Nối tiếp những mạch nguồn chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử cách đây 49 năm, cả dân tộc Việt Nam sống trong khí thế chưa bao giờ khẩn trương và hồ hởi đến thế - tinh thần của 'một ngày bằng 20 năm'. Cảm xúc thiêng liêng ấy chỉ có thể có ở một dân tộc luôn đoàn kết, kiên cường đấu tranh vì một thế giới công bằng và tự do. Và hôm nay, tinh thần ý chí ấy đang một lần nữa tiếp tục được nhóm lên thành sức mạnh để đưa đất nước vững bước trên con đường phát triển lên chủ nghĩa xã hội.

Lịch sử là mốc son chói lòa

Trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc, dân tộc Việt Nam đã làm nên những chiến công hiển hách, tiêu biểu như: Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đặt dấu chấm hết cho sự đô hộ của thực dân Pháp ở Đông Dương; chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 đập tan âm mưu của giặc Mỹ là đưa Hà Nội và miền Bắc xã hội chủ nghĩa “trở về thời kỳ đồ đá” và Đại thắng mùa Xuân năm 1975 kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài 30 năm, đồng thời làm phá sản chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ...

Thành phố Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ sau 49 năm giải phóng.

Chiến thắng 30/4/1975 không chỉ là một mốc son chói ngời trong lịch sử dân tộc Việt Nam mà còn là một bản anh hùng ca bất hủ của nhân loại. Trong suốt 3 thập kỷ, một dân tộc nhỏ bé - người không đông, đất không rộng, nghèo nàn và lạc hậu - đã dũng cảm, kiên cường chống lại hai kẻ thù xâm lược hùng mạnh, hiếu chiến, giàu tiềm lực quân sự là thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và giành được thắng lợi vẻ vang, mở ra một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Mỗi dịp tháng Tư về, trong lòng người Việt Nam lại sống dậy tình cảm thiêng liêng, tình cảm được hun đúc từ giá trị của nền độc lập dân tộc. Bao thế hệ cha ông đã ngã xuống để có được nền độc lập, thái bình như hôm nay. Đó là giá trị thiêng liêng, cao quý, là hồn cốt của dân tộc, do đó trách nhiệm của các thế hệ hôm nay và mai sau là phải kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ vững chắc nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ xã hôi chủ nghĩa.

Ngày nay, trong điều kiện đất nước thái bình, chúng ta phải tận dụng các nguồn lực, cơ hội để xây dựng đất nước, củng cố quốc phòng, an ninh, phòng ngừa, ngăn chặn, vô hiệu hóa các nguy cơ, hành động đe dọa độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc nền an ninh, trật tự của Tổ quốc. Chính trị- xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững hòa bình, ổn định. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Vị thế, uy tín quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng cao.

Tỏa sáng tinh thần 30/4

Trong suốt những năm qua, tinh thần chiến thắng 30/4 luôn tỏa sáng, đặc biệt là truyền thống yêu nước, đoàn kết ngày càng được phát huy chính là nhân tố làm nên sức mạnh nội lực để đất nước ta hàn gắn vết thương chiến tranh, vượt lên mọi khó khăn, thách thức, thúc đẩy phát triển, xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” theo đúng di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Các thế hệ người dân Việt Nam chúng ta hôm nay, tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, tinh thần đại đoàn kết toàn dân, quyết tâm vươn lên hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, theo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra.

Trong mỗi thời kỳ, ở mỗi giai đoạn lịch sử của dân tộc, phát huy tinh thần 30/4 và khát vọng vươn lên, Việt Nam tiếp tục thực hiện mục tiêu xuyên suốt “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Với thành tựu nổi bật của đất nước sau 38 năm đổi mới, “đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, cơ đồ, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục đoàn kết, nỗ lực đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã được Nghị quyết Ðại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra. Trong đó, các mục tiêu tổng quát là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Các mục tiêu cụ thể là: Đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2021-2025 trong khoảng 6,5-7%/năm…

Việt Nam hôm nay ngày càng hội nhập sâu rộng, trở thành một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu, thành viên chính thức của nhiều tổ chức quốc tế; đã và đang đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào những vấn đề chung của toàn cầu tại nhiều diễn đàn đa phương quan trọng; là điểm đến, nơi tổ chức của nhiều sự kiện chính trị, diễn đàn kinh tế, sự kiện thể thao lớn.

Trên hết, chỉ số hạnh phúc còn được đo lường thông qua các tiêu chí hài lòng về cuộc sống, môi trường, chính sách an sinh, phúc lợi xã hội... Tốc độ phát triển của những công trình hiện đại tầm cỡ quốc tế, các tuyến đường lớn, sân bay, khu kinh tế hiện đại… đã mang đến cho đất nước một diện mạo mới.

Với bản chất nhân văn, hòa hiếu, nhân dân Việt Nam đã và đang cùng nhân dân Mỹ gác lại quá khứ, cùng nhau hợp tác để phát triển, vì lợi ích chính đáng của nhân dân mỗi nước; cùng bạn bè năm châu hội nhập sâu rộng. Trong khó khăn, thử thách ấy, Việt Nam một lần nữa chứng minh cho thế giới thấy một dân tộc anh hùng trong đấu tranh cách mạng, bản lĩnh, trí tuệ trong đổi mới, hội nhập; là một quốc gia chủ động, tích cực, thành viên có tránh nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Nhìn lại Chiến thắng 30/4 là kết quả từ sự khát khao độc lập tự do, quá trình đấu tranh, hy sinh bền bỉ của nhiều thế hệ người Việt Nam. Chiến thắng 30/4 vừa có ý nghĩa lịch sử sâu sắc, vừa mang tầm thời đại. Đó chính là kết tinh từ nội lực, khối đại đoàn kết dân tộc với sức mạnh thời đại, đặt dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chiến thắng đó không chỉ tạo cho đất nước ta nền tảng về hòa bình, độc lập, thống nhất để cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, mà còn xác lập vị thế mới của đất nước trên trường quốc tế. Vì vậy, ý nghĩa, bài học của chiến thắng 30/4 cần tiếp tục được kế thừa, vận dụng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ và phát triển đất nước.

H.Song

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/noi-tiep-nhung-mach-nguon-chien-thang-428237.html