Nông dân Thái Bình làm giàu từ loại củ được mệnh danh 'sâm trắng'

Những ngày này, bà con nông dân xã Đông La (Đông Hưng, Thái Bình) bước vào vụ thu hoạch sắn dây, loại củ họ vẫn thường gọi là 'sâm trắng'.

Ông Mai Văn Chùy, thôn Cổ Dũng 2 là người đầu tiên đưa giống sắn dây từ Hải Dương về trồng tại xã Đông La (Đông Hưng, Thái Bình). Năm đầu ông chỉ trồng thử vài hốc, một năm sau được thu hoạch, hốc nào củ cũng nhiều, lại to, cho hiệu quả kinh tế cao, vì vậy ông đã mạnh dạn thuê, mượn thêm vườn, ruộng cải tạo, chuyển đổi trồng 1ha sắn dây.

Vài năm gần đây, vợ chồng ông có tuổi, giảm diện tích trồng sắn dây xuống còn 1,5 mẫu với khoảng 40 hốc, diện tích còn lại ông chuyên trồng cây giống cung cấp cho bà con trong và ngoài xã, đồng thời đầu tư máy móc chế biến bột sắn dây cho gia đình và làm dịch vụ cho bà con. Ông đã cùng một số người đứng ra thành lập HTX Chế biến và kinh doanh nông sản Đông La để tận dụng nguyên liệu củ sắn dây tại địa phương chế biến và xây dựng bột sắn dây đạt sản phẩm OCOP 4 sao.

Ông Mai Văn Chùy, xã Đông La (huyện Đông Hưng, Thái Bình) thu 1 tấn củ sắn dây/sào.

Ông Chùy chia sẻ: Sắn dây là loại cây dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc, ít sâu bệnh. Tuy nhiên, do là cây lấy củ nên muốn có năng suất cao phải trồng bằng cây giống chiết trên đất tơi xốp, khô, đắp ụ cao để trồng, 1 sào trồng khoảng 10 hốc; trộn các loại phân vào hố rồi trồng cây lên, đến tháng 8 tưới lân đạm bổ sung cho cây.

Đến giờ ông Chùy vẫn là người giàu kinh nghiệm trồng sắn dây nhất xã, do vậy năm nào sắn dây của gia đình ông thu hoạch cũng đạt năng suất cao, bán được giá nhất. Thường thì ông thu 1 tấn củ/sào, chế biến được 2 tạ bột sắn dây. Không chỉ được mùa, năm nay còn được giá, vụ sắn dây này gia đình ông thu lãi 200 triệu đồng. Mỗi năm ông còn cung cấp 1 vạn cây giống sắn dây cho bà con trong và ngoài xã, đồng thời làm dịch vụ chế biến hàng chục tấn sắn dây thành bột sắn.

HTX Chế biến và kinh doanh nông sản Đông La do ông làm Phó Giám đốc năm 2023 thu mua hơn 10 tấn củ sắn dây để chế biến thành bột sắn dây cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Dự kiến năm nay sẽ thu mua củ sắn dây tươi cho bà con với số lượng nhiều hơn để chế biến thành bột bảo đảm tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

Sắn dây chứa nhiều dưỡng chất, việc bổ sung bột sắn dây sẽ mang đến những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe con người. Nhu cầu sử dụng bột sắn dây ngày càng cao, nguồn thu trồng sắn dây cao hơn một số loại cây trồng khác, do vậy số hộ dân ở xã Đông La học theo ông Chùy trồng sắn dây ngày càng nhiều. Năm nay sắn dây cho năng suất cao, 1 sào thu được khoảng 1 tấn củ, bán được 18 - 20 triệu đồng, tùy loại; nếu chế biến thành bột giá trị tăng lên 40 triệu đồng.

Bột sắn dây sau khi chế biến thành sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

Ông Phạm Văn Gác, thôn Cổ Dũng 2 cho biết: Nhà tôi trồng 11 hốc sắn dây từ đầu năm 2023, giờ đang cho thu hoạch. Vụ sắn dây này năng suất gấp đôi năm ngoái, nếu năm ngoái chỉ thu được 40 - 50kg/hốc thì năm nay đạt 70kg đến 1 tạ. Giá bán củ cao hơn tầm 2.000 - 3.000 đồng/kg, giá bán bột sắn 200.000 đồng/kg, cao hơn năm ngoái 20.000 đồng/kg. Tất cả củ tươi thu hoạch được nhà tôi chế biến thành bột, để được lâu, lúc nào được giá thì bán.

Năm 2023, bà Lê Thị Hằng, thôn Cổ Dũng 2 trồng 11 hốc sắn dây. Sau gần 1 năm vất vả vun trồng, chăm bón nay cũng đã đến ngày thu hoạch.

Bà Hằng cho biết: Năm vừa qua, thời tiết thuận lợi nên năng suất sắn đạt cao, các hộ trồng đều phấn khởi. Có những hốc sắn dây khi gạt lớp đất mỏng đã trồi ra toàn củ, thu mỗi gốc đến 1 tạ củ, điều mà không phải vụ thu hoạch nào cũng có được.

Từ ngày có HTX Chế biến và kinh doanh nông sản Đông La, việc tiêu thụ củ sắn dây của bà con thuận lợi hơn nhiều, giá bán cũng cao hơn giá thị trường, thu nhập của bà con vì thế cũng tăng, thường gấp 4 - 5 lần trồng lúa. Chúng tôi yên tâm mở rộng diện tích trồng sắn dây.

Bà Mai Thị Thùy, Phó Giám đốc HTX DVNN xã Đông La cho biết: Bén rễ trên đất Đông La đến nay đã hơn 20 năm, cây sắn dây đã trở thành cây trồng thế mạnh, cây làm giàu của nhiều hộ dân nơi đây.

Đến nay xã có trên 200 hộ trồng sắn dây với khoảng 20ha, hộ trồng nhiều đến vài mẫu, tập trung nhiều ở thôn Cổ Dũng 2. Do hợp thổ nhưỡng, lại được người dân trồng, chăm bón với kỹ thuật, kinh nghiệm rút ra nhiều năm nên sắn dây cho củ sai, chất lượng thơm ngon đặc trưng, được nhiều người biết đến.

Hàng năm HTX đều tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chiết cây giống, trồng, chăm sóc sắn dây; cung cấp phân đạm bảo đảm chất lượng cho bà con; khuyến khích các hộ cải tạo vườn tạp, chuyển diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng sắn dây.

Vận động các hộ, đặc biệt là HTX Chế biến và kinh doanh nông sản Đông La đẩy mạnh chế biến bột sắn để tăng giá trị, chất lượng, tiêu chuẩn, phấn đấu nâng cấp sản phẩm bột sắn của HTX lên sản phẩm OCOP 5 sao.

Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp, những nông dân ở xã Đông La đã xây dựng thành công thương hiệu bột sắn dây và làm giàu từ loại nông sản quen thuộc, dân dã của địa phương.

Theo Hiếu Nghĩa/Báo Thái Bình

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/nong-dan-thai-binh-lam-giau-tu-loai-cu-duoc-menh-danh-sam-trang-1968871.html