Nông dân Cầu Ngang: Mở rộng diện tích lúa vụ đông - xuân năm 2023 - 2024

Tại một số vùng trồng lúa thường gặp khó khăn về nguồn nước, như huyện Cầu Ngang, theo khuyến cáo của ngành chuyên môn: nông dân hạn chế xuống giống vụ đông - xuân. Nhưng trong vụ lúa đông - xuân năm 2023 - 2024, trước tình hình giá lúa tăng cao, nông dân ở các xã như Thạnh Hòa Sơn, Long Sơn, Nhị Trường... đã mở rộng diện tích xuống giống và có nguy cơ gặp khó khăn về nguồn nước, ảnh hưởng mặn xâm nhập và khô hạn...

Nông dân Nguyễn Văn Minh khó khăn trong việc bơm trữ nước lên ruộng cho 1,5ha lúa mới xuống giống vì lục bình dày đặc trên kênh.

Ghi nhận về tình hình xuống giống vụ lúa đông - xuân trên địa bàn xã Nhị Trường, theo đồng chí Nguyễn Thanh Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Trường: theo kế hoạch, vụ lúa đông - xuân, toàn xã xuống giống khoảng 1.600ha, tăng trên 35% diện tích so với vụ lúa đông - xuân năm 2022 - 2023. Nguyên nhân do giá lúa tăng cao, nhiều nông dân mở rộng diện tích xuống giống; mặc dù địa phương đã có khuyến cáo không xuống giống đối với những khu vực gặp khó về nguồn nước, xa kênh trục chính hoặc thiếu kênh nội đồng…

Nông dân Nguyễn Văn Minh, ấp Ba So, xã Nhị Trường cho biết: gia đình có 1,5ha trồng lúa, hiện lúa mới xuống giống được khoảng 07 ngày (ngày 29/12/2023). Do ruộng nằm xa kênh khoảng 100m, nên phải dẫn ống bơm nước tiếp cho ruộng lúa, chi phí sẽ tăng.

Cũng theo nông dân Nguyễn Văn Minh do khu vực này ai cũng làm vụ đông - xuân; nếu mình không làm cũng thiệt thòi. Khi bỏ vụ và làm lúa lại dễ ảnh hưởng do cỏ phát triển; mặc dù địa phương cũng khuyến cáo hạn chế xuống lúa vụ đông - xuân.

Qua trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Văn Phi, Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang: theo kế hoạch, vụ lúa đông - xuân 2023 - 2024, huyện sẽ xuống giống 5.500ha và dự kiến khả năng diện tích xuống giống sẽ vượt hơn so với kế hoạch rất nhiều (diện tích vụ đông - xuân năm 2022 - 2023 kế hoạch khoảng 3.500ha, cuối vụ tăng trên 6.500ha). Đối với các diện tích xuống giống sau ngày 15/01/2024, sẽ có nguy cơ cao do ảnh hưởng khô hạn, thiếu nước sản xuất…

Điển hình như xã Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang do điều kiện của địa phương nằm xa các kênh trục tiếp ngọt và ven vùng ven biển; trong vụ đông - xuân các diện tích lúa cắt vụ, tập trung cho cây màu và nuôi thủy sản... Trong kế hoạch, xã chỉ quy hoạch khoảng 300ha có đủ điều kiện để xuống giống lúa vụ đông - xuân ở ấp Lạc Sơn.

Đồng chí Châu Ngọc Quế, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hòa Sơn cho biết: địa phương đã tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân ngoài vùng quy hoạch không xuống giống lúa vụ đông - xuân. Tuy nhiên, khả năng diện tích lúa đông - xuân năm nay do giá lúa tăng cao, nhiều nông dân đã mở rộng diện tích và vượt kế hoạch rất lớn (vụ đông - xuân năm 2022 - 2023 trên 700ha).

Hiện nay, nhiều diện tích lúa đang trong giai đoạn thu hoạch và dự kiến nông dân sẽ xuống giống kéo dài sau 15/01/2024 rất lớn; đây là thời điểm lúa rơi vào giai đoạn phát triển, cần nước nhiều và có khả năng ảnh hưởng khô hạn, mặn xâm nhập rất cao; gây thiệtt hại cho trà lúa đông - xuân 2023 - 2024 nếu các cống nguồn tiếp nước ngọt phía đầu nguồn đóng sớm do mặn.

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/nong-dan-cau-ngang-mo-rong-dien-tich-lua-vu-dong-xuan-nam-2023-2024-34198.html