Nơi ươm những mầm thiện

Với những kiến thức, kỹ năng, tay nghề được trang bị trong quá trình cải tạo tại đây, họ đã biết vươn lên làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho xã hội chính là món quà lớn nhất của lực lượng quản giáo nói riêng, CBCS Trại giam số 3 nói chung trên con đường ươm những mầm thiện...

Tại vùng sơn cước bình yên thuộc xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) là nơi đứng chân của Trại giam Số 3 Bộ Công an. Ít ai nghĩ rằng đây chính là nơi trong suốt 68 năm qua lớp lớp thế hệ CBCS đã và đang vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trong công tác quản lý, giáo dục người phạm tội góp phần ươm mầm thiện cho đời.

Nói về những hi sinh thầm lặng của CBCS làm nhiệm vụ tại đây, Đại tá Phan Đình Thành, Giám thị Trại giam số 3 trải lòng: Công tác giáo dục, cảm hóa người phạm tội trong thời gian qua gặp không ít khó khăn bởi, địa bàn đơn vị đóng quân thuộc khu vực miền núi phía Tây Nghệ An, điều kiện kinh tế, văn hóa xã hội, cơ sở hạ tầng còn gặp nhiều hạn chế; khí hậu khắc nghiệt.... Số lượng phạm nhân vào trại chấp hành án trong thời gian qua tiếp tục gia tăng; thành phần, tính chất phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng chiếm số lượng lớn; trình độ văn hóa, nhận thức không đồng đều; nhiều trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo; phạm nhân đến từ các vùng, miền khác nhau... Tuy nhiên, quán triệt tinh thần chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, Đảng ủy, lãnh đạo đơn vị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tranh thủ các điều kiện thuận lợi, khắc phục các hạn chế, khó khăn, triển khai thực hiện có hiệu quả các mặt công tác, trong đó nổi bật là công tác giáo dục, thực hiện chế độ chính sách pháp luật đối với phạm nhân.

Cán bộ Trại giam số 3 hướng dẫn các phạm nhân học nghề.

Có thể nói, mỗi phạm nhân khi đặt chân vào đây đều mang trong mình cảm giác tội lỗi, chính vì thế, để giúp phạm nhân yên tâm cải tạo, đơn vị đã tập trung tổ chức giáo dục pháp luật, giáo dục công dân, dạy văn hóa xóa mù chữ cũng như phổ biến thông tin thời sự, chính sách pháp luật và chế độ sinh hoạt, giải trí cho phạm nhân. Các hoạt động giáo dục, sinh hoạt, vui chơi giải trí cho phạm nhân được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và mang lại hiệu quả thiết thực. Công tác tổ chức cho phạm nhân học tập chương trình giáo dục công dân luôn được quan tâm, đổi mới mang tính giáo dục, phù hợp đối tượng quản lý. Trong năm 2023, đơn vị đã tổ chức được 41 lớp học cho 1.214 phạm nhân mới đến trại chấp hành án phạt tù; 16 lớp học cho 939 phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù, được đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện; 20 lớp học cho 1.411 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù. Đặc biệt, trại thường xuyên phối hợp với Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Tân Kỳ để tổ chức các lớp học xóa mù chữ cho phạm nhân. Trong năm 2023, Trại đã phối hợp tổ chức học, thi mãn khóa 1 lớp học và cấp chứng chỉ cho 39 phạm nhân mù chữ, tái mù chữ. Phối hợp mở 1 lớp học xóa mù chữ cho 64 phạm nhân niên khóa 2023 - 2024.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng đặc biệt chú trọng công tác tổ chức lao động, dạy nghề và truyền nghề cho phạm nhân. Phạm nhân được tổ chức lao động 8h trong 1 ngày, 5 ngày trong 1 tuần và được nghỉ các ngày chủ nhật, lễ, tết. Việc bố trí lao động cho phạm nhân được căn cứ vào độ tuổi, sức khỏe... để bố trí ngành nghề phù hợp. Trong thời gian qua Trại đã phối hợp với Công ty cổ phần tư vấn và xây dựng công trình Đàm Dũng, Trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật Hồng Lam mở 3 lớp dạy nghề Cơ khí và 3 lớp dạy nghề xây dựng cho 210 phạm nhân; Tổ chức truyền nghề cho hàng ngàn lượt phạm nhân. Đơn vị cũng đã thành lập quỹ tái hòa nhập cộng đồng và đã chi hỗ trợ cho 1.029 phạm nhân chấp hành xong án phạt tù và phạm nhân tha tù trước thời hạn có điều kiện với số tiền 261.685.940 đồng.

Gặp gỡ người thân góp phần động viên phạm nhân yên tâm cải tạo.

Việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, xây dựng nếp sống văn hóa, ứng xử lễ tiết tác phong trong phạm nhân luôn được quan tâm tổ chức thực hiện tốt. Đảng ủy, Ban giám thị thường xuyên phát động phong trào thi đua xây dựng, bảo vệ cảnh quan môi trường “Xanh, sạch, đẹp, thân thiện”, “Công viên hóa” các khu giam, nhà xưởng lao động. Việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật trại giam được giữ nghiêm, với khẩu hiệu “Trật tự, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, “Một điều nhịn, chín điều lành”...; tuyên truyền, phổ biến cho phạm nhân thực hiện nghiêm túc “10 điều nếp sống văn hóa, giao tiếp ứng xử của phạm nhân trong trại giam”. Trong thời gian qua, cảnh quan, khuôn viên, môi trường trong trại giam ngày càng được chỉnh trang, đổi mới; các khu giam, buồng giam được vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát, nội vụ gọn gàng, ngăn nắp, tạo cảm giác thoải mái, thân thiện để phạm nhân an tâm học tập, lao động, cải tạo tiến bộ.

Để có được những kết quả nổi bật nêu trên, trong những năm qua Trại giam Số 3 đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị xã hội và gia đình phạm nhân trong việc quản lý, giáo dục phạm nhân và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng, điển hình như: Đơn vị đã lập danh sách phạm nhân trong độ tuổi thanh niên chấp hành xong án phạt tù cư trú trên địa bàn tỉnh Nghệ An cho Hội LHTNVN tỉnh để chủ động phối hợp giáo dục, hỗ trợ, tư vấn, trợ giúp pháp lý cho thanh niên chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng tại các địa phương; phối hợp với Thư viện tỉnh Nghệ An thực hiện 3 đợt luân chuyển với tổng số 1.147 đầu sách phục vụ nhu cầu đọc sách cho phạm nhân; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Nghệ An, Thư viện tỉnh Nghệ An tổ chức thành công Chương trình “Xuân thắp sáng niềm tin hoàn lương”, trao tặng 95 suất quà cho phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn, phạm nhân trong độ tuổi thanh niên, phạm nhân thường xuyên ốm đau, bệnh tật nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Trong năm qua, Tại giam số 3 cũng tiếp nhận 400 đầu sách và 1.000 khẩu trang do Hội Chữ thập đỏ quận Tây Hồ, Trung tâm VH-TT-TT quận Tây Hồ, TP Hà Nội phối hợp với Thư viện tỉnh Nghệ An đến trực tiếp tặng cho phạm nhân.

Những kết quả trong công tác phối hợp cho thấy vai trò quan trọng của các ban ngành, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị, xã hội trong công tác giáo dục, cảm hóa người phạm tội và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng, từ đó cùng quan tâm chia sẻ, phối hợp chặt chẽ với Trại giam trong công tác giáo dục cải tạo phạm nhân.

Trong thời gian qua công tác Thi hành án phạt tù nói chung, công tác giáo dục cải tạo phạm nhân nói riêng gặp nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, cùng với sự đoàn kết, thống nhất cao của tập thể lãnh đạo, chỉ huy và toàn thể cán bộ chiến sĩ, đã từng bước khắc phục khó khăn, tổ chức chỉ đạo các hoạt động giáo dục phạm nhân thích ứng, linh hoạt tạo được niềm tin và giúp phạm nhân an tâm tư tưởng cải tạo, góp phần tích cực vào công tác quản lý, giáo dục cải tạo người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội.

Thùy Anh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/noi-uom-nhung-mam-thien-i717067/