NÓN CHE THÀNH DÁNG QUÊ NHÀ

Không biết từ bao giờ chiếc nón đội đầu đã theo bên người từ những buổi sớm, buổi trưa hoặc những ngày trời giăng trắng cơn mưa. Nón thì đa dạng đủ màu, đủ kiểu. Nón rộng vành, nón lưỡi trai, nón len vừa khích đầu đầu… Nhưng người dân ở thôn quê luôn chọn cho mình chiếc nón lá để đội đầu cùng những ngày tháng gian truân vất vả áo ướt đẫm mồ hôi, chiếc nón vẫn luôn sát cánh bên người như một người bạn. Nón thấy rõ nét mặt buồn, vui theo những vụ mùa cuốc, cày, gieo hạt ước mơ bên mảnh đất thân tình bấy lâu gắn bó.

Khi ngày mới bắt đầu là những tia nắng sớm xuyên mình qua tàn cây kẽ lá. Những tiếng chim kêu ríu rít trên cành, tiếng gà gáy vang phía những hàng tre nghiêng mình tỏa bóng. Trên con đường quen thuộc trước cửa những bóng người ngược xuôi với công việc của mình. Người ra khu vườn chăm sóc cho cây, người trên rẫy lom khom hái cà, hái đậu, người đang dọn đất để chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo. Tất cả đều siêng năng háo hức với niềm mong công việc thuận lợi, mùa màng tốt tươi đầy hoa thơm trái ngọt để nụ cười luôn nở trên môi như làn nắng ấm trong lành lấp lánh miền quê hương.

Đám khoai của chú Tư tới lứa thu hoạch. Hơn cả chục người trẻ già, trai gái. Người cầm cuốc giở lấy củ, người ngồi lặt từng củ khoai bóng hới trắng tinh trông thật là ngon. Họ vừa làm việc vừa cùng nhau nói cười vui vẻ. Một ngày trên rẫy khoai lang thật là náo nhiệt. Tôi gặp ở đó những chiếc nón lá xinh xinh che những mái tóc dài trong thật là duyên dáng biết mấy. Dẫu rằng ở những người phụ nữ ấy họ không điểm trang son phấn mà thay vào đó là những làn da ngăm, những làn da có phần mặn mòi vì trải bao nắng gió hàng ngày. Những chiếc áo bên mình kia đa phần cũng đã bạc màu bởi đã từng thấm đẫm giọt mồ hôi. Những chiếc nón kia đã không còn mới nữa, nó đã có dấu hiệu cũ rách vì trải cùng nắng mưa sương gió. Nhưng ở bên người thì nó vẫn toát lên vẻ đẹp chân quê thân thiện mà ai cũng cảm nhận được.

Bây giờ đã vào mùa nắng gắt nên hễ ra đường thì ai cũng có một cái nón để đội trên đầu. Hôm bữa tôi bắt gặp đám mía đang thu hoạch có đến vài chục người. Những người đàn ông khỏe mạnh thì vác, còn những phụ nữ người thì đốn, người thì bó. Họ làm một cách rất nhiệt tình thuần thục. Dường như đó cũng là một công việc, một cái nghề mang thu nhập hàng ngày. Dù nắng gắt mà họ vẫn làm, vẫn nón lá đội đầu, đôi tay nhanh nhẹn đều đặn như là điệu múa của người dân thôn quê.

Có biết bao người lớn lên ở quê nhưng rồi lại phải xa quê. Có thể họ vì công việc hoặc vì tương lai sự nghiệp phía ngày mai. Đi xa để rồi canh cánh nhớ quê nhà, nhớ từng con đường quen thuộc in bóng dáng người thân, nhớ chiếc áo của cha đã bám màu phèn đất, nhớ dáng mẹ gầy gầy chiếc nón lá che nghiêng. Thương mẹ tảo tần vất vả quanh năm, chiếc nón đội đầu cũng đã cũ lắm rồi mà mẹ vẫn chưa chịu bỏ. Không phải mẹ tiếc tiền không dám mua nón mới, mà chỉ vì mẹ mến nó bởi nó cùng theo mẹ qua những nẻo đường mưa buông nắng rọi, những sớm chiều mua gánh bán bưng.

Tôi cũng sinh ra và lớn lên ở vùng quê nhiều nắng gió. Cũng trưởng thành từ bàn tay thân yêu của mẹ, bàn tay ấy cũng đã chai sần vì những nhọc nhằn theo năm tháng. Mẹ cũng sớm chiều bên mảnh đất mà gieo trồng những hạt ước mơ. Thời xuân đi qua rồi tóc xanh nhuộm màu mây trắng, nhưng tình yêu thương thì vẫn mãi đong đầy. Mỗi ngày mẹ ra rẫy chiếc nón theo mẹ còn nhiều hơn cả tôi.

Lớn lên rồi cũng bao bận rời xứ xa quê. Khi nghĩ về mẹ, về miền xứ sở thân thương của mình thì tôi lại thấy hình ảnh mẹ bên màu xanh hoa lá, và vẫn chiếc nón che như dáng quê nhà.

ĐƯỜNG LANG

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/van-hoa-the-thao/non-che-thanh-dang-que-nha-36781.html