Nói về lí do nghỉ việc như thế nào khi phỏng vấn?

Lí do nghỉ việc thường là câu hỏi được đặt ra trong vòng phỏng vấn, bởi nhà tuyển dụng không chỉ muốn biết vì sao bạn rời đi mà còn muốn tìm hiểu về mối quan hệ của bạn, thái độ của bạn với công ty cũ đồng thời cũng muốn xem bạn có phù hợp với văn hóa doanh nghiệp hay không. Vì vậy, khi đưa ra câu trả lời, tốt nhất bạn không đề cập đến các lí do tiêu cực hoặc thể hiện rằng bạn có vấn đề với công ty cũ.

Dưới đây là một số gợi ý cách trả lời lí do nghỉ việc mà bạn có thể tham khảo để áp dụng linh hoạt cho tình huống của mình khi tìm việc làm ở Ninh Thuận, Phú Yên…

Bạn muốn tìm cơ hội phát triển

Có một sự thật là một nhân viên nếu làm việc tốt, cống hiến cho doanh nghiệp trong thời gian khá dài mà không được công nhận năng lực thì sẽ dễ nản chí. Họ sẽ chọn phương án rời bỏ để đi tìm một công việc có cơ hội phát triển hơn, xứng đáng với năng lực của mình, được ghi nhận. Đây là lí do nghỉ việc hoàn toàn chính đáng và bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng có thể hiểu.

Tuy nhiên, khi đề cập đến nội dung này trong câu trả lời của mình bạn không nên trả lời “thẳng tuột” như mức lương quá thấp, không có cơ hội thăng tiến... Bạn hãy khéo léo để nhà tuyển dụng hiểu rằng bạn đã làm việc nghiêm túc, có mục tiêu phấn đấu rõ ràng, và bạn tự tin vào năng lực của bản thân nên mong muốn được nhận lại thành quả xứng đáng hơn.

Bạn nhận thấy không còn phù hợp với công ty cũ

Nhà tuyển dụng rất chú ý đến thái độ của ứng viên đối với công ty cũ. Vì thế khi trả lời câu hỏi bạn có thể chia sẻ rằng bản thân không còn phù hợp với công ty về định hướng, mục tiêu, giá trị… Có thể công ty đã có chút thay đổi trong quá trình hoạt động. Và bạn tự nhận ra mình không còn muốn gắn bó nên đã mạnh dạn tìm kiếm cơ hội mới phù hợp hơn. Đừng quên thể hiện thái độ nghiêm túc, suy nghĩ kỹ càng khi nhảy việc và mong muốn được làm việc ở một đơn vị tương đồng về giá trị, mục tiêu và định hướng rõ ràng.

Bạn đã làm công việc không đúng lĩnh vực, ngành nghề trước đó

Sẽ có một số trường hợp, ứng viên chấp nhận làm việc không đúng với ngành nghề mình được đào tạo.

Khi được hỏi về lí do nghỉ việc, bạn có thể chia sẻ với nhà tuyển dụng rằng, vị trí ứng tuyển mới chính là công việc mà mình yêu thích và có đủ năng lực đảm nhận. Còn với công việc trước đây bạn làm là vì muốn có một khởi đầu, một nền tảng để học hỏi và hoàn thiện hơn các kỹ năng của mình.

Nhà tuyển dụng sẽ hiểu rằng bạn đã có thời gian trải nghiệm vị trí công việc khác và tích lũy được các nền tảng kĩ năng, kinh nghiệm và điều này sẽ giúp ích cho công việc sắp tới.

Lý do sức khỏe nhưng giờ đã ổn định

Cuộc sống một người không phải lúc nào cũng khỏe mạnh, sẽ có những lúc ốm đau hay gặp một sự cố và bạn cần thời gian nghỉ ngơi phục hồi.

Nếu bạn đã trải qua giai đoạn như vậy thì có thể chia sẻ lí do này với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên nên lưu ý là bất kì nhà tuyển dụng nào cũng muốn có đội ngũ nhân viên khỏe mạnh, giàu năng lượng về cả thể chất và tinh thần. Do đó bạn cần nhấn mạnh tình hình sức khỏe hiện tại của bạn đã hoàn toàn ổn định. Bạn có khả năng để đảm đương tốt công việc mà không bị bất cứ vấn đề nào ảnh hưởng công việc.

Lý do cá nhân - gia đình

Đằng sau một ứng viên là câu chuyện cá nhân của họ gồm gia đình và các vấn đề liên quan, tất nhiên nhà tuyển dụng hiểu rõ điều này. Sẽ có một số trường hợp vì chuyện riêng hay gia đình mà người đó buộc phải cần một thời gian để giải quyết ổn thỏa nên phải nghỉ việc. Chẳng hạn như bạn phải tham gia một khóa học, bạn cần khoảng thời gian thực hiện một đam mê, dự định nhỏ, người thân đau ốm lâu ngày cần chăm sóc…

Do đó, nếu được hỏi, bạn có thể chia sẻ lí do này và không quên cam kết rằng hiện nay tình hình đã ổn, bạn sắp xếp tốt mọi thứ. Khi quyết định quay lại làm việc, bạn đã sẵn sàng tập trung toàn tâm toàn sức. Công việc mới sẽ không bị ảnh hưởng vì bất kì lí do nào liên quan đến việc cá nhân – gia đình nữa.

Khi đặt câu hỏi về lí do nghỉ việc, nhà tuyển dụng đang cân nhắc bạn có phải là tuýp nhân viên hay nhảy việc “vì cảm hứng” không? Bạn có phải đang trong quá trình lựa chọn công việc không? Lí do thực sự bạn nghỉ việc là gì? Bạn có ý định gắn bó lâu dài với công ty không và sẽ rời bỏ khi nào?... Ở vai trò là ứng viên, bạn nên lựa chọn nội dung trả lời thật khéo léo, không đưa ra các lí do tiêu cực hay ảnh hưởng đến danh tiếng công ty cũ. Hãy để nhà tuyển dụng hiểu rằng bạn luôn nghiêm túc với quyết định nghỉ việc của mình. Điều quan trọng hơn nữa là thể hiện mong ước được làm việc, gắn bó và cống hiến lâu dài với công việc đang ứng tuyển.

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/noi-ve-li-do-nghi-viec-nhu-the-nao-khi-phong-van-173693.html