Nỗi lo với chủng cúm độc lực cao

Thời điểm này đang dần vào cao điểm của cúm A/B, đặc biệt đã xuất hiện chủng cúm độc lực cao A/H5 trên người.

Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, hiện nay, thời tiết đang bước vào giai đoạn giao mùa thu – đông, là điều kiện thuận lợi cho sự bùng phát và lây lan của dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp, trong đó dịch cúm là phổ biến nhất. Các chuyên gia lo ngại, cùng với COVID-19, sốt xuất huyết và dịch bệnh bùng phát mùa đông là cúm, sởi, đậu mùa, nguy cơ cao dịch sẽ chồng dịch.

Không tự dùng kháng sinh, Tamiflu khi mắc cúm

Sốt, đau họng, nhức mỏi người đến ngày thứ hai, chị Nguyễn Phương Hạnh (Tây Hồ, Hà Nội) tự mua thuốc kháng sinh, kháng viêm về uống. Sau 4 ngày không khỏi, chị đi bệnh viện khám. Sau khi xét nghiệm cúm A/B và sốt xuất huyết, kết quả chị Hạnh mắc cúm B.

“Bác sĩ đã phê bình khi tôi tự dùng kháng sinh mà không đến viện thăm khám. Tôi được chỉ định điều trị ngoại trú, bác sĩ yêu cầu dừng ngày việc uống kháng sinh, đơn thuốc chỉ có giảm sốt, uống khi sốt 38,5 độ, osezol và xúc họng bằng nước muối”, chị Hạnh cho biết.

Trẻ ho, sốt do cúm A, B nhập viện tăng.

Trẻ ho, sốt do cúm A, B nhập viện tăng.

Cùng khám với chị Hạnh là bệnh nhân nữ sốt, ho, hắt hơi ngày thứ 3, ở nhà tự mua thuốc Tamiflu uống, nhưng vẫn sốt cao mới tới viện. “Bác sĩ cũng “mắng” vì tôi tự dùng thuốc Tamiflu mà không biết mình bị bệnh gì”, bệnh nhân này cho biết.

Những ngày qua, nhiều gia đình có 4 người thì 2-3 người trong nhà mắc cúm, phổ biến nhất là cúm A, B. Nhiều công sở nhân viên xin nghỉ liên tục vì mắc cúm. Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, số bệnh nhân đến khám vì nhiễm cúm cũng tăng nhanh. Mỗi ngày, Bệnh viện tiếp nhận 1.600-1.800 trẻ đến khám, tăng từ 600 - 800 trẻ/ngày. Do số bệnh nhân tăng vọt, bệnh viện phải bố trí thêm nhân lực và các bàn khám vào khung giờ cao điểm. Một bác sĩ trung bình thăm khám cho 60 trẻ mỗi ngày, tăng gấp đôi so với mọi khi. Khoa Hồi sức tích cực Nhi đã kín giường, nhưng số bệnh nhân tăng gấp 1,5 lần, nên bệnh viện phải kê thêm giường để trẻ được chăm sóc hiệu quả.

Trong quá trình thăm khám, các bác sĩ ghi nhận tình trạng tự sử dụng kháng sinh khi ho, sốt diễn ra khá phổ biến, nhiều phụ huynh thấy con ho sợ bệnh “chạy” vào phế quản, phổi nên cho con uống kháng sinh để “chặn” ngay từ đầu.

Theo BS Đinh Thế Tiến, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cúm là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp do virus (không phải vi khuẩn) họ Infuenza gây ra. Bệnh lây qua đường hô hấp, các triệu chứng của cúm gồm sốt cao, đau cổ họng, đau mắt, mệt mỏi, nhức mỏi toàn thân, ho ít đờm, nghẹt mũi…

Tại miền Bắc, thông thường có đợt cao điểm dịch cúm, đó là khoảng tháng 4, tháng 6 và tháng 10, tháng 12. Thực tế, nhiễm virus điều trị kháng sinh không có tác dụng, hơn nữa có thể khiến bệnh nhân mệt mỏi hơn, hoặc có thể gây ra tác dụng phụ như tiêu chảy…

Cảnh giác với chủng cúm độc lực cao

Việc Việt Nam phát hiện ca nhiễm cúm A/H5 đầu tiên sau 8 năm không ghi nhận đã khiến người dân lo ngại nếu dịch cúm gia cầm trên người bùng phát ở nước ta. Đây là chủng cúm độc lực cao, lây từ gia cầm sang người do virus cúm A/H5 gây ra. Từ năm 2003 đến nay, Việt Nam mới ghi nhận 128 trường hợp mắc cúm A/H5 trên người, trong đó 64 ca tử vong. Đến nay, bệnh cúm gia cầm chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vac[1]cine phòng bệnh, trong khi đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nguy cơ tử vong rất cao.

Mặc dù 8 năm qua nước ta không ghi nhận ca bệnh mắc cúm gia cầm A/H5, song theo Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tại Việt Nam vẫn ghi nhận dịch cúm gia cầm rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương. Đây là nguy cơ lớn khi virus cúm lây sang người.

Cục Thú y cảnh báo, thời tiết hiện nay đang rất thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển, dự báo thời gian tới, nguy cơ cúm gia cầm lây sang người là cao.

Lo ngại dịch bùng phát, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế các địa phương hết sức cảnh giác với chủng cúm có độc lực cao, rà soát các hướng dẫn chuyên môn về giám sát, phòng chống cúm gia cầm trên người và xây dựng phương án phòng, chống dịch. Sở Y tế phối hợp với ngành thú y các địa phương theo dõi chặt chẽ dịch bệnh cúm trên gia cầm để có các biện pháp dự phòng lây sang người và chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp đáp ứng.

Theo các chuyên gia, quan trọng nhất hiện nay là công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, khi có gia cầm ốm, chết phải báo ngay chính quyền và cơ quan thú y địa phương để tiêu hủy; không ăn và sử dụng, không kinh doanh, buôn bán gia cầm ốm, chết. Cơ quan thú y phải kiểm soát chặt nguồn gốc của gia cầm vào chợ, cửa hàng, siêu thị, đặc biệt là các quán ăn, nhà hàng. Người dân không được ăn thịt gia cầm chưa nấu chín, tiết canh vịt, trứng mua về rửa sạch vỏ…

Theo PGS.TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, thời gian qua đã ghi nhận nhiều người đồng nhiễm 2- 3 bệnh truyền nhiễm cùng lúc như cúm, sốt xuất huyết, COVID-19, thậm chí cả Adenovirus, khiến cho hệ thống miễn dịch suy yếu, gây bệnh nặng hơn.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, tiêm phòng có thể giảm tỷ lệ tử vong do cúm tới 70-80%. Tuy nhiên, hiệu lực bảo vệ của vaccine cúm chỉ kéo dài khoảng 1 năm. Do đó, người dân nên tiêm nhắc lại vaccine mỗi năm 1 lần để tăng cường đề kháng, phòng ngừa kịp thời chủng virus cúm đang lưu hành. Hiện nay đã có vaccine tứ giá (phòng được 2 chủng cúm A và 2 chủng cúm B) được các chuyên gia đánh giá là tối ưu để bảo vệ mọi người chống lại bệnh cúm mùa theo khuyến cáo của WHO hàng năm.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/noi-lo-voi-chung-cum-doc-luc-cao--i671753/