Nông dân, HTX thời 4.0 ở Bình Định giàu lên nhờ làm nông thông minh bằng drone, smartphone

Mục tiêu đến năm 2025, Bình Định sẽ tăng diện tích áp dụng canh tác lúa cải tiến (SRI) lên 5.000ha nhằm giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm nước, giảm phát thải, mang lại lợi ích bền vững cho nông dân, HTX, hướng đến một nền nông nghiệp thông minh, hiệu quả.

Để tổ chức sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, ngoài chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hữu cơ, tiết kiệm nước tưới, cơ cấu giống theo từng mùa vụ, ngành nông nghiệp tại các địa phương ở Bình Định đang khuyến khích nông dân, HTX thực hiện canh tác lúa cải tiến (SRI).

Ứng dụng công nghệ mới

Canh tác lúa cải tiến là phương thức canh tác lúa sinh thái dựa trên các yếu tố “tăng - giảm” phù hợp. Giảm là giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; còn tăng là tăng hiệu quả kinh tế, tăng năng suất, đảm bảo sức khỏe người sản xuất.

Ông Phạm Văn Tân, Giám đốc HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn), cho hay HTX hiện có 200ha liên kết sản xuất lúa giống áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến. Kết quả cho thấy cây lúa sinh trưởng tốt, lúa giống được sạ thưa nên sâu bệnh giảm nhiều, việc tưới tiêu thuận lợi hơn.

Thiết bị bay không người lái (drone) trên cánh đồng lớn ở Bình Định (Ảnh: BBĐ).

“Để nâng cao năng suất, HTX còn ứng dụng kỹ thuật sạ cụm bằng máy cho diện tích 1ha trong cánh đồng liên kết sản xuất lúa giống, đồng thời áp dụng SRI, bước đầu mô hình này cho thấy kết quả rất khả quan, lúa không bị ngã đổ, năng suất tăng cao, ít bị tác động của sâu bệnh”, ông Tân nói.

Cùng với áp dụng canh tác lúa thông minh, nhiều nông dân ở Bình Định cũng đang tăng cường sử dụng các thiết bị bay không người lái (drone) trên những cánh đồng lớn, cho thấy nhiều hiệu quả thiết thực trong gieo hạt, phun thuốc, quản lý sinh trưởng cây trồng…

Điển hình, vào cuối tháng 2 vừa qua, tại xã Phước Quang (huyện Tuy Phước), HTX Nông nghiệp Phước Quang phối hợp với UBND xã kết nối, thuê dịch vụ drone để phun thuốc bảo vệ thực vật cho hơn 120 ha lúa thuộc cánh đồng mẫu lớn.

Ông Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Quang, cho hay sử dụng drone mang lại nhiều lợi ích nên được thành viên HTX cũng như nông dân địa phương hưởng ứng, thực hiện. Sử dụng drone phun thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu giúp rút ngắn thời gian, tiết kiệm công lao động, đồng thời tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.

Tương tự, tại xã Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ), trong vụ Đông Xuân vừa qua, đã có trên 8 ha lúa thuộc cánh đồng liên kết chuỗi ở thôn Vạn An sử dụng drone để phun thuốc bảo vệ thực vật.

Giảm bán thô, tăng chế biến

Ông Trần Nghiêng (thôn Vạn An) chia sẻ, ban đầu, khi nhắc tới việc ứng dụng máy bay không người lái vào sản xuất ai cũng ngại vì không biết hiệu quả ra sao, cũng chưa biết “có làm nổi hay không”, nhưng rồi được sự đồng hành của các HTX, doanh nghiệp, cơ quan chức năng, mọi việc dần quen.

“Nhờ có máy móc, phun thuốc không còn là công việc nặng nhọc của nông dân chúng tôi nữa. Việc ứng dụng công nghệ giúp tiết kiệm thời gian, bảo vệ sức khỏe, hơn nữa chi phí không quá cao. Tôi mong rằng cách làm này sẽ tiếp tục được triển khai và mở rộng trên những cánh đồng lớn ở khắp trong và ngoài tỉnh”, ông Nghiêng hồ hởi nói.

Khoa học kỹ thuật là chìa khóa mở ra cánh cửa thành công cho nông dân Bình Định (Ảnh: BBĐ).

Không chỉ trong sản xuất lúa, ứng dụng công nghệ cao là định hướng chung của toàn ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định trong thời gian qua. Như ở huyện Hoài Ân, một trong những vùng chuyên canh cây ăn quả lớn nhất tỉnh, đến nay, nhiều nông dân đã áp dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Đơn cử, ở HTX nông nghiệp công nghệ cao La’sfarm Ân Phong (xã Ân Phong), chỉ cần một vài thao tác trên điện thoại thông minh (smartphone), thành viên HTX đã có thể kích hoạt hệ thống tưới nhỏ giọt, bón phân... lên toàn bộ vườn cây hơn 2.000m2 trồng các loại dưa lưới, dưa leo và nhiều loại cây trồng khác mà không cần ra tận vườn.

Hay như ở huyện Tây Sơn, người nông dân cùng các HTX đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để giảm bán thô, tăng tỷ lệ chế biến, từ đó gia tăng giá trị cho nông sản.

Tận dụng nguồn nước thuận lợi từ kênh tưới Thượng Sơn, trong 3 năm gần đây, nông dân xã Tây Giang (Tây Sơn) đã tích cực chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng ngắn ngày, trong đó có cây đậu phụng (lạc). Hiện, toàn xã có 300 ha canh tác, sản lượng đậu khô khoảng 600 tấn mỗi năm. Ngoài ra, bà con còn trồng mè với diện tích khoảng 20 ha, cho sản lượng khoảng 20 tấn/năm.

Trước đây, các hộ sản xuất đậu phụng, mè ở Tây Giang chỉ bán thô là chủ yếu nên giá cả bấp bênh, giá trị thu về không cao. Trước tình hình này, năm 2020, HTX Thượng Giang đã mạnh dạn đầu tư 150 triệu đồng để xây dựng xưởng ép dầu theo công nghệ ép lạnh để phục vụ nhu cầu của thành viên.

Năm 2021, HTX tiếp tục đầu tư hơn 350 triệu đồng để sắm thêm giàn máy ép và lọc dầu với công suất 2,4 tấn/ngày (cho cả mè và đậu phụng). Nhờ đó, HTX không chỉ phục vụ nhu cầu chế biến của thành viên mà còn cho cả nông dân trong và ngoài địa phương.

Hướng đến nông nghiệp thông minh

Ông Trần Đình Thọ, Giám đốc HTX Thượng Giang, cho hay cùng với việc ép dầu gia công cho nhiều nông dân trong và ngoài xã, cũng như thu mua nguyên liệu đậu phụng của thành viên, từ năm 2022 đến nay, HTX tổ chức sản xuất thêm 60 ha đậu phụng theo chuẩn VietGAP nhằm có nguyên liệu để sản xuất tinh dầu phộng mang thương hiệu riêng của HTX.

Với sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh và Phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn, HTX được hỗ trợ làm trang bán hàng thương mại điện tử, mã QR, truy xuất nguồn gốc. Cuối năm 2022, sản phẩm dầu phụng và dầu mè nguyên chất của HTX đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

"Việc ứng dụng công nghệ hiện đại, giảm xuất thô, tăng chế biến đang giúp HTX nâng cao thương hiệu, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, từ đó đảm bảo thu nhập cho thành viên, nông dân liên kết”, Giám đốc HTX Thượng Giang Trần Đình Thọ nói.

Có thể thấy, làn sóng công nghệ cao đang lan tỏa mạnh mẽ trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp ở Bình Định. Đến nay, toàn tỉnh duy trì các cánh đồng liên kết trong sản xuất lúa giống và lúa thương phẩm với 270 cánh đồng lớn, cánh đồng mẫu lớn, diện tích hơn 11.000 ha.

Tỉnh cũng xây dựng và duy trì được 8 vùng sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích 106 ha, 1.206 hộ nông dân tham gia. Với cây ăn quả có lợi thế, đang từng bước quy hoạch vùng, trong đó có 90,4 ha cây ăn quả đã được chứng nhận VietGAP, 2,4 ha được cấp chứng nhận hữu cơ...

Với những thành công đang có, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các địa phương rà soát, đánh giá để áp dụng các hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp thông minh, bền vững, hiệu quả.

Mỹ Chí

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//khoa-hoc-cong-nghe/nong-dan-htx-thoi-4-0-o-binh-dinh-giau-len-nho-lam-nong-thong-minh-bang-drone-smartphone-1098776.html