Nỗi lòng của má

Má lại sửa soạn đồ ăn, thức uống chia từng bị nhỏ cho mấy đứa con. Chúng nó đang tíu tít sửa soạn bữa cơm sum họp cuối cùng của mùa tết.

Ăn xong là mỗi đứa mỗi xe về mỗi phương. Nhà có 5 đứa con, trai có, gái có. Hồi xưa thì tưởng về già ít nhiều gì cũng ở chung với một đứa, trai cũng được, gái cũng được. Ai dè… Chim đủ lông đủ cánh thì bay. Con đủ cứng cáp chân tay thì rời xa cha mẹ, tìm cách lập nghiệp, ổn định cuộc sống riêng. Mỗi đứa sau khi được ba má lăn lộn kiếm từng đồng tiền lẻ cố nuôi cho ăn học xong thì tự xoay xở lo bản thân, ổn định công việc. Rồi chẳng đứa nào chịu về quê. Con gái thì theo chồng đi xa đã đành, có thằng con trai nó cũng theo vợ nốt. Nó biểu công việc ở thành phố vất vả bao nhiêu năm mới gầy dựng được, đâu thể bỏ ngang về quê được. Thôi thì ba má cứ vui vẻ với nhau, khi nào già yếu tính tiếp.

Tính là tính ra sao, chẳng đứa nào trả lời được. Sao mà tính cho nổi. Người tính không bằng trời tính. Ba mất, má lủi thủi một mình. Năm đứa con vẫn ở năm phương trời. Hổng phải tụi nó bỏ má không lo mà không thể bỏ cuộc sống của tụi nó để về lo cho má được. Đứa nào cũng biểu thôi giờ má về nhà con, con lo. Dĩ nhiên má biết tụi nó lo cho má được, lo tốt là đằng khác. Có điều má không rời bỏ căn nhà mà đi được. Di ảnh ba còn chưa được lên bàn thờ ngồi, ai cơm nước cúng kính, ai rủ rỉ chuyện trò cho ba nghe. Rồi cái khu vườn nho nhỏ nơi ba cất công chăm sóc, vun trồng giờ đi lấy ai chăm sóc.

Má không thể bỏ cái nơi đã gắn bó hơn nửa cuộc đời để đi được. Ai muốn rời xa cái tổ quen thuộc của mình để tới một cái tổ xa lạ bao giờ. Hơn nữa con mình thương mình nhưng dâu rể chúng nó thì khác. Nó có thương mình cũng đâu thể bằng con ruột. Huống hồ gì ở chung sao tránh được lời qua tiếng lại, thể nào cũng rơi vào cái cảnh “xa mỏi chân, gần mỏi miệng”, khi đó tình mẹ con sứt mẻ ít nhiều nữa. Nên suy đi tính lại, má chẳng chịu theo đứa nào. Má nói cứng: “nhà tao tao ở, đứa nào thương thì về, không thì thôi tao ở một mình”. Mấy đứa con biết má giận lẫy nên chẳng đứa nào dám hó hé gì nữa. Thằng anh hai đành xuống nước năn nỉ má: thôi má cứ ở nhà má rồi cuối tuần vợ chồng con thu xếp về thăm. Má gật gù vậy cũng được.

Nhưng nó nói vậy thôi chứ cái chuyện mỗi cuối tuần để về thăm thấy đơn giản chứ thực hiện đâu có dễ. Được vài tuần, nó thỏ thẻ: má thông cảm, công việc thì nhiều, khách khứa cũng nhiều, làm ăn thì phải quan hệ mới có mối mang, đâu thể ru rú mình mình được. Má chỉ ờ bây lo công chuyện bây đi, má vẫn khỏe mà. Vậy là má thui thủi một mình hết tháng rồi qua năm. Tụi nó chỉ ghé về mỗi đợt tết, lễ. Mỗi lần tụi nó về ríu rít như đàn chim sẻ, nhất là mấy đứa cháu. Tụi nhỏ hò hét, đùa giỡn xua tan cái ảm đạm thường ngày. Tụi nó làm má vui vẻ, trẻ ra. Mà rộn ràng được vài bữa thôi, rồi lại trở về đìu hiu. Má lại lủi thủi với thằng Xám, thằng Đen, lăng xăng bắt bọ chét, tắm cho tụi nó. Có tụi nó thì đỡ buồn mà khổ cái tụi nó không biết nói tiếng người. Thành ra má hay mở ti vi để vậy cho có tiếng người nói, cho đỡ quên tiếng người.

Ai cũng hỏi má già cả rồi sao lại sống một mình, lúc bệnh đau biết kêu ai. Má cười, bệnh đau thì gọi điện kêu thằng Hai về. Thằng Hai nó ở tuốt luốt trên thành phố, chạy về cả tiếng, sao mà cấp cứu cho kịp. Má lại cười, thì gọi hàng xóm. Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau mà sợ gì. Người ta biểu má lạc quan thấy sợ. Người ta đâu biết má cũng đã nghĩ tới trường hợp đó rồi, cũng lo chớ, mà kệ. Cái gì mình thay đổi không được thì mặc kệ nó khỏi suy nghĩ thêm chi cho mệt óc. Tới đâu tính tới đó.

Bởi vậy má trân quý từng phút giây con cháu tề tựu đông đủ dữ lắm. Người già mà, có nỗi mừng nào hơn khi thấy con cháu trở về đông đủ. Càng vui hơn khi sấp nhỏ khen món này bà nấu ngon, món kia bà làm siêu ơi là siêu, nhà bà rộng ghê tha hồ chạy nhảy. Tụi nhỏ làm má vui cả ngày bởi những lời “tâm sự” rất đáng yêu như vậy. Nên má mong tết, mong tụi nó về. Giờ hết tết, má chia đồ cho mỗi đứa mang về. Cũng chẳng có gì, chỉ chút bánh kẹo, chút rau ngoài vườn, mấy nải chuối, con gà má nuôi. Má biết mấy thứ này nơi nào chẳng có bán, chỉ là nó quý bởi tấm lòng của má dành cho con cháu nên dù mấy đứa con biểu má chia phần chi cho cực má vẫn làm. Còn bao nhiêu lần nữa được làm đâu…

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/noi-long-cua-ma-117048.html