Nông dân cũng cần hiểu về '4.0'

Một cán bộ cấp xã bày tỏ, ngày nào cũng nghe về cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng thật sự chưa hiểu rõ, liệu có tác động nhiều tới nông dân Việt Nam? Từ đó đặt vấn đề, cán bộ nhất là ở cơ sở và người dân cần được giúp đỡ để hiểu căn bản về bản chất của cách mạng công nghiệp 4.0, cùng những cơ hội và thách thức đối với họ, để thích nghi dần với nền sản xuất nông nghiệp hiện đại. Bởi công nghiệp 4.0 sẽ khiến cơ cấu ngành nghề thay đổi. Nếu cấp ủy, chính quyền không có lộ trình cho vấn đề này, sẽ khó cho nông thôn.

Một nghiên cứu quốc tế mới đây cho rằng, nông dân là một trong những nghề ít chịu tác động nhất từ cách mạng công nghiệp 4.0. Nhưng không có nghĩa là nông dân Việt Nam vẫn giữ thói quen sản xuất cũ, không theo một quy trình sản xuất quy chuẩn nào, mạnh ai nấy làm, mỗi địa phương một hướng phát triển nông nghiệp. Mới đây, bài học từ việc giúp người chăn nuôi tiêu thụ thịt cho thấy, chúng ta cần thay đổi mạnh mẽ tư duy về phát triển nông nghiệp bền vững, hạn chế tối đa rủi ro ảnh hưởng tiêu cực đời sống của hàng triệu hộ nông dân. Các giải pháp chung tay ủng hộ nông dân “thoát cơn bĩ cực” chỉ là tình thế, ngắn hạn. Bởi đây không phải lần đầu và càng không phải duy nhất xuất hiện tình trạng nông sản, thực phẩm ế thừa. Và khi sản phẩm không đủ chuẩn xuất khẩu thì dù giúp tiêu thụ nội địa thành công, thiệt hại cũng đã rất rõ ràng.

Để không tái diễn tình trạng trên, ngoài trách nhiệm đánh giá, nghiên cứu thị trường của các cơ quan chức năng, cần sự vào cuộc thật sự của cấp ủy, chính quyền địa phương. Cấp ủy địa phương phải tăng cường phối hợp với bộ, ban, ngành để nắm thông tin thị trường, từ đó định hướng, quy hoạch vùng và quy mô sản xuất. Hơn thế, cần tuyên truyền mạnh mẽ cho người nông dân từ bỏ thói quen dễ dãi trong sản xuất và tiêu thụ. Kiểu nuôi, trồng tự phát, không theo quy chuẩn, bán nhanh cho thương lái, tiêu thụ đường tiểu ngạch, "bóc ngắn cắn dài" là cách làm tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các địa phương cần phối hợp tổ chức chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp sạch, theo quy trình bảo đảm chất lượng cao và theo chuỗi liên kết. Trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền là làm cho nông dân hiểu rõ sản phẩm nông nghiệp phải hướng dần tới đáp ứng thị trường khó tính, xuất khẩu chính ngạch, không tiếp tục tình trạng hiện nay, phần nhiều do thương lái quyết định giá, trở nên bị phụ thuộc.

Bài toán "đầu ra" phải đi liền với tự tin về chất lượng sản phẩm, ở đó không thể thiếu sự cộng đồng trách nhiệm của cơ quan chức năng, cấp ủy địa phương và mỗi người dân khi tham gia vào quy trình làm ra sản phẩm.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/33013902-nong-dan-cung-can-hieu-ve-%e2%80%9c4-0%e2%80%9d.html