Nơi neo đậu tình người

Tình thương ở lại

(Cadn.com.vn) - Mỗi bác sỹ khi về Bệnh viện phong Quy Hòa (Quy Nhơn, Bình Định) công tác đều có một lý do khác nhau. Nhưng khi tới điều trị cho những bệnh nhân phong, cảm nhận được nỗi đau thể xác, tinh thần rất “đặc trưng” của họ, hầu như ai cũng muốn gắn bó trọn sự nghiệp với nơi này. Và chúng tôi gọi đó là nơi neo đậu tình người.

BS Vũ Tuấn Anh đang thăm hỏi bệnh nhân Huỳnh Thị Đễ.

Hiện tại, Bệnh viện (BV) phong Quy Hòa có 260 bệnh nhân lưu trú, điều trị đến từ nhiều tỉnh thành miền Trung, Tây Nguyên. BV cũng thường xuyên khám, điều trị cho khoảng 400 người mắc bệnh phong tại làng phong Quy Hòa. Trong ký ức của nhiều bác sỹ (BS), việc họ tới công tác, gắn bó từ 20, 30 năm trước với BV được coi là dũng cảm.

BS Vũ Tuấn Anh- Phó giám đốc phụ trách điều hành BV kể, 20 năm trước, khi vừa tốt nghiệp Đại học Y Thái Bình, anh nộp đơn xin việc vào Viện sốt rét Quy Nhơn. Rồi tình cờ một ngày cuối tuần được bạn chở vào Quy Hòa chơi, thấy phong cảnh ở đây yên bình, bờ biển thơ mộng, anh nảy sinh ý định muốn gắn bó với vùng đất này. Vậy là anh rút hồ sơ ở Viện sốt rét nộp vào BV phong Quy Hòa. Thời đó, sự kỳ thị bệnh phong vẫn lớn lắm, chủ yếu người ta sợ bị lây. Là con trai độc nhất trong nhà, học bác sỹ xong lại vào làm ở BV phong, đó là điều mà gia đình, bạn bè anh ngoài quê… không hình dung ra. Vì thế, anh giấu gia đình, bạn bè, mãi 6 năm sau mọi người ngoài quê mới biết anh về làm việc ở BV phong Quy Hòa. Anh kể: “Thời ấy Quy Hòa rất hoang sơ, đường vào đèo dốc, đất đá lởm chởm, cuối tuần muốn ra phố Quy Nhơn phải cuốc bộ hơn 2 giờ đồng hồ”.

Khó là vậy, song anh Tuấn Anh cũng như nhiều BS khác không có ý định rời BV đi nơi khác làm việc. Lý do cơ bản vẫn vì quá thương bệnh nhân ở đây. BS Lê Hồng Minh, người có thâm niên khá lâu tại BV bảo, có tiếp xúc, sống chung với bệnh nhân phong mới hiểu được nỗi đau thể xác, tinh thần rất đặc trưng của họ. Gần như họ bị quê hương ruồng bỏ bởi sự kỳ thị nên phải khăn gói tìm đến đất Quy Hòa. Ngay cả khi bệnh phong được chữa khỏi thì mỗi khi trái gió trở trời họ cũng luôn phải chịu giày vò đau đớn về thể xác. Rồi nữa, chân tay cụt cùi, tàn phế, họ không bước ra ngoài để làm việc mưu sinh được, chỉ sống quanh quẩn trong làng, sống bằng đồng tiền trợ cấp ít ỏi của BV cũng như các tổ chức từ thiện. Cuộc sống vật chất của họ rất khó khăn.

Chứng kiến nỗi đau của bệnh nhân phong, phần lớn các BS ở BV phong Quy Hòa không nỡ lòng nào bỏ đi tìm công việc nơi khác. BS Tuấn Anh tâm sự: “Bạn bè ở quê cứ nghĩ học bác sỹ ra, làm việc ở thành phố, cuộc sống vật chất dư dả lắm. Nhưng họ đâu biết nhiều lúc tôi phải lấy tiền của vợ cho bệnh nhân phong vì thấy họ nghèo quá, tội quá. Gắn bó miết với bệnh nhân phong tôi nhận ra họ cần điểm tựa tinh thần nhiều hơn, các BS như là chiếc phao để họ bấu víu, tựa vào, nên nhiều lúc có cơ hội làm việc ở BV trong thành phố Quy Nhơn tốt hơn, cũng không nỡ lòng nào chuyển đi”.

Bệnh nhân Lê Mạnh Trừng nói đất lạ Quy Hòa đã trở thành quê hương nhờ sợi dây tình người níu kéo.

Đất lạ hóa quê hương

Ở BV phong Quy Hòa có một khu đặc biệt, nơi nuôi dưỡng, điều trị cho gần 100 bệnh nhân phong lớn tuổi không nơi nương tựa. Họ đến BV từ khi còn rất trẻ, phần lớn cuộc đời gắn với đất Quy Hòa, bây giờ họ không người thân, không biết đi về đâu, BV lại là nơi nương tựa phần cuối cuộc đời. Các cụ được nuôi dưỡng, điều trị dựa vào nguồn trợ cấp của BV cũng như các tổ chức từ thiện xã hội. Nhờ được chăm sóc tốt, có cụ dù mắc phong nhưng vẫn sống thọ tới 105 tuổi. Cụ Huỳnh Thị Đễ (1939, quê ở Tây Sơn, Bình Định) kể, năm 1963 khi đang ở tuổi 24, còn chưa lập gia đình thì cụ phát hiện mắc bệnh phong. Lúc đó khoa học chưa phát triển, bệnh phong đối với mọi người rất đáng sợ, ai cũng xa lánh, hắt hủi. Không sống được ở quê, cụ Đễ phải vào điều trị ở BV phong Quy Hòa. Thời gian cứ trôi qua, cụ Đễ sống vò võ với bệnh phong đeo đẳng, tuổi xuân qua lúc nào chẳng hay. Ba mẹ già yếu qua đời, không chồng con, về già cụ Đễ không có nơi nương tựa. Cụ Đễ nói bệnh tật đã gắn cuộc đời cụ với đất Quy Hòa và BV chính là ngôi nhà hạnh phúc, nơi cụ có bạn bè chuyện trò, sẻ chia, nơi có những BS, y tá tận tụy nuôi dưỡng, săn sóc, động viên về tinh thần mà không phải nhận bất cứ một ánh mắt kỳ thị nào.

Mỗi người một quê, nhưng bệnh phong đã đưa đẩy họ đến Quy Hòa, mảnh đất vốn xa lạ bỗng trở thành quê hương, nơi họ gắn bó trọn đời. Nhiều bệnh nhân tứ xứ đã nên duyên vợ chồng, an cư lập nghiệp, một thế hệ mới hình thành, dẫu chúng không mắc bệnh phong thì Quy Hòa đã trở thành quê hương. Ông Lê Mạnh Trừng (76 tuổi) đang điều trị ở BV phong Quy Hòa cho biết, chính sự đồng cảm, sẻ chia giữa BS với bệnh nhân và giữa bệnh nhân với nhau là sợi dây tinh thần níu kéo ông ở lại Quy Hòa, mảnh đất này trở thành quê hương thứ 2 của ông. Có lẽ, với nhiều người, sợi dây tình người ấy đã níu kéo họ ở lại, biến đất lạ thành quê hương.

Hải Quỳnh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/119_157722_noi-neo-da-u-ti-nh-nguo-i.aspx