Nông dân miền núi Sơn La ứng phó với nắng nóng, khô hạn

Nắng nóng, khô hạn kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất của bà con nông dân tỉnh miền núi Sơn La. Để ứng phó với thời tiết khắc nghiệt, bà con đã linh hoạt điều chỉnh thời gian lao động, chủ động thay đổi phương pháp trồng trọt, chăn nuôi.

Hơn 6 giờ sáng, nắng nóng đã bao trùm cánh đồng rộng lớn bên dòng suối Tấc, huyện Phù Yên, Sơn La. Tình trạng này đã kéo dài nhiều ngày nay khiến công việc đồng áng của bà con gặp khó.

Để ứng phó với thời tiết khắc nghiệt, ông Đinh Văn Quang, xã Huy Thượng, huyện Phù Yên đã linh hoạt thay đổi thời gian lao động, sản xuất.

Để ứng phó với thời tiết khắc nghiệt, ông Đinh Văn Quang, xã Huy Thượng, huyện Phù Yên đã linh hoạt thay đổi thời gian lao động, sản xuất.

Vừa gánh rơm trên vai, ông Đinh Văn Quang, xã Huy Thượng, huyện Phù Yên nhanh chóng lùa đàn trâu về phía bóng mát ven suối. Theo ông Quang, thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài khiến việc chăm sóc đàn trâu gần 10 con và 1.500m ruộng của gia đình vất vả hơn bao giờ hết.

"Thời gian này tôi phải chăn trâu từ lúc 6 giờ, lấy rơm lên đây cho nó ăn. Mấy hôm nay nắng nóng quá, ruộng cũng phải đi sớm vì 9 giờ đã nóng lắm rồi"- ông Quang nói.

Đàn gia súc được chăn thả vào sáng sớm, tại các khu vực có bóng mát.

Đàn gia súc được chăn thả vào sáng sớm, tại các khu vực có bóng mát.

Để bảo vệ “đầu cơ nghiệp’ của gia đình, ông Nguyễn Văn Tiến, bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên đã sáng chế hệ thống “mưa nhân tạo”, làm mát từ trên mái che cho hơn 50 con trâu, bò trong những ngày nắng nóng: "Ở đây chúng tôi lắp hệ thống tưới mát cho trâu, bò, tưới nước trên mái như mưa nhân tạo. Gia đình cũng đi lấy cỏ sớm từ 5 giờ sáng, chiều mới cho trâu, bò ăn, dọn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ".

Theo bà Bạc Cầm Thị Xiêng, Trưởng PhòngNN-PTNT huyện Phù Yên, Sơn La, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn ít mưa, nắng nóng kéo dài, nguồn nước thiếu. Trong hơn 2.100 ha diện tích lúa toàn huyện, khoảng 72 ha có khả năng bị hạn, trong đó 2 ha có thể không khắc phục được.

Nhiều hộ dân cắt cỏ từ sớm, chuẩn bị thức ăn cho đàn gia súc nuôi nhốt chuồng.

Nhiều hộ dân cắt cỏ từ sớm, chuẩn bị thức ăn cho đàn gia súc nuôi nhốt chuồng.

Khô hạn, nắng nóng kéo dài cũng là nguy cơ khó khắc phục hạn hán với cây trồng trên nương như ngô, sắn, lúa nương. Đến nay, một số diện tích trồng ngô của người dân phát triển không tốt như mọi năm; cây sắn cũng khó phát triển, không mọc mầm, không sinh trưởng được.

"Phòng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành phương án phòng chống hạn hán, thiếu nước, đảm bảo khả năng bổ sung nước trong thời gian lâu dài. Đồng thời, chỉ đạo các xã, trạm khai thác công trình thủy lợi, các tổ thủy nông thực hiện điều tiết thường xuyên, tưới luân phiên, đảm bảo khả năng tiết kiệm tối đa"- bà Xiêng nói.

Nông dân Phù Yên sáng tạo mô hình "mưa nhân tạo", tưới mát trên mái che cho đàn trâu, bò.

Nông dân Phù Yên sáng tạo mô hình "mưa nhân tạo", tưới mát trên mái che cho đàn trâu, bò.

Nông dân Phù Yên sáng tạo mô hình "mưa nhân tạo", tưới mát trên mái che cho đàn trâu, bò.

Nông dân Phù Yên sáng tạo mô hình "mưa nhân tạo", tưới mát trên mái che cho đàn trâu, bò.

Ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La cũng khuyến cáo bà con chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân và an toàn cho đàn vật nuôi khi lao động, sản xuất trong thời tiết nắng nóng; chăn thả gia súc, gia cầm vào thời điểm mát mẻ, sáng sớm, chiều tối; bổ sung thêm thức ăn xanh, nước uống, muối... cho đàn gia súc./.

Thanh Thủy – Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nong-dan-mien-nui-son-la-ung-pho-voi-nang-nong-kho-han-post1021465.vov