Nông dân miền núi Nam Trà My thoát nghèo từ loại cây 'quốc bảo'

Được biết đến là 'nhân sâm' quý báu của Việt Nam, mỗi năm cây sâm Ngọc Linh có thể mang về 600 tỷ đồng, giúp nhiều người nông dân miền núi huyện Nam Trà My (Quảng Nam) không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.

Chị Trần Hải Thủy, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My cho biết, kinh tế gia đình, việc học hành của con cái được bảo đảm hơn nhiều từ khi tham gia trồng sâm. Được biết, nhà chị Thủy bắt đầu trồng sâm được hơn 8 năm, bán chủ yếu cho doanh nghiệp, người dân mua về sử dụng bồi bổ sức khỏe…

Huyện nghèo đổi đời

Gia đình cha con ông Hồ Văn Dũng, người dân tộc Xơ Đăng (Nam Trà My) cũng vậy. Con trai ông là Hồ Văn Báo (33 tuổi) cùng ông tham gia trồng sâm, giờ đây, gia đình anh có cuộc sống rất khá giả, con cái được ăn học đầy đủ.

"Phải cho con cái ăn học đến nơi đến chốn, trồng sâm có tiền nhưng vẫn phải có cái chữ nữa mới biết cách làm ăn và bán sâm tốt hơn”, anh Hồ Văn Báo chia sẻ.

Nhờ trồng sâm Ngọc Linh, nhiều gia đình huyện Nam Trà My đã thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu.

Ông Lê Thanh Hưng, Bí thư Huyện ủy Nam Trà My cho biết, khi tái lập, Đảng bộ và nhân dân huyện Nam Trà My gặp không ít khó khăn bởi kinh tế chậm phát triển; hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, yếu kém; thu nhập bình quân đầu người và thu ngân sách nhà nước trên địa bàn rất thấp; đời sống nhân dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo gần 90%, tình trạng đói cơm, lạt muối vẫn diễn ra quanh năm; thiên tai, dịch bênh thường xuyên xảy ra. Đó cũng là nỗi ám ảnh của mỗi người khi đặt chân đến Nam Trà My.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam, 20 năm qua, các thế hệ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong huyện luôn chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách đạt nhiều thành tích trên tất cả các lĩnh vực.

"Từ một huyện xuất phát điểm kinh tế thấp, đến nay huyện nhà đã có một nền tảng kinh tế - xã hội phát triển khá toàn diện, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 10%.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng trong các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, lâm nghiệp - thủy sản; giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng trưởng khá, đạt trên 560 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người gần 35 triệu đồng/năm, tăng gần 11 lần so với năm 2003...", ông Hưng chia sẻ.

Đáng chú ý, sức bật kinh tế của địa phương chủ yếu nhờ vào cây sâm. Sâm Ngọc Linh bao đời nay đã hiện diện tại vùng núi Ngọc Linh, huyện Nam Trà My. Sâm là loài dược liệu đặc biệt quý hiếm, có giá trị đặc hữu, với những đặc tính riêng có mà các loài sâm khác trên thế giới không có được, là sản phẩm của quốc gia, là vàng xanh của đất nước.

Tận dụng “mỏ vàng” sâm Ngọc Linh

Để cây sâm Ngọc Linh thực sự có thương hiệu và khẳng định được giá trị đúng của nó, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã tích cực xây dựng và bảo tồn sâm Ngọc Linh gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững.

“Chúng tôi đặt mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững cây sâm Ngọc Linh nhằm cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, đồng thời phát triển sâm Ngọc Linh trở thành một sản phẩm chủ lực của Việt Nam”, đại diện UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ.

Hiện Quảng Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách về phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản xuất, chế biến sản phẩm sâm Ngọc Linh. Theo đó, những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nam Trà My đã tập trung phát triển sâm Ngọc Linh trở thành cây trồng chủ lực để thoát nghèo.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã tích cực xây dựng và bảo tồn sâm Ngọc Linh gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Các tổ chức, doanh nghiệp, hộ, nhóm hộ đã tham gia trồng sâm Ngọc Linh với tổng diện tích gần 810ha, với khoảng hơn 3 triệu cây; giá cả cây sâm Ngọc Linh dần ổn định; các nhà khoa học đã tập trung đầu tư nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ sâm. Người trồng sâm đã ý thức được việc trồng sâm đi đôi với bảo vệ và phát triển rừng...

“Nhờ cây sâm Ngọc Linh, người dân Nam Trà My không chỉ xóa đói, thoát nghèo mà còn bắt đầu làm giàu. Thậm chí ở Trà Linh còn xuất hiện ngày càng nhiều tỷ phú”, ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết.

Không chỉ vậy, các địa phương trong tỉnh cũng đã thu hút các HTX xây dựng chuỗi liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo nền móng cho công nghiệp chế biến dược liệu vốn còn non trẻ này.

Bà Hồ Thị Thanh, Chủ tịch HĐQT HTX dược liệu sâm Ngọc Linh Quảng Nam cho biết, HTX thanh lập năm 2020 đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế của các sản phẩm chế biến từ dược liệu, thúc đẩy việc tiêu thụ các loại dược liệu, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên cũng như người dân trên địa bàn, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

“Hiện HTX chủ yếu tập trung vào các sản phẩm chế biến từ Sâm và các loại dược liệu quý của vùng núi Ngọc Linh. Đến nay, HTX đã cung ứng ra thị trường nhiều sản phẩm có chất lượng, đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm. Mục tiêu của HTX trong thời gian tới không chỉ cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước mà hướng đến xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Nhật Bản và Châu Âu.. Từ đó, giúp người dân nơi đây giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu”, bà Hồ Thị Thanh chia sẻ.

Định hướng phát triển gắn với du lịch

Với những kết quả đạt được, Đảng ủy, chính quyền huyện Nam Trà My xác định trong thời gian tới tiếp tục thúc đẩy kinh tế phát triển nông lâm nghiệp, chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng từ cây lúa, cây keo, sang cây dược liệu, đặc biệt tập trung phát triển sâm Ngọc Linh trở thành cây trồng chủ lực để thoát nghèo.

“Thời gian tới, huyện định hướng tiếp tục phát triển cây dược liệu, gắn với trồng rừng cây gỗ lớn để vừa phát triển kinh tế dưới tán rừng, vừa bảo vệ môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch trong tương lai”, ông Trần Duy Dũng cho biết.

Ông Dũng thông tin thêm, Lễ hội Sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My dự kiến sang năm 2024 sẽ được tổ chức ở quy mô quốc gia, hướng tới quy mô quốc tế trong tương lai nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh cây sâm, giá trị cây sâm Ngọc Linh là một trong những loại sâm tốt nhất thế giới đến với đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế .

Đây cũng là cơ hội để bà con cũng như doanh nghiệp địa phương có điều kiện giao lưu hàng hóa, ngoài cây sâm Ngọc Linh còn có những mặt hàng nông sản đặc trưng bản địa khác, qua đó vừa nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, vừa để người dân biết cách làm ăn, buôn bán.

Mục tiêu quan trọng nữa, theo Chủ tịch UBND huyện Trà My, đó là qua lễ hội sâm mong muốn bảo tồn, phát huy và giới thiệu bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương như múa cồng chiêng, trò chơi truyền thống, nhạc cụ và những làn điệu dân ca…, qua đó hướng tới phát triển du lịch cộng đồng và bà con làm quen với làm du lịch gắn với phát triển trồng cây sâm.

Dù vậy, hiện có một số trở ngại để phát triển trồng sâm ở Nam Trà My, đó là “vướng” một số quy định về rừng đặc dụng của Luật Lâm nghiệp.

Theo ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nguyên Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, Luật Lâm nghiệp quy định rừng đặc dụng sẽ không được tác động vào, nên tạo rào cản cho người dân và doanh nghiệp khi tổ chức trồng sâm, loại dược liệu quý vốn chỉ ưa sống dưới những tán rừng đặc dụng rậm rạp, cũng như khiến địa phương gặp trở ngại khi thúc đẩy mục tiêu phát triển kinh tế dưới tán rừng.

“Để phát triển thành một ngành công nghiệp sâm với cây sâm Ngọc Linh là chủ lực ở địa phương, thì ngoài việc phải tìm cách tháo gỡ những vướng mắc trong quy định pháp luật hiện hành thì cần ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển dược liệu, tiếp cận vốn vay ưu đãi để khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư, nhất là trong lĩnh vực chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm của sâm Ngọc Linh”, ông Bửu nhấn mạnh.

Giang Nam

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/nong-dan-mien-nui-nam-tra-my-thoat-ngheo-tu-loai-cay-quoc-bao-1094392.html