"Nơi lắng hồn núi sông nghìn năm"

Biểu diễn nghệ thuật trước Tượng đài Lý Thái Tổ.

Những ngày thành phố bước vào kỷ niệm nghìn năm tuổi Thăng Long - Hà Nội, nhân dân Thủ đô và cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài thêm phần vui mừng, như 'điềm lành' hé mở trước thềm Đại lễ khi khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào ngày 1-8-2010. Đón nhận tin vui, lại nhớ ánh mắt Giáo sư Hà Văn Tấn, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học khi di tích Hoàng thành Thăng Long phát lộ năm 2002. Bị ảnh hưởng tai biến, không thể nói nhưng ánh mắt ông vẫn đủ thể hiện tất cả và trong đó lấp lánh những giọt nước mắt của niềm vui. Thời điểm đó, đây là sự kiện văn hóa gây chấn động, được dư luận trong nước, ngoài nước rất quan tâm. Từ đó đến nay, sau nhiều đợt khảo sát, nghiên cứu, khu di tích đã được cả thế giới công nhận, tôn vinh, được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và là Di sản Văn hóa thế giới. Phần được UNESCO công nhận là cốt lõi khu Hoàng thành của kinh thành cổ nhưng cũng là trung tâm quyền lực quan trọng qua các thời kỳ của Thăng Long - Hà Nội, nổi bật bởi những giá trị mang tính toàn cầu: 'Cho thấy một phần quy mô và diện mạo của Hoàng thành cùng đời sống cung đình của vua quan, quý tộc qua các thời kỳ lịch sử. Tầng tầng lớp lớp di tích - di vật hiện lên như một bộ sử nghìn năm văn hiến của Thăng Long - Hà Nội, phản chiếu trình độ và bản sắc dân tộc của một trung tâm văn hóa lớn nhất và lâu đời nhất đất nước'. Được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, Hoàng thành đã góp phần bổ sung, khẳng định thêm vị thế của một Thủ đô có bề dày nghìn năm văn hiến. Sự khẳng định đó còn nối tiếp với sự kiện trong năm Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là việc Bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê và Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội được công nhận là Di sản tư liệu thế giới thuộc chương trình Ký ức thế giới (Memory of the World) của UNESCO. Bên cạnh ý nghĩa là tư liệu ký ức, 'pho sử bằng đá' của một giai đoạn 300 năm, bạn bè quốc tế đã thật sự hiểu thêm về triết lý nhân văn, ý thức tuyển dụng và đào tạo nhân tài 'để trị quốc' của người Việt. Đó là biểu tượng tự hào của một nền văn hiến khuyến khích sự học tập và rèn luyện để giúp đời, giúp nước. Ở vùng ven Hà Nội, một trong những sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng mang tính cộng đồng lớn nhất của vùng đồng bằng sông Hồng là Lễ hội Gióng ở Đền Phù Đổng, huyện Gia Lâm và Đền Sóc của huyện Sóc Sơn, cũng được UNESCO vinh danh trong năm 2010 khi công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Không thể nói hết niềm vui của dư luận và các nhà quản lý cũng như chính quyền thành phố, nhưng có lẽ vui nhất, tự hào nhất vẫn là những người dân bình dị của vùng đồng đất Phù Đổng bên sông Hồng. Lễ hội đã trở thành một phần bản sắc của họ và chính họ đã bảo tồn, lưu truyền hàng nghìn năm nay một lễ hội vào hàng cổ nhất cả nước, vì đến nay vẫn chưa thể xác định lễ hội đã có từ bao giờ. Chỉ biết, hằng năm cứ từ ngày 6 đến 12-4 âm lịch (chính hội là 9-4), những người dân ven đô lại thực hiện một diễn trường lịch sử - văn hóa trải dài gần ba km, mang đậm tính dân gian, tái dựng sự tích hào hùng của hình ảnh cậu bé ba tuổi làng Phù Đổng vươn mình lớn dậy, cưỡi ngựa sắt ra trận, nhổ tre làng đánh đuổi giặc Ân, được nhân dân suy tôn Thánh Gióng, một trong 'Tứ bất tử' của đất nước. Thể hiện một cách rõ nét nhất tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường của dân tộc Việt, lễ hội còn 'chứa đựng trong đó những sáng tạo mang tầm nhân loại, là khát vọng về sự thịnh vượng cho gia đình và hòa bình cho đất nước'... Ba di sản văn hóa được công nhận, ba niềm vui trong năm Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đó là vinh dự, niềm tự hào và cũng là trọng trách của chính quyền và nhân dân Thủ đô hôm nay.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/van-hoa/tin-chung/n-i-l-ng-h-n-nui-song-nghin-n-m-1.284651