Nông dân châu Á nỗ lực tăng sản lượng dầu cọ trong khi thiếu hụt hạt giống

Trong bối cảnh nông dân trên khắp châu Á đang bận rộn trồng cây cọ dầu để thúc đẩy sản xuất dầu cọ, các vườn ươm lại đang chật vật để đáp ứng nhu cầu về hạt giống.

Công nhân thu hoạch dầu cọ tại Pelalawan, tỉnh Riau, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo giới chức nông nghiệp, tình trạng thiếu hụt hạt giống có thể làm chậm công tác trồng rừng, kìm hãm tăng trưởng sản xuất và khiến giá dầu cọ tăng cao trong bối cảnh thế giới đang phải đối phó với tình trạng lạm phát cao.

Châu Á sản xuất hơn 90% dầu ăn giá rẻ trên thế giới được sử dụng trong nấu ăn, làm bánh và mỹ phẩm. Trong những năm gần đây, tăng trưởng sản xuất dầu cọ bị đình trệ, một phần do thiếu lao động trong đại dịch COVID-19, phần nữa do các vườn ươm cọ dầu thu hẹp sản lượng trong thời gian xảy ra đại dịch vì nhu cầu yếu hơn.

Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2022, tăng trưởng sản lượng dầu cọ hàng năm trên toàn cầu chỉ đạt 0,5% so với mức 4,8% trong 4 năm trước đó. Trong bối cảnh đó, giá dầu cọ đạt mức cao kỷ lục 7.268 ringgit Malaysia (1.606,19 USD)/tấn trong năm nay và duy trì trên mức trung bình trong giai đoạn 2010-2020 bất chấp một đợt điều chỉnh giảm giá mạnh gần đây. Trong bối cảnh nhu cầu tăng trở lại sau đại dịch COVID-19, các vườn ươm cọ dầu sẽ phải chật vật để tăng sản lượng vì phải mất hơn 1 năm để tạo ra một cây con.

Indonesia và Malaysia, hai quốc gia chiếm hơn 80% sản lượng dầu cọ toàn cầu, đang tập trung vào việc thay thế những cây cọ dầu già cỗi khó thu hoạch và năng suất kém hơn, trong khi Ấn Độ và Thái Lan đang cố gắng mở rộng diện tích trồng trọt cây cọ dầu. Giới chức trong ngành ước tính Malaysia và Indonesia có năng sản xuất lần lượt 80 triệu và 200 triệu hạt giống cây cọ dầu mỗi năm. Tuy nhiên, ông Hasril Hasan Siregar, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và cải thiện năng suất tại Hiệp hội Dầu cọ Indonesia (GAPKI) cho biết quốc gia Đông Nam Á này hiện chỉ có thể sản xuất một nửa số lượng đó, tương đương 110 triệu hạt giống mỗi năm. Trong khi đó, Indonesia sử dụng khoảng 95% hạt giống mà họ sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu chỉ khoảng 5%. Điều này buộc các nhà nhập khẩu như Ấn Độ và Myanmar phải phụ thuộc vào Malaysia và Thái Lan.

Tuy nhiên, Hội đồng dầu cọ Malaysia (MPOB) cho biết trên thực tế, trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8 vừa qua, nhu cầu đối với hạt giống cọ dầu của Malaysia đã tăng 30% so với một năm trước, lên gần 38 triệu hạt. Đối với hạt giống của Indonesia, nhu cầu này tăng gần 24% so với cùng kỳ. Nhu cầu đối với hạt giống của Malaysia quá cao, đến nỗi một số vườn ươm phải từ chối đơn đặt hàng. Tất cả những điều này đang gây ra nhiều khó khăn cho Ấn Độ, quốc gia đang đặt mục tiêu mở rộng nhanh chóng diện tích trồng cây cọ dầu của mình.

Phương Oanh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/nong-dan-chau-a-no-luc-tang-san-luong-dau-co-trong-khi-thieu-hut-hat-giong-20220919122234704.htm