Nông dân chủ động chống rét cho cây trồng, vật nuôi

Tỉnh Bắc Giang đang chịu ảnh hưởng của đợt không khí lạnh với cường độ mạnh, rét đậm, rét hại trên diện rộng, nhiệt độ xuống thấp, có thời điểm chỉ từ 7,5-9 độ C. Người dân các địa phương, nhất là ở khu vực huyện miền núi, vùng cao đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ cây trồng, vật nuôi và thủy sản, hạn chế tác hại do giá rét gây ra.

Sáng 23/1, nhiệt độ trên địa bàn huyện Sơn Động dao động từ 7,9-10 độ C, thời tiết rét đậm, rét hại. Ông Hoàng Văn Tân, Bí thư Đảng ủy xã Vân Sơn (Sơn Động) cho biết: “Trên địa bàn xã hiện đang giá rét kết hợp có mưa phùn. Nhiều ngày nay trên loa truyền thanh của xã liên tục phát các bản tin về tình hình thời tiết cũng như biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi".

Ở các xã, thị trấn khác trong huyện, người dân cũng chủ động lùa trâu, bò, dê từ rừng, đồng ruộng về chuồng và che chắn, tránh gió lùa, kết hợp đốt lửa để sưởi ấm cho vật nuôi.

Hộ ông Vi Văn Giới ở thôn Nà Vàng, xã Vân Sơn sử dụng bạt quây kín chuồng nuôi gà.

Tại tổ dân phố Ngoài Hạ, thị trấn Cao Thượng (Tân Yên), gia đình ông Kiều Xuân Tý có hơn 0,5 ha mặt nước nuôi cá trắm, chép, rô phi... Từ sáng sớm, ông sử dụng hai máy bơm liên tục dẫn nước từ giếng khoan vào ao để tăng nhiệt trong ao; đồng thời, cho cá ăn nhiều lần/ngày.

Trước diễn biến thời tiết khắc nghiệt, Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang vừa có văn bản đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn, ban, ngành, đoàn thể liên quan chủ động triển khai các phương án phòng, chống đói, rét cho vật nuôi, thủy sản. Cử ngay các đoàn công tác đến các xã, phường, thị trấn kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống rét đậm, rét hại, giảm thiểu thiệt hại của thời tiết đối với ngành Nông nghiệp.

Hộ chăn nuôi lợn ở huyện Hiệp Hòa thắp điện sưởi ấm cho lợn.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang), nhiệt độ quá lạnh sẽ làm giảm sức đề kháng của vật nuôi nhất là đối với gia súc già yếu, gia súc non. Chi cục khuyến cáo người chăn nuôi không chăn thả, không cho trâu, bò làm việc khi xảy ra rét đậm, rét hại (nhiệt độ thấp hơn hoặc bằng 12 độ C). Giữ khô nền chuồng, che chắn tránh gió lùa, làm áo khoác giữ kín, giữ ấm, tạo nguồn nhiệt sưởi ấm cho gia súc; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, xử lý tốt gia súc chết và chất thải vật nuôi.

Đối với gia cầm, trong những ngày rét đậm, rét hại, người dân chú ý tăng lượng thức ăn, uống nước ấm và bổ sung một số loại vitamin, men tiêu hóa, chất điện giải nhằm nâng cao sức đề kháng cho gia cầm, đặc biệt là gà. Thực hiện tốt quy trình úm cho gà con. Những ngày giá rét không thả gia cầm ra vườn, đồi; thực hiện che chắn để tránh gió lùa trong chuồng…

Các hộ chăn nuôi thủy sản bổ sung thức ăn nhằm tăng sức đề kháng cho cá; che nilon sáng màu lên trên mặt ao hoặc thả bèo tây chống rét; hạn chế đánh bắt làm bị thương cá sẽ tăng nguy cơ bị nấm, vi khuẩn gây bệnh tấn công.

Để phòng, chống rét cho mạ và lúa mới cấy, người dân lưu ý lúa mới cấy phải duy trì mực nước trên mặt ruộng 2- 3 cm (tuyệt đối không để ruộng cạn, không bón đạm khi trời rét đậm, rét hại); tăng cường bón tro bếp để giữ ấm. 100% diện tích mạ phải được che phủ ni-lông, bón bổ sung phân pha với nước phân chuồng hoai mục và tro bếp để chống rét. Tuyệt đối không bón phân đạm khi trời rét đậm, rét hại; không ngâm ủ, gieo cấy khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 15 độ C.

Hiện Sở Nông nghiệp và PTNT giao cho các đơn vị đầu mối thường xuyên theo dõi sát sao diễn biến của thời tiết, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn người dân bảo vệ cây trồng, vật nuôi, thủy sản.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Giám đốc Vận hành Công ty cổ phần dịch vụ Tây Yên Tử, hiện khu vực Tây Yên Tử chưa xuất hiện băng tuyết. Còn theo Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay chưa có thiệt hại xảy ra trên cây trồng, vật nuôi và thủy sản do thời tiết rét đậm, rét hại.

Dưới đây là một số hình ảnh người dân phòng, chống đói, rét cho cây trồng, vật nuôi:

Người dân sử dụng ni-lông che phủ bảo vệ mạ tại xã Đoan Bái (Hiệp Hòa).

Nông dân huyện Tân Yên thắp đèn sưởi ấm cho gà.

Cùng với thắp đèn sưởi ấm, cơ quan chuyên môn khuyến cao người dân chủ động nguồn thức ăn tại chuồng, không để vật nuôi đói, khát.

Ông Phan Văn Ngọ, thị trấn An Châu (Sơn Động) bổ sung thức chăn cho đàn bò của gia đình. Ảnh Xuân Thỏa.

Nhóm PV Kinh tế- CTV

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/418359/nong-dan-chu-dong-chong-ret-cho-cay-trong-vat-nuoi.html