai, đăng ký kinh doanh, vay vốn, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kinh nghiệm nuôi cá tầm cho người dân, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm nhằm phát triển nghề nuôi cá tầm bền vững, mang lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao”, đồng chí Nguyễn Văn Thành khẳng định.

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nong-dan-thu-tien-ty-tu-mo-hinh-nuoi-ca-tam-o-lam-dong-740499