Nỗi sầu vương vấn một đời khôn nguôi

Cả cuộc đời của nội tôi chỉ có một mơ ước đó là được đến nơi chiến trường xưa, nơi chú đã hy sinh để thắp một nén nhang thơm, đưa hài cốt chú về với chốn quê nhà. Nhưng sức cùng lực kiệt, vùng đất ấy nay đã thay da đổi thịt từng ngày biết đâu mà tìm. Nội tôi mãi đau đáu một nỗi đau buồn chẳng thể nguôi ngoai.

Viếng nghĩa trang liệt sĩ

Mẹ tôi kể, ngày anh giao liên đưa đến nhà tờ giấy báo tử, nội tôi cầm tờ giấy trên tay, cả người run lên rồi ngã quỵ, miệng lẩm bẩm mãi câu: “Ông trời ơi, sao bất công với tôi quá vậy”. Mất chồng khi Pháp ném bom xuống kho lương thực, mất con trong chiến tranh biên giới Tây Nam, trong lòng nội tới hai lần con tim chết lặng. Hàng đêm nội khóc, trong giấc mộng mị nội gọi tên chú thật nhiều. Ngày chú nhập ngũ, chú đi lối cửa sau, không nỡ nói một câu từ biệt, chú sợ nhìn thấy giọt nước mắt trên khuôn mặt lam lũ của mẹ già. Nên chú trồng cây bưởi ở sau nhà và nói với mẹ tôi rằng: “Chị dâu à, ở nhà chăm sóc mẹ với cây bưởi giùm em nhé, em đi khi nào chiến thắng trở về, có khi cây bưởi ra trái rồi chị nhỉ?”. Thế mà xuân qua, hạ tới, đông về, bao nhiêu năm cây bưởi ra hoa, kết trái, lá rơi tan tác ngoài vườn… chú vẫn mãi mãi không trở về. Để nội tôi ngày ngày dù nắng hè gắt gỏng hay mùa đông gió thổi căm căm, nội vẫn không bao giờ chịu đóng cánh cửa sổ, nơi có thể nhìn ra cây bưởi kỷ niệm ấy.

Nội trầm ngâm ít nói, đôi mắt lúc nào ứa lệ như chứa cả hồ thu ảm đạm. Nội lặng lẽ ngắm nhìn cả ngày cây bưởi, có lúc ra dưới gốc cây đứng đó mãi không chịu vào. Cho đến một hôm, cây bưởi bắt đầu có dấu hiệu sự cằn cỗi, bố tôi muốn tỉa bớt cành nhưng nội nhất định không cho, bố băn khoăn đi ra đi vào suy tính tới lui rồi cuối cùng không nỡ xuống tay. Năm ấy một cơn bão lớn đổ bộ. Buổi tối nằm trong nhà nghe gió rít từng cơn giận dữ, nội tôi bồn chồn lo lắng ngồi dậy mấy lần toan mở cửa xem cây bưởi thế nào nhưng bố mẹ tôi năn nỉ, ngăn cản hoài nội mới chịu nghe. Cả đêm hôm ấy, nhà tôi đều thao thức mất ngủ theo nội. Sáng hôm sau bão tan, nội dậy thật sớm bước thấp bước cao vội ra vườn. Nội tôi đã bật khóc, bao nhiêu năm nhớ thương chú theo dòng lệ lăn dài trên khuôn mặt nhăn nheo, khắc khổ. Nội ngã quỵ ôm cây bưởi bị gió quật tả tơi vào lòng. Bố mẹ tôi chạy ra và tất cả lặng người đi. Sau hôm đó nội đổ bệnh. Cả tuần, nhà tôi trong không khí trầm lặng, như thể chú mới ra đi thêm một lần nữa vào đúng cái ngày cây bưởi ngã xuống.

Thế rồi sau một tuần, tối nào nội cũng bật dậy lúc nửa đêm, lọ mọ ra mở cổng, mở toang cửa nhà. Nội bảo: “Mở cửa ra, lỡ Thống có về, cửa đóng không vào được nhà thì sao”. Bố tôi thương nội, dùng số hạt ở hai quả còn sót lại ươm những hạt giống mới để trồng lại cây bưởi. Bố nắm đôi bàn tay nhăn nheo của nội an ủi: “Bu ơi, hạt bưởi đã lên mầm, nay mai cây bưởi sẽ lớn lên, vẫn là hạt của cây bưởi Thống nó trồng…”. Nước mắt lăn dài trên khuôn mặt dạn dày gió sương của bố. Nội ngồi bần thần, đôi mắt ngấn lệ nhìn ra khung cảnh hoang tàn của mảnh vườn sau bão, lặng lẽ nhìn bố tôi, nội lắc lắc tay bố rồi run run nói: “Ừ, tại bu mà vợ chồng nhà bây khổ”…

Sau mỗi vụ gặt, bán được thóc dư ra vài đồng, bố tôi bỏ công, bỏ việc lăn lộn đi Tây Ninh không nhớ bao nhiêu lần, chỉ hy vọng tìm ra manh mối nơi chú tôi nằm xuống nhưng tất cả đều là vô vọng. Nội tôi thương bố, nên hôm đám giỗ chú nội quả quyết nói với bố: “Âu cũng là số phận, số nó phải xa nhà, xa quê hương, các con đã cố gắng lắm rồi, thôi vợ chồng bây đừng mất công mất sức nữa, để tiền mà lo cho mấy đứa con”. Nội lấy vội chiếc khăn mùi xoa lau nhanh giọt nước mắt đang lăn dài trên khuôn mặt nhăn nheo. Bố tôi cúi đầu lặng thinh. Thế nên xương máu của chú mãi mãi nằm lại nơi xứ người, chỉ có nỗi đau của nội tôi mãi day dứt không thôi…

Giờ nội tôi đã đi về miền mây trắng, nơi đó gặp lại chú, chắc nội không còn buồn đau. Tôi mường tượng, nội sẽ cầm tay chú, mỉm cười và mắng: “Cha bố anh, đi thì cũng phải nói với bu một tiếng chứ” - đó là câu nội nói nhiều nhất trong đời. Bởi lúc còn khỏe, nội chít cái khăn mỏ quạ, sáng sớm tinh mơ, chân trần lội bộ đi tắt qua ba cánh đồng làng bên, đến nghĩa trang liệt sĩ có phần bia mộ của chú ngồi hàng giờ ở đó và lau đến bóng loáng di ảnh và hỏi đi hỏi lại có một câu đó thôi...

Nguyễn Thắm

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202401/noi-sau-vuong-van-mot-doi-khon-nguoi-3642df1/