Nỗi lo toàn cầu hóa sụp đổ bao trùm APEC

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) từ 14 - 20/11 tại thủ đô Lima, Peru có “nhiệm vụ” là “giải cứu” các kết nối kinh tế trên thế giới.

Nỗ lực cứu thỏa thuận thương mại

Tại Hội nghị Bộ trưởng APEC, Phó Tổng thống thứ 2 của Peru Mercedes Araoz đã cảnh báo về những lo ngại ngày càng gia tăng xoay quanh quá trình toàn cầu hóa. Những sự kiện như Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) - hay còn gọi là Brexit, hay Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump không “mặn mà” với các hiệp định thương mại đa quốc gia khiến tương lai của kinh tế thế giới cũng như tiến trình hội nhập trở nên khó dự báo. Bộ trưởng các nước APEC cũng lưu ý, đối lập với toàn cầu hóa, chủ nghĩa bảo hộ mà nhiều nước đang theo đuổi không phải là giải pháp cho các vấn đề kinh tế.

Các Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế 21 nền kinh tế thành viên APEC.

Trong khi đó, phát biểu tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, châu Á - Thái Bình Dương vẫn là động lực của tăng trưởng, liên kết toàn cầu. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh, diễn đàn APEC năm nay cần tiên phong làm sống động thương mại và đầu tư khu vực, cũng như điều phối các liên kết đa tầng nấc ở khu vực, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Cộng đồng ASEAN, Liên minh Thái Bình Dương… hướng tới hình thành Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) và quan hệ đối tác toàn khu vực.
Với tư cách chủ nhà APEC 2017, ông Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, nâng tầm đối ngoại đa phương; đồng thời thúc đẩy những vấn đề khu vực cùng quan tâm như tái cơ cấu kinh tế, công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nhân lực…

Cơ hội cho Trung Quốc

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đang nổi lên như một ứng viên sáng giá thay thế Mỹ trong vai trò dẫn dắt thương mại tự do trong khu vực. “Nếu Mỹ từ bỏ vai trò lãnh đạo của mình trong khu vực, tất nhiên Trung Quốc sẽ nắm lấy cơ hội này", Tu Xinquan - chuyên gia thương mại tại Đại học Kinh tế và Thương mại quốc tế Bắc Kinh - người đã tham vấn cho chính phủ Trung Quốc về các vấn đề thương mại cho biết. Việc TPP khó có khả năng được thông qua đã giúp Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được Bắc Kinh hậu thuẫn trở thành lựa chọn hàng đầu cho một thỏa thuận tự do thương mại mới trong khu vực.

Trong một dấu hiệu thất vọng với Mỹ bởi khả năng khó thông qua TPP, Tổng thống Peru tuyên bố, các quốc gia Thái Bình Dương có thể thiết lập một thỏa thuận thương mại mới để thay thế TPP bao gồm Trung Quốc và Nga và không Mỹ. Trong tuần này, Peru đã khởi động các cuộc đàm phán với Trung Quốc để tham gia RCEP. Một số quốc gia thành viên khác của TPP như Australia cho biết, sẽ theo đuổi một hiệp định tự do thương mại khác ở châu Á. Chính phủ Malaysia cũng tuyên bố, sẽ chuyển trọng tâm từ TPP sang RCEP.

APEC gồm 21 nền kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hiện chiếm 44% thương mại và 51% GDP toàn cầu.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/noi-lo-toan-cau-hoa-sup-do-bao-trum-apec-273297.html