Nỗi lòng làm mẹ đơn thân

(aFamily)- Bác ấy đến đưa chị tiền để đi phá, đừng mong dùng cái thai trong bụng để trói con bác ấy. Sau đó, chị gọi anh ấy nhiều lần nhưng anh ấy không nghe máy.

4 năm trước đây, chị cũng vật vã như em bây giờ. Là giọt máu trong bụng mình, hàng ngày cảm nhận thấy nó làm sao đành lòng đúng không em. Mới hơn mười tuần, thai chưa biết máy, biết đạp, chưa biết xoay nhưng sự mệt mỏi trong cơ thể mình là có thật. Ăn chẳng muốn ăn, đi dăm bước đã mệt lả nguời, suốt ngày nôn khan. Từng ấy thứ thay đổi đủ để khơi dậy bản năng làm mẹ trong mỗi chúng ta. Chị sợ nhưng chị khao khát lắm, khao khát có một gia đình, một đứa con. Hồi hộp chờ đợi nguời yêu về thông báo với gia đình, chị cũng lo là mình sẽ bị giận, bị mắng, sẽ bị một chút coi thường, nhưng chị tin rằng máu mủ nhà họ, hẳn họ có xót. Ấy vậy mà, tất cả không như những gì chị nghĩ. Người đến thông báo “tình hình” cho chị không phải là anh ấy mà là mẹ anh ấy. Bác ấy đến đưa chị tiền để đi phá, đừng mong dùng cái thai trong bụng để trói con bác ấy. Hai nhà vốn không môn đăng hộ đối nên không thể đến với nhau được. Mà cuối cùng bác ấy còn mỉa mai, chắc gì đứa bé trong bụng chị là cháu nội bác ấy, có khi anh ấy khờ ngốc chỉ là thằng đổ vỏ cho người. Chị giận tím mặt, kìm chế lắm mới có thể đưa lại cho bác ấy cục tiền nhưng bác ấy không cầm, quay người ra cửa. Sau đó, chị gọi anh ấy nhiều lần nhưng anh ấy không nghe máy, còn tắt luôn nguồn. Chị đã hiểu tất cả nhưng vẫn muốn trả lại số tiền. Anh ấy ngại chị nên chẳng dám bật máy, số tiền ấy chị đành nhờ một nguời bạn đem đến trả. Gọi điện về cho mẹ, cả hai mẹ con khóc như mưa. Bố đắng lòng bảo con hãy giữ lại đứa bé, đừng giết nó mà phải tội. May năm ấy là năm cuối, chị còn đù thời gian để tốt nghiệp trước khi bước sang tháng thứ 9. Đi bảo vệ với cái bụng to cành, thầy cô vừa ái ngại, vừa thương và cũng vừa khinh nữa. Chị không dám nghĩ nhiều, chị tự an ủi số mình vẫn còn may, ông trời còn cho mình hoàn thành chương trình đại học, nếu không thì sẽ dở dang một đời. Suốt thời gian sinh đẻ và nuôi con nhỏ, may mắn sao chị luôn có gia đình ở bên cạnh hỗ trợ, dù vậy cũng chì đỡ được phần nào. Ti được 4 tháng phải ở nhà bà ngoại trông cho mẹ đi xin việc. Thời gian ấy chẳng ai muốn nhận một người phụ nữ con mọn, đơn thân, chị phải vất vả lắm, chấp nhận cả những công việc với đồng lương chết đói, đỡ được đồng nào hay đồng ấy mà quan trọng tích lũy kinh nghiệm và có cơ hội khẳng định mình. Lúc ấy, mỗi lúc đi mua đồ cho con, với cái ví mỏng tang, phải cân nhắc từng cái bỉm, hộp sữa thấy tủi thân tủi phận ghê gớm. Con người ta ăn sữa Đức, sữa Mỹ, con mình thì hết Cô gái Hà Lan rồi lại Vinamilk. Nghĩ thương con vô cùng, mình thì chịu sao cũng được, chỉ khổ thân trẻ con mà thôi. Bố và ông bà nội nó không hỏi thăm lấy một lời, thậm chí còn bắn tin rằng chị có đẻ ra cũng chẳng ích gì, họ đã không nhận thì không đời nào họ nhận đâu. Chị hơi nghèn nghẹn rồi coi như không có, chị đâu có quyền được buồn, được khóc nữa. Khổ tận cam lai, một ngày rồi tất cả những khó khăn sẽ qua. Bây giờ với mức lương không cao nhưng cũng đủ lo cho hai mẹ con chị một cuộc sống bình thường. Đơn thân nhưng chị thấy mình thực sự hạnh phúc. Mỗi ngày nhìn thấy nụ cười của con là có thể khiến chị xua tan hết mệt nhọc. Hạnh phúc lớn nhất của người phụ nữ là được làm mẹ em ạ, làm vợ hay không thực sự không mấy quan trọng đâu. Chị không hối hận vì mình đã giữ Ti lại mà chị cám ơn sự dũng cảm của mình. Mong rằng câu chuyện của chị phần nào khiến em can đảm hơn.

Nguồn aFamily: http://afamily.vn/1814cs0ca37/noi-long-lam-me-don-than