Nông dân hồ hởi với chương trình canh tác lúa thông minh

Thời gian gần đây, nhiều bà con nông dân thắc mắc hỏi, chương trình canh tác lúa thông minh là gì, làm thế nào để tham gia và hiệu quả của chương trình. Đây là chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu do Cty CP Phân bón Bình Điền phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện từ vụ hè thu năm 2016, tại 13 tỉnh, thành ĐBSCL.

Giảm giống lẫn phân

Canh tác lúa thông minh thật ra là giải pháp kỹ thuật, từ khâu làm đất, gieo hạt, bón phân, quản lý dịch hại, chăm sóc, thu hoạch…, dù vậy người nông dân vẫn có thu nhập cao vì mục đích hướng đến sản xuất hiệu quả.

Nông dân thường có thói quen gieo giống dày, điều này ảnh hưởng hàng loạt đến các công đoạn sau này như: Chăm sóc, hạn chế dịch bệnh và thu hoạch. Bởi thế, chương trình hướng dẫn nông dân áp dụng nhiều kỹ thuật để hạn chế lượng lúa giống khi gieo sạ nhưng vẫn phù hợp với đồng đất, không làm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng. Một nông dân ở Tiền Giang cho biết, bà con mình vẫn sạ từ 200 - 250 kg lúa giống cho 1 ha, cá biệt có hộ sạ tới 350 - 400 kg. Nay, các nhà khoa học của chương trình khuyến cáo, sạ 80 kg/ha nhưng lúa vẫn phát triển tốt.

TS. Hồ Văn Chiến - thành viên ban cố vấn - lý giải: 1m 2 đất chỉ cần tối đa 600 bông lúa, mà sạ 80 kg giống/ha thì mỗi m 2 có trên 350 hạt, mỗi hạt chỉ cần 2 chồi là có 700 chồi. Còn gieo dày hay thúc cho nó nở bụi tới 1.200 - 1.500 chồi thì phân nửa số đó cũng sẽ là chồi vô hiệu. Số còn lại nằm trong đám rậm rạp kia sẽ ráng ngoi lên mà ra bông, nhưng bông sẽ nhỏ, ngắn, hạt ít, nhỏ, lại nhiều lép. Thân cây yếu, dễ bị sâu bệnh tấn công, dễ đổ, ngã, phải xịt nhiều thuốc. Nhiều cây thì phải bón nhiều phân… Rốt cục, số lượng thóc đẹp thu được sẽ không bằng sạ thưa.

Theo GS.TS Mai Văn Quyền - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Cty CP Phân bón Bình Điền - nguyên Phó Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp miền Nam, để sạ thưa đúng kỹ thuật và hiệu quả, bà con lưu ý phải làm đất cho kỹ, san lấp mặt ruộng cho phẳng, chủ động được nguồn nước tưới và nhất thiết phải dùng lúa giống xác nhận thì hiệu quả mới cao.

Thời gian qua, đạo ôn xuất hiện nhiều ở ĐBSCL, riêng tỉnh Sóc Trăng đã có trên 17.000 ha mắc bệnh này. Nguyên nhân là do gieo sạ dày và bón phân thừa đạm khiến cho lúa bị “sụ mặt”. Để đảm bảo cho cây lúa phát triển, Cty Bình Điền đã đưa ra bộ phân bón đặc chủng NPK Đầu Trâu phèn mặn, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới độ nhiễm mặn và chua phèn của ĐBSCL, nhất là các tỉnh ven biển. Để cho chi phí sản xuất thấp mà vẫn đạt năng suất cao, cùng với bộ sản phẩm Đầu Trâu phèn mặn, Bình Điền đã đưa tới nông dân phân đạm hạt vàng 46A+ và DAP Avail, giúp bà con giảm lượng bón từ 30 - 50% so với sản phẩm cùng loại, cũng tức là tăng lợi nhuận cho người trồng lúa.

Hứa hẹn hiệu quả cao

Vừa qua, ban cố vấn chương trình cùng trung tâm khuyến nông của 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã có chuyến thăm các mô hình, hướng dẫn trực tiếp cho nông dân đo độ mặn, phèn để nhận biết thời điểm bón phân cân đối. Anh Đồng Văn Tiệp (ở ấp 3, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, Hậu Giang) - một trong những nông dân tiêu biểu được chọn thí điểm mô hình canh tác lúa thông minh - cho biết, đã áp dụng mô hình và giảm được lượng giống sạ xuống còn 8 kg/công (cách làm truyền thống sạ tới 20 - 25 kg/công). Hiện tại, cây lúa khỏe, nở bụi tốt, số chồi nảy nở nhiều, chi phí ban đầu giảm khoảng 250.000 - 300.000 đồng/ha. Sử dụng loại phân chuyên dùng Đầu Trâu giải độc mặn - phèn thúc cây ra rễ, bộ rễ cây phát triển mạnh, tăng khả năng chống chịu, trước khi sạ bón lót 250 - 300 kg/ha. Đến thời điểm này, mô hình thí điểm trên ruộng vẫn chưa phải xử lý thuốc bảo vệ thực vật.

Còn ông Nguyễn Hồng Phương (ở xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang) có 5 công sạ 40 kg giống, đến nay trà lúa đã được 35 ngày tuổi. Ông Phương cho biết, từ khi áp dụng mô hình, trước tiên giảm được dịch hại sâu bệnh so với các thửa ruộng xung quanh, giống lúa OM 9921 đến thời điểm hiện tại chưa phải sử dụng thuốc trừ sâu, có bệnh đạo ôn nhưng không đáng kể.

GS.TS Mai Văn Quyền cho biết, qua khảo sát trên mô hình thí điểm của nhiều hộ trước khi gieo sạ đất bị nhiễm phèn, cây lúa có hiện tượng rễ có phèn nhẹ nên không trắng đẹp bằng những vùng khác. Nhưng nhìn chung cũng khá đạt yêu cầu của mô hình. Nếu bón phân chuyên dùng Đầu Trâu mặn - phèn sẽ giúp rễ trắng, khỏe, hút dinh dưỡng.

Ông Trần Văn Dũng - Trưởng Văn phòng thường trực, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tại TP.HCM - cho rằng, Bình Điền và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xây dựng chương trình canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu chặt chẽ, công tác bảo đảm chu đáo, triển khai thực hiện với sự vào cuộc nhiệt tình của cơ quan khuyến nông và lãnh đạo, chính quyền địa phương.

Trồng lúa vẫn thu lợi nhuận cao nếu biết cách

Doanh nhân Lê Quốc Phong, Tổng GĐ Cty CP Phân bón Bình Điền.

Lúa gạo Việt Nam đã trải qua những giai đoạn thăng trầm, từ chỗ không đủ ăn, đến sản xuất tự cung, tự cấp và sau đó vươn lên xuất khẩu đứng hàng thứ hai, thứ ba thế giới.Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo ở một số nước có nền nông nghiệp phát triển cũng đã thay đổi cách làm và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) để tăng năng suất và chất lượng, điều này làm gia tăng sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Dù chúng ta có sản lượng gạo xuất khẩu cao nhưng việc xây dựng thương hiệu gạo Việt chưa tạo ra ấn tượng, chất lượng không ổn định, giá thành cao... cho nên có những giai đoạn bị yếu thế trên thị trường. Một số bà con nông dân hoang mang khi sản xuất ra không bán được và không có lợi nhuận nên đã chuyển đổi qua canh tác loại cây trồng khác.

Nhiều cuộc hội thảo, nhiều câu hỏi đặt ra cho chính quyền các cấp và các nhà khoa học là có nên trồng lúa hay không? Liệu trồng lúa có cho thu nhập cao và ổn định không? Câu trả lời là trồng lúa vẫn là giải pháp dễ thực hiện và bền vững nhất với nông dân, nếu canh tác đúng cách, đúng quy trình vẫn mang lại lợi nhuận cao. Nhưng trước hết bà con nông dân phải thay đổi nhận thức là đang kinh doanh trên đồng ruộng của mình, sản xuất ra lúa hàng hóa để đáp ứng nhu cầu ngày càng đòi hỏi khắt khe của người tiêu dùng trong nước và thế giới. Từ đó, bà con mình phải chuẩn bị thật kỹ trước khi sản xuất từ khâu làm đất, chọn giống, phân bón, chăm sóc và thu hoạch đồng thời ứng dụng các tiến bộ KHKT theo khuyến cáo của các nhà khoa học, chắc chắn bà con mình sẽ tiết kiệm được giống, thuốc, phân bón, ngày công...

Chương trình canh tác lúa thông minh ứng với biến đổi khí hậu là một chương trình cung cấp cho bà con nhiều giải pháp tối ưu để trồng lúa không những có lợi nhuận mà lợi nhuận ngày càng cao, dù chương trình mới thực hiện ở 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long nhưng đã tạo ra được hiệu ứng khá tốt, được nông dân hưởng ứng tích cực.Thiết nghĩ, đây là chương trình cần nhân rộng ra cả nước, khi mà nhiều bà con tham gia thì việc trồng lúa mang lại lợi nhuận cao cho nông dân là điều không cần phải bàn cãi.

Lê Quốc Phong

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/nong-dan-ho-hoi-voi-chuong-trinh-canh-tac-lua-thong-minh-574817.bld