Nơi tổ hòa giải luôn 'thất nghiệp'

Hiếm xóm nào chúng tôi đến tác nghiệp mà hỏi gì cán bộ xóm cũng nói tốt, bởi thường bên cạnh những thuận lợi, ít nhiều cũng vẫn có một vài khó khăn. Và xóm Đồng Chuối (xã Dân Tiến, Võ Nhai) là một trong những xóm 'hiếm' mà chúng tôi muốn nói tới.

Gia đình anh Nguyễn Công Sinh, Trưởng xóm Đồng Chuối, ngoài làm ruộng còn làm thêm nghề mộc, mỗi tháng thu nhập trên 10 triệu đồng từ nghề phụ.

Anh Nguyễn Công Sinh, Trưởng xóm Đồng Chuối, tự hào chia sẻ: Xe máy, xe đạp chúng tôi để ngoài đường cũng không sợ bị mất cắp. Bao năm nay, trong xóm không xảy ra các vụ trộm cắp, cờ bạc hay hút chích, đánh chửi nhau…

Xóm Đồng Chuối có 76 hộ, gồm các dân tộc Tày, Nùng, Cao Lan, chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp; chỉ có khoảng 15% số hộ sinh sống bám mặt ĐT.265 kinh doanh nhỏ lẻ. Với hơn 8ha đất canh tác, người dân Đồng Chuối cấy được 2 vụ lúa và trồng 1 vụ ngô. Đi lên từ sản xuất nông nghiệp, đất sản xuất ít, nhưng giờ, xóm chỉ còn 7 hộ nghèo, năm nay, phấn đấu giảm 3 hộ; xóm không có nhà dột nát; đời sống người dân ngày một nâng cao...

Anh Nguyễn Công Sinh giải thích: Nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp đảm bảo lương thực tại chỗ và một phần phục vụ cho chăn nuôi là mừng, sở dĩ xóm vẫn trên đà phát triển vì người trẻ ở xóm rất hiếu học, luôn có ý thức tự nâng cao trình độ để tìm cơ hội “ly nông” vào làm việc tại các công ty, nhà máy… Giờ xóm không có thanh niên thất nghiệp. Làm nông nghiệp chỉ có người già, nhưng máy móc đã làm thay thế phần lớn những công đoạn nặng nhọc, nên nông dân không tốn nhiều công sức, nhàn rỗi hơn trước rất nhiều. Thời gian nông nhàn, họ dành chơi thể thao, tham gia văn hóa, văn nghệ để nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần. Xóm đã thành lập được câu lạc bộ bóng chuyền, đội văn nghệ… thu hút đông đảo người dân tham gia tập luyện, ca hát, dành nhiều thành tích cao tại các giải thi đấu cấp huyện, tỉnh.

Nói về xóm Đồng Chuối, anh Sinh không giấu được niềm tự hào, chúng tôi cũng vui lây. Không tự hào sao được khi người dân trong xóm sống đoàn kết, hòa thuận, vui vẻ, đời sống ngày một nâng cao, an ninh trật tự được giữ vững. Các hoạt động, phong trào do xóm, xã phát động đều được nhân dân đồng tình ủng hộ, nhất là phong trào đóng góp công sức, tiền, hiến đất xây dựng các công trình phục vụ dân sinh, như đường giao thông (100% đường xóm đã được bê tông hóa); xây dựng nhà văn hóa, kênh mương nội đồng…

Trong xóm, nhà nào có việc hiếu, hỉ, không phân biệt thân, sơ, giàu, nghèo, cả xóm đều nhiệt tình chung tay hỗ trợ, giúp đỡ, động viên, chia sẻ…

Nhìn cơ ngơi khang trang, trong nhà có nhiều tiện nghi sinh hoạt hiện đại, tôi hỏi: Ở xóm có nhiều hộ có kinh tế như gia đình anh không?

Anh Sinh trả lời luôn: Nhà tôi kinh tế ở mức bình thường thôi, có nhiều hộ khá giả hơn nhiều, như gia đình anh Hà Văn Nghị, Hoàng Văn Vui…

Ngoài cấy trồng, anh Sinh còn làm thêm nghề mộc cho khoản thu nhập ổn định hơn 10 triệu đồng/tháng. Anh mộc mạc bảo: Nhà tôi có hai cháu đều đã xây dựng gia đình riêng. Hai vợ chồng tôi, người làm nông, người làm mộc, cuộc sống cứ bình bình vậy thôi!

Vâng! Tôi thấy lòng nhẹ nhàng khi nghe hai chữ “bình bình”. Những người nông dân nơi rẻo cao là vậy, họ sống thật thà, chân chất, giản dị, cùng góp sức, đồng lòng xây dựng nên những xóm làng bình yên, xóm làng văn hóa mà ở đó không có cãi cọ, tranh chấp, hơn thua… Có thể vẫn còn đó những hộ chưa thoát nghèo nhưng lại giàu tình yêu thương, độ lượng, khiến Tổ hòa giải luôn “thất nghiệp”.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202404/noi-to-hoa-giai-luon-that-nghiep-6951482/