'Nội soi' sức mạnh quân sự Iran

Cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Iran và Israel đã tái thu hút sự chú ý của công chúng đến các lực lượng vũ trang của Tehran. Vậy lực lượng này có khả năng gì và sức mạnh của họ so với quân đội Israel ra sao?

Quân đội Iran có quy mô lớn nhất Trung Đông

Đầu tháng này, một cuộc không kích được cho là do Israel tiến hành, nhằm vào một tòa nhà trong khu ngoại giao của Iran ở thủ đô Damascus (Syria) đã giết chết 7 người, bao gồm cả một chỉ huy cấp cao và các quân nhân của Iran.

Iran thề sẽ trả đũa và hôm thứ Bảy vừa qua, họ thực hiện điều đó khi tiến hành một cuộc tấn công trên với sự tham gia của hơn 300 máy bay không người lái (UAV) và tên lửa nhằm vào các mục tiêu bên trong Israel và vùng lãnh thổ mà nước này kiểm soát.

Iran hiện có lực lượng vũ trang lớn nhất ở Trung Đông, với ít nhất 580.000 quân nhân tại ngũ. Ảnh: Newsweek.

Các quan chức Israel tuyên bố sẽ đáp trả cuộc tấn công của Iran bằng những đòn phản công dữ dội, điều này có thể khiến Iran trả đũa thêm và có thể mở rộng thành một cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn. Tất nhiên, theo các nhà phân tích, các bên đều vẫn đang cố gắng kiểm soát phản ứng của mình để tránh những quyết định sai lầm. Nhưng trong bối cảnh phức tạp hiện tại của Trung Đông, mọi kịch bản đều không thể bị loại trừ.

Vậy, nếu một cuộc chiến trực diện giữa Iran với Israel xảy ra, bên nào sẽ thắng? Một cái nhìn cơ bản về thực lực quân sự của Iran, lực lượng được xem là “kín đáo” hơn so với Israel, sẽ phần nào giải đáp cho câu hỏi ấy.

Theo đánh giá thường niên công bố năm ngoái của Viện Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London, quân đội Iran là một trong những lực lượng vũ trang lớn nhất ở Trung Đông, với ít nhất 580.000 quân nhân tại ngũ và khoảng 200.000 quân nhân dự bị được chia thành hai nhánh: Quân đội truyền thống, với tên đầy đủ là Quân đội Cộng hòa Hồi giáo Iran (Artesh) và Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (Sepah).

Quân đội Iran và Vệ binh Cách mạng Hồi giáo đều đủ lục quân, không quân và hải quân trong biên chế của mình. Vệ binh Cách mạng Hồi giáo chịu trách nhiệm về an ninh biên giới của Iran. Trong khi đó, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang điều phối sự phối kết hợp giữa các quân chủng, giữa Quân đội và Vệ binh Cách mạng Hồi giáo cũng như đề ra chiến lược phát triển quân sự tổng thể của đất nước và báo cáo trực tiếp tới Văn phòng quân sự của lãnh tụ tối cao. Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Iran là lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei, người đưa ra quyết định cuối cùng đối với mọi vấn đề lớn.

Những chiếc MiG-29, dòng tiêm kích hiện đại nhất của Iran - Ảnh: Wikipedia.

Ngoài việc đảm bảo an ninh biên giới, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran cũng điều hành lực lượng Quds, một đơn vị tinh nhuệ chịu trách nhiệm trang bị vũ khí, huấn luyện và hỗ trợ mạng lưới dân quân ủy quyền trên khắp Trung Đông được gọi là “trục kháng chiến”. Các lực lượng dân quân này bao gồm Hezbollah ở Lebanon, Houthis ở Yemen, các nhóm dân quân ở Syria và Iraq, Hamas và Thánh chiến Hồi giáo (Jihad) Palestine ở Gaza.

Mặc dù lực lượng dân quân ủy quyền không được tính là một phần của quân đội Iran, nhưng các nhà phân tích nói rằng họ được coi là một lực lượng đồng minh trong khu vực - sẵn sàng chiến đấu, được trang bị vũ khí mạnh mẽ và trung thành về mặt tư tưởng - và có thể hỗ trợ Iran nếu nước này bị tấn công.

Tiến sĩ Fabian Hinz, chuyên gia nghiên cứu về quân đội Iran tại IISS, cho biết: “Mức độ hỗ trợ và các loại hệ thống mà Iran cung cấp cho các chủ thể phi nhà nước, đặc biệt là máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, thực sự rất lớn. Nhờ vậy, những lực lượng này, đặc biệt là Hezbollah, có thể xem như một phần trong khả năng quân sự của Iran”.

So với Iran, quy mô quân đội của Israel khiêm tốn hơn, với 170.000 quân chính quy và 465.000 quân dự bị. Với dân số 89 triệu so với 10 triệu của Israel, Iran có số lượng lính nghĩa vụ tiềm năng lớn hơn đáng kể đối thủ, với tổng cộng hơn 41 triệu so với chỉ hơn 3 triệu của Israel.

Những chiếc UAV tấn công mới nhất của Iran, Shahed 149 Gaza, có tầm tác chiến 2.000 km và mang theo được 13 quả bom. Ảnh: WSJ.

Vũ khí Israel “xịn” hơn, nhưng Iran cũng có “bảo bối”

Tuy nhiên, chỉ những con số không nói lên toàn bộ câu chuyện. Các yếu tố định tính như đào tạo, công nghệ, tinh thần cũng phải được cân nhắc. Về mặt này, Israel sở hữu một số lợi thế khác biệt.

Ngân sách quân sự 24,4 tỷ USD của Israel lớn gấp 2,5 lần so với 10 tỷ USD của Iran, cho phép Tel Aviv trang bị vũ khí tiên tiến hơn. Ngoài ra, Israel được cho là có bộ ba hạt nhân chiến lược - khả năng tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân từ trên bộ, trên không và trên biển - mang lại cho nước này khả năng răn đe tàn khốc mà Iran không thể sánh được.

Dù vậy, việc sử dụng tới vũ khí hạt nhân là một kịch bản vô cùng rủi ro cho tất cả và vũ khí răn đe chính của các bên vẫn là không quân, tên lửa tầm xa, máy bay không người lái vũ trang hay tàu ngầm tấn công. Đó cũng là những thứ mà quân đội Iran đã nỗ lực trang bị trong nhiều thập kỷ qua, bất chấp lệnh cấm vận.

Iran hiện sở hữu một trong những kho vũ khí tên lửa và máy bay không người lái lớn nhất ở Trung Đông, bao gồm tên lửa hành trình và tên lửa chống hạm, cũng như tên lửa đạn đạo có tầm bắn lên tới 2.000 km, đủ sức tấn công bất kỳ mục tiêu nào ở vùng Vịnh.

Những chiếc UAV vũ trang mới nhất do Iran chế tạo, với tên gọi “Shahed 149 Gaza” để thể hiện tình đoàn kết với người Palestine, có tầm bay 2.500 km. Chúng mang theo 13 quả bom dẫn đường chính xác, cùng với khả năng bay thấp và rất cơ động để tránh radar nhờ hệ thống camera có thể zoom tới 200 lần, camera ảnh nhiệt nhìn đêm, thiết bị đo khoảng cách laser…

Trong khi đó, các dòng UAV vũ trang tiền nhiệm của “Gaza”, những chiếc Shahed-129 hay Shahed-136 lâu nay đã trở thành loại máy bay không người lái phổ biến nhất trong các cuộc chiến bất đối xứng, khi được nhiều nhóm vũ trang thân Iran sử dụng hiệu quả. Nổi tiếng nhất là vụ lực lượng Houthi dùng những chiếc Shahed-129 tấn công các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia năm 2019.

Iran sở hữu kho tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo lớn bậc nhất Trung Đông. Ảnh: Asharq Al-Awsat.

Hải quân Iran có hạm đội tàu khá lớn, gồm 23 tàu ngầm, trong đó có 15 tàu ngầm chiến thuật, 3 tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Kilo Type 877 do Nga sản xuất. Bên cạnh đó, Iran cũng đã xây dựng một đội tàu cao tốc đông đảo và 12 tàu ngầm nhỏ (các tàu nước nông Ghadir và Nahang) do Iran chế tạo dành riêng cho môi trường tác chiến vùng Vịnh. Những tàu này hoàn toàn có khả năng làm gián đoạn giao thông vận tải và nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu đi qua Vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz.

Các căn cứ và cơ sở lưu trữ tên lửa hành trình, UAV của Iran nằm rải rác, chôn sâu dưới lòng đất, trong lòng núi và được tăng cường phòng không, khiến chúng rất khó bị tiêu diệt bằng các cuộc không kích.

Điểm yếu là không quân

Lục quân Iran được đánh giá là một trong những lực lượng mạnh nhất khu vực về trang bị, sự gắn kết, kinh nghiệm và chất lượng nhân sự nhưng điểm yếu lớn nhất của nước này là lực lượng không quân.

Phần lớn máy bay của Iran có từ thời Shah Mohammed Reza Pahlavi, người lãnh đạo Iran từ năm 1941 đến năm 1979, và nhiều chiếc đã bị vô hiệu hóa vì thiếu phụ tùng thay thế. Các chuyên gia cho biết Iran cũng đã mua một số lượng nhỏ các tiêm kích từ Nga vào những năm 1990 và hiện đang tìm cách mua thêm những chiếc Su-35. Nếu so với Israel, không quân Iran hiện thua xa về mặt trang bị.

Israel đang sở hữu 460 máy bay chiến đấu, trong đó có 27 chiếc F-15A Eagle, 7 chiếc F-15B và 90 chiếc F-16A Fighting Falcons và đặc biệt là 39 chiếc F-35 Lightning II, dòng tiêm kích hiện đại nhất trong danh mục xuất khẩu vũ khí của Mỹ. Ngoài ra, Israel còn vận hành 81 trực thăng tấn công, trong đó có 30 chiếc Bell AH-1E/AH-1F Cobra và 48 chiếc AH-64A Apache vốn là hung thần của các loại xe tăng.

Vệ binh Cách mạng Hồi giáo là lực lượng tinh nhuệ nhất của quân đội Iran Ảnh: Mehr News Agency.

Iran hiện có 336 máy bay chiến đấu các loại. Trong đó, chỉ vỏn vẹn 28 chiếc Mig-29 là tiệm cận với những máy bay chiến đấu của Israel. Còn lại, một phi đội già cỗi gồm 20 chiếc F-5B và 60 máy bay F-5E Tiger II do Mỹ sản xuất hiện cũng chưa rõ khả năng tác chiến do lệnh cấm vận vũ khí khiến việc bảo dưỡng và đảm bảo chiến đấu cho chúng trở nên rất khó khăn.

Dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng lực lượng không quân Iran không nên bị xem thường chỉ vì tuổi đời đã cao của các máy bay chiến đấu. Một phân tích được Shephard Media thực hiện vào tháng 11 cho rằng, mặc dù phi đội của Iran có thể gặp bất lợi rõ rệt trước các chiến đấu cơ hiện đại, nhưng họ vẫn có thể thách thức một đối thủ nhờ đội ngũ phi công giàu kinh nghiệm và những loại tên lửa đối không mạnh mẽ mà các máy bay này mang theo.

Ryan Bohl, nhà phân tích cấp cao về Trung Đông và Bắc Phi tại công ty tình báo rủi ro RANE, cho biết vào cuối những năm 1990 khi lực lượng không quân nhỏ bé, lỗi thời của Iran đối mặt với không quân NATO, họ vẫn "bắn hạ được một số máy bay Mỹ", trong đó có 1 máy bay tàng hình F-117 bị bắn hạ bởi tên lửa phòng không.

Xét về tổng thể, Iran đang được trang xếp hạng quân sự uy tín Global Firepower đặt ở vị trí thứ 14 thế giới, trong khi Israel dù trang bị hiện đại hơn, vẫn đứng dưới 2 bậc (hạng 17). Cán cân này cho thấy, một cuộc xung đột trực diện nếu nổ ra sẽ mang tới thiệt hại nặng nề như thế nào cho cả đôi bên. Do đó, không ngạc nhiên khi Israel đang phản ứng một cách hết sức tỉnh táo sau vụ trả đũa của Iran, nhằm tránh mở rộng cuộc xung đột thành chiến tranh toàn diện.

Quang Anh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/noi-soi-suc-manh-quan-su-iran-i728510/