Nông dân Lai Vung vững tin vào kinh tế hợp tác đưa vùng cây ăn trái đi lên

Huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) đang khôi phục lại diện tích trồng quýt hồng và các loại cây có múi, nên việc phát triển các HTX, tổ hợp tác thực hiện các hoạt động thương mại, trồng trọt với những loại cây này là rất quan trọng. Bên cạnh đó, nông dân ở vùng cây ăn trái này ngày càng vững tin vào việc phát triển kinh tế hợp tác vì vừa giúp tạo chuỗi liên kết nông sản, vừa góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Cách đây hơn nửa năm, ở xã Long Hậu (huyện Lai Vung) đã ra mắt HTX Thương mại ngành hàng cây có múi Lai Vung, với 17 thành viên, tổng vốn điều lệ khoảng 5 tỷ đồng. Hoạt động chính của HTX này là trồng trọt, cung cấp, mua bán các loại phân hữu cơ, cây giống, đặc biệt là cây có múi. Đồng thời, HTX còn đào tạo chuyên môn kỹ thuật cho nông dân, xuất khẩu hàng tươi và sản phẩm sau thu hoạch cây có múi…

Cùng HTX khôi phục cây quýt hồng

Việc phát triển HTX ở ngành hàng cây có múi (trong đó quýt là cây trồng chủ lực) là rất quan trọng với Lai Vung trong lúc này. Bởi lẽ, cách đây 5 năm, cây quýt hồng tại huyện Lai Vung chịu ảnh hưởng bởi hiện tượng vàng lá, thối rễ, chết xanh khiến diện tích bị giảm mạnh.

Lai Vung đang khôi phục lại diện tích cây quýt hồng và đang rất cần vai trò yểmtrợ của cácHTX.

Để vực dậy loại cây thế mạnh này, tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt Đề án bảo tồn vườn quýt hồng giai đoạn 2020-2024 với diện tích hơn 547 ha ở huyện Lai Vung. Với nhiều nỗ lực, đến nay, hầu hết diện tích quýt hồng đã khôi phục trở lại, phát triển tốt, và đang rất cần vai trò yểm trợ của HTX, tổ hợp tác trong ngành hàng cây có múi nhằm góp phần cải thiện kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân địa phương.

Gia đình ông Nguyễn Văn Đầy, ngụ xã Long Hậu cho biết ai cũng cảm nhận được sự hồi sinh mạnh mẽ của cây quýt hồng. Hoạt động của HTX Thương mại ngành hàng cây có múi Lai Vung càng giúp nông dân vững tin hơn với loại cây thế mạnh này.

Theo ông Đầy, hơn 4 năm trước, khu vườn của ông tưởng chừng không “chống chịu” nổi với hiện tượng vàng lá, thối rễ, chết xanh, cả vườn đều nhiễm bệnh. Từ lúc khôi phục trở, với sự hỗ trợ của HTX và ngành nông nghiệp huyện, vườn quýt hồng của gia đình ông đã cho năng suất cao là nhờ áp dụng các biện pháp canh tác theo Đề án của tỉnh Đồng Tháp khuyến cáo. Đến nay, vườn quýt hồng hoàn toàn sử dụng phân hữu cơ để bón với mục đích vừa cung cấp dinh dưỡng cho cây, vừa giúp cải tạo đất…

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung, trong năm 2023, địa phương cùng các sở, ngành, chuyên gia khuyến khích nông dân mở rộng diện tích, đăng ký tham gia trồng mới, khắc phục dịch bệnh khoảng 200ha. Huyện phấn đấu đến năm 2024, diện tích bảo tồn quýt đạt gần 550ha, trong đó khu vực khắc phục dịch bệnh gần 199ha, khu vực trồng lại hoàn toàn là gần 348 ha.

Huyện Lai Vung xác định quýt là một trong những cây trồng chủ lực, không chỉ giúp cải thiện đời sống của bà con nông dân mà còn gắn liền với hình ảnh địa phương. Qua 3 năm thực hiện Đề án cải tạo, khôi phục vườn quýt hồng, hiện tại tổng diện tích vườn quýt hồng trên địa bàn huyện khoảng 200 ha, bước đầu cho thấy sự định hướng đúng của đề án và sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của bà con nông dân trên địa bàn huyện.

Xuất hiện các mô hình liên kết hiệu quả

Hiện nay các ngành, các cấp trên địa bàn huyện Lai Vung cũng đang hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý để phát triển hoạt động HTX ngành hàng cây có múi. Trong canh tác cây ăn trái, toàn huyện hiện có 7.450ha, trong đó quýt hồng là 200/500ha, tổng sản lượng 243.000 tấn. Toàn huyện có diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 240,87ha; sản xuất gắn với mã số vùng trồng (83 vùng trồng), với diện tích 3.181ha.

Các nông dân Lai Vung vững tin vào kinh tế hợp tác giúp họ nâng cao đời sống.

Còn về phát triển kinh tế hợp tác, toàn huyện hiện có 12 HTX, 63 tổ hợp tác và 11 hội quán đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng số hơn 2.500 thành viên.

Từ việc thúc đẩy kinh tế hợp tác, thời gian qua ở Lai Vung đã xuất hiện các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiệu quả, mang tính bền vững như: Mô hình trồng dưa lê, đậu bắp của tổ hợp tác ở xã Tân Hòa; mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ cam, quýt, thanh long ruột đỏ của các HTX, tổ hợp tác ở xã Vĩnh Thới; mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ thanh long ruột đỏ xã Phong Hòa...Đây là tiền đề để huyện nhân rộng cho những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, các hội quán ra đời phần nào đáp ứng được nguyện vọng của người dân ở Lai Vung, đặc biệt là những hộ có hoạt động sản xuất nông nghiệp nhằm mục đích giúp cho người dân thuận lợi trong việc trao đổi, cập nhật mới các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, thông tin về thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Hữu Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung, cho biết trong thời gian tới địa phương sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn và bồi dưỡng để nâng cao năng lực, kỹ năng và trình độ cho thành viên hội quán.

Bên cạnh đó, theo ông Hiền, huyện cũng sẽ phổ biến cho các hội quán về những mô hình giảm giá thành, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất an toàn, GAP, sản xuất hữu cơ, kiến thức về tham quan, du lịch sinh thái... nhằm nâng cao nhận thức cho thành viên hội quán trong sản xuất và kinh doanh. Và nhất là hỗ trợ, hướng dẫn các hội quán có đủ điều kiện để thành lập HTX.

Ngoài mô hình hội quán, hiện nay các HTX điển hình ở Lai Vung như HTX quýt hồng, HTX nông sản sạch Vĩnh Thới, HTX Thanh Long VietGAP Phong Hòa đang áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 55,96 ha.

Góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới

Khi áp dụng quy trình này, các thành viên HTX kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật góp phần làm giảm chi phí. Sản phẩm sản xuất ra đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Ngoài ra, các sản phẩm của HTX đạt tiêu chuẩn VietGAP là điều kiện tiền đề để các công ty đến liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Từ việc thúc đẩy kinh tế hợp tác đã và đang góp phần giúp huyện Lai Vung tiến tới hoàn thành thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới.

Về phía các tổ hợp tác đa số sản xuất và tiêu thụ cây ăn trái trong huyện đang áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, diện tích được chứng nhận VietGAP 155,3 ha.

Khi tham gia vào các mô hình kinh tế hợp tác này, nông dân trong huyện Lai Vung được hướng dẫn áp dụng quy trình, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật góp phần làm giảm chi phí.

Bên cạnh đó, nông dân cũng áp dụng hệ thống tưới phun tự động giúp giảm chi phí trong sản xuất. Một số ít hộ áp dụng kỹ thuật giàn treo và che lưới trái. Đây được xem là những hạt nhân nhằm phát triển chuỗi liên kết sản phẩm tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp góp phần phát triển kinh tế tập thể, xây dựng nông thôn mới…

Lãnh đạo UBND huyện Lai Vung cho biết: Thời gian qua, một bộ phận người dân, đặc biệt là những hộ dân sản xuất cây ăn trái đã có nhận thức tích cực về việc cần thiết phải tham gia vào HTX, tổ hợp tác, hội quán để có thể tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định.

Việc hình thành nên các mô hình kinh tế hợp tác cũng phần nào đáp ứng được nguyện vọng của người dân, nhất là những hộ có hoạt động sản xuất nông nghiệp nhằm giúp cho người dân thuận lợi trong việc trao đổi, cập nhật mới các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, thông tin về thị trường, tiêu thụ sản phẩm; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp...

Từ việc thúc đẩy kinh tế hợp tác đã góp phần giúp các xã ở huyện Lai Vung hoàn thành thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới. Tính đến năm 2023, toàn huyện có 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 xã đạt nông thôn mới nâng cao. Huyện cũng đang phấn đấu đến cuối năm 2023 đạt huyện nông thôn mới.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/nong-dan-lai-vung-vung-tin-vao-kinh-te-hop-tac-dua-vung-cay-an-trai-di-len-1095059.html