Nỗi khổ mẹ chồng khi nàng dâu Tiến sĩ... về ăn tết

Mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu bao đời nay vẫn luôn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. Trước đây, mẹ chồng là cụm từ khiến các cô gái sắp về nhà chồng phải đắn đo, lo ngại. Nhưng thời nay, bên cạnh những chuyện mẹ chồng khiến con dâu khốn khổ thì cũng không ít trường hợp con dâu khiến mẹ chồng 'sợ mất mật'dù rằng chỉ chung nhà có mấy ngày Tết…

Con dâu trừng mắt, mẹ chồng cum cúp làm theo

Họ hàng, làng xóm không còn xa lạ gì với cảnh chiều 30 Tết bà Vân (Giao Thủy, Nam Định) ra tận đầu ngõ tươi cười chào đón rồi khệ nệ xách túi quần áo ngay khi nàng dâu sang chảnh vừa từ ô tô bước xuống. Không ít người còn kể, bà bao giờ cũng là người mở lời trước, trong khi Thanh Hoa - con dâu bà chỉ gật đầu đáp lại.

Đã thành thông lệ, trước khi về ăn Tết, Thanh Hoa thường gọi điện “chỉ đạo” mẹ chồng qua điện thoại. Nào là phải lau chùi nhà cửa sạch sẽ, giặt dũ chăn màn, giường chiếu cho thơm tho, thay ga, gối mới. Nào là phải để dành bể nước mưa cho mẹ con cô tắm chứ nước giếng khoan vừa vàng, vừa có mùi tanh… Bởi vậy, việc đầu tiên của nàng dâu khi bước vào nhà là kiểm tra xem mẹ chồng có thực hiện triệt để sự “chỉ đạo từ xa” không.

Ảnh minh họa

Hãnh diện với cái học vĩ tiến sĩ, lại cậy mình là con nhà lá ngọc cành vàng, Thanh Hoa ra mặt coi thường bà mẹ chồng ít chữ. Cả năm mới về quê được một, hai lần nhưng bất cứ đòi hỏi nào của Thanh Hoa cũng trở thành mệnh lệnh đối với bà Vân. Bản tính vốn nhu mì, cam chịu, lại thêm nỗi mặc cảm với thông gia khi không môn đăng hộ đối, con trai lép vế vì phải ở rể, công danh sự nghiệp đang có hoàn toàn do bố vợ nâng đỡ, tạo điều kiện… bà Vân chấp nhận điều tiếng “đội con dâu lên đầu” để cho yên cửa ấm nhà. Năm đầu tiên về quê chồng ăn Tết, Thanh Hoa nhất định đòi ngủ ngoài chiếc ghế băng ở phòng khách vì chê chăn hôi, giường bẩn. Tỉ tê thuyết phục mãi mà Thanh Hoa vẫn ngúng nguẩy, chồng cô tỏ thái độ thất vọng thế là Thanh Hoa lu loa khóc lóc, đòi bỏ đi giữa đêm giao thừa, rồi lớn tiếng dọa li hôn.

Bà Vân cuống quýt níu kéo, cầu xin nàng dâu nể mặt mẹ mà tha thứ cho sự vô tâm của chồng. Chẳng phải vì đồng tình với cách hành xử của Thanh Hoa mà bởi bà không muốn tổ ấm vừa mới tạo dựng của con trai đổ vỡ, chia lìa, đứa cháu trong bụng phải chịu những tổn thương tình cảm. Hơn ai hết bà thấm thía nỗi khổ của con trẻ khi không được sống trong một gia đình trọn vẹn.

Chồng mất sớm, bà luôn cố gắng bù đắp cho con nhưng bao lần nước mắt chảy ngược vào trong khi chứng kiến đứa con trai duy nhất ngẩn ngơ đứng nhìn đám bạn đồng trang lứa hớn hở vui đùa trong vòng tay cả bố lẫn mẹ đi chúc Tết. Bởi vậy, ngay từ lần con trai đưa Thanh Hoa về ra mắt, mặc dù họ hàng ai đã từng tiếp xúc đều có chung nhận xét Thanh Hoa kênh kiệu, đáo để và khuyên bà nên phản đối, ngăn cản nhưng bà vẫn tôn trọng quyết định của con. Khi con yên bề gia thất, bà nhủ lòng sẽ không làm gì ảnh hưởng đến hạnh phúc riêng tư của chúng, kể cả phải nhận về mình chút thiệt thòi.

Được thể, Thanh Hoa ngày càng lấn át mẹ chồng. Tết về, cô chỉ ngồi một chỗ ôm con, sai mẹ chồng như sai ô sin. Trước mặt con dâu, bà Vân phải đi nhẹ, nói khẽ, làm gì cũng phải dè chừng xem ý tứ nàng dâu thế nào. Vậy mà không ít lần ngày đầu năm mới bà đã bị Thanh Hoa làm “mất mặt” khi trước sự hiện diện khách khứa nàng dâu tiến sĩ thản nhiên sai mẹ chồng mang đồ đi giặt bằng câu nói trống không hoặc trừng mắt, chép miệng vì mẹ chồng vô tình làm điều gì đó khiến cô phật ý…

Cũng sợ con dâu một phép như bà Vân, nhưng trường hợp của bà Hồng (Đông Hưng, Thái Bình) thì đó là hiện tượng “gió đổi chiều” từ thời điểm 3 năm trở lại đây khi cậu con trai út đang là sinh viên đại học bị bạn xấu rủ rê, khích bác đã sa đà vào tệ nạn cá độ bóng đá. Bị dân xã hội đen đến khủng bố tinh thần, đòi siết nợ ngôi nhà vì thằng út đã viết giấy cầm cố vay nợ… bà sốc nặng đến mức ngất xỉu phải nhập viện cấp cứu. Nhờ có nàng dâu cả đứng ra trả nợ nhà bà mới qua cơn nguy khốn. Số tiền 90 triệu chỉ đáng một cái váy hàng hiệu nàng dâu khoác trên người, chẳng thấm thía gì so với khối tài sản vài chục tỉ cô đang sở hữu nhưng với người nông dân như bà Hồng thì đó là gia tài cả đời tích cóp mới có được.

Ngày Tết, với những gia đình xung quanh là dịp con cái thể hiện lòng biết ơn, sự báo hiếu với đấng sinh thành. Còn trong gia đình bà Hồng thì hoàn toàn ngược lại. Bà luôn chịu sự xét nét, soi mói của nàng dâu độc đoán, gia trưởng, đối xử với người thân của chồng như với nhân viên dưới quyền. Từ tấm bánh chưng, đĩa xôi gấc đến bát canh măng bà nấu đều bị nàng dâu cầm đũa gẩy lên gẩy xuống chê không vừa miệng. Lọ hoa, mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên bà bày biện với tất cả tấm chân thành thì bị phê bình là không biết gì về phong thủy. Ngay cả việc bà mừng tuổi cho con cháu mỗi người 20 nghìn đồng cũng bị dâu cả chấn chỉnh. Theo ý nàng phải mừng tờ tiền màu đỏ mới tượng trưng cho sự may mắn, phát đạt và lời chúc phải chuẩn bị thế này thế kia mới hợp lý…

Trước những tràng dài giáo huấn của con dâu, bà Hồng chỉ biết cười gượng thốt lên: “mẹ xin tiếp thu”. Tội nghiệp nhất là cảnh hễ bà nhẹ nhàng góp ý về chuyện ngày Tết không nên mắng chửi, đánh đập bọn trẻ thì y như rằng nàng dâu nổi trận lôi đình, sỗ sàng “cảnh cáo”: “Mẹ biết gì mà nói. Đấy không phải là trách nhiệm của mẹ nên tốt nhất hãy ra chỗ khác, đừng có can thiệp vào. Đến bố nó còn chẳng dám ho he mỗi lần con dạy dỗ bọn trẻ nữa là. Tết nhất mà hư đốn cũng bị phạt, bị ăn đòn”. Ngay cả khi có mặt người ngoài nàng dâu vẫn toang toác khiến bà Hồng chỉ còn cách lủi thủi đi xuống nhà dưới, lấy tay áo gạt vội những giọt nước mắt tủi hờn. Chẳng phải bà dốt nát, đuối lý không biết đáp trả lại mà vì nể, vì chịu ơn nên phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Nàng dâu đanh đá, “coi trời bằng vung” ấy không chỉ là chỗ dựa kinh tế của gia đình bà lúc xảy ra sự cố mà còn đang là lãnh đạo, là người cưu mang cậu út “nghịch tử” nhà bà. Lúc bà đau ốm nằm viện mọi chi phí cũng đều do cô ấy gánh vác. Tủ lạnh, ti vi, các vật dụng có giá trị trong nhà cũng đều do cô ấy sắm thứ mới hiện đại hơn nên thải ra, chuyển về quê cho mẹ chồng dùng. Mà mỗi năm dâu cả cũng chỉ ở nhà có mấy ngày Tết nên bà nhẫn nhịn, chịu đựng một chút có sao đâu. Bà phản ứng lại thì đâu chỉ thằng út mất chỗ bấu víu mà cậu cả cũng nguy to. Nghĩ vậy nên bà răm rắp làm theo những đòi hỏi, yêu cầu của nàng dâu.

Sáng sớm mồng 1 Tết, nàng dâu than thèm bắp ngô, bà Hồng lặng lẽ phóng xe sang làng bên nói khó với người chị họ để cho chục bắp rồi mang về hì hụi luộc bưng lên tận bàn phục vụ. Ngày hôm sau con dâu bảo thích ăn sắn, bà lại lùng sục tìm mua bằng được. Dường như Tết đối với bà không gì quan trọng hơn việc làm vừa lòng nàng dâu. Con trai bà tiếng là giám đốc công ty xây dựng lớn, đi đâu cũng ăn mặc bảnh bao, có lái xe riêng đưa đón, nhưng thực chất chỉ là công bộc cho nhà vợ. Tất cả các mối quan hệ làm ăn cũng như tài chính đều do cô vợ nắm giữ, anh chồng chỉ có quyền hành trên giấy tờ mà thôi.

Bởi vậy, ngay cả việc nhỏ như góp giỗ, thăm hỏi người thân đau ốm, mua quà Tết… anh chồng đều phải thông qua và chỉ khi có cái gật đầu đồng ý từ phía vợ mới dám thực hiện. Tết tiếng là ở quê mình, nhà mình nhưng sắp cỗ món gì, có mời ai đến không, đi chúc Tết giờ nào đều do nàng dâu quyết định, mẹ con bà Hồng cứ thế mà thực hiện theo. Nhìn vào mối quan hệ mà ở đó các giá trị đạo đức bị đảo lộn ấy, mọi người xung quanh nhận xét rằng trong nhà bà Hồng nàng dâu mới là người cầm trịch, mới là “mẹ chồng xịn”.

Hệ lụy của việc hoán đổi vị trí giữa “mẹ chồng - nàng dâu”

Theo các chuyên gia tâm lý, hiện tượng mẹ chồng khúm núm, nể sợ nàng dâu thường xảy ra ở những gia đình mà người con dâu nắm chủ quyền về kinh tế, kiếm được nhiều tiền hơn bạn đời. Bà mẹ chồng trong trường hợp này thường là người nhu mì đến mức cam chịu, sẵn sàng nhận về mình những hi sinh để cuộc sống riêng tư của con trai được bình yên. Ngoài ra, nguyên nhân mẹ chồng “thất thủ” có thể do nàng dâu cao tay, nắm rõ “điểm yếu” của mẹ chồng để đối phó. Ví như mẹ chồng coi trọng cháu đích tôn, nàng dâu vin vào đó để ngầm đưa ra quy tắc nếu bà không biết điều sẽ không cho đụng đến con mình. Mẹ chồng chỉ có duy nhất một cậu con trai nên ra sức vun vén cho hạnh phúc của con thì nàng dâu hễ phật ý lại dọa li hôn. Mẹ chồng không có lương hưu, cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào con cái thì nàng dâu đe cắt viện trợ...

Người con trai trong những gia đình có sự hoán đổi vị trí giữa “mẹ chồng - nàng dâu” chắc chắn là không có tiếng nói, vai trò đối với vợ, thậm chí còn bị vợ lấn át, bắt nạt. Thái độ thiếu tôn trọng mẹ chồng đôi khi là sự phản ánh gián tiếp sự coi thường chồng. Phụ nữ thời nay ngày càng độc lập, tự chủ hơn về kinh tế, nhiều chị em đóng vai trò trụ cột trong nhà, chồng luôn bị phụ thuộc nên phải chấp nhận ở “thế yếu”, phải phục tùng sự “chỉ đạo” của vợ. Nhiều đấng mày râu thương mẹ, không bằng lòng với cách hành xử của bạn đời nhưng chẳng dám ra mặt phản đối vì nhu nhược, sợ vợ, không muốn dây vào “tổ kiến lửa”.

Bên cạnh đó, hiện tượng mẹ chồng khúm núm trước nàng dâu có thể xuất phát từ sự thiếu hiếu thảo của người con trai. Nếu người đàn ông không lễ phép, yêu thương, tôn trọng đấng sinh thành thì đừng bao giờ mong nàng dâu đối xử tốt với mẹ chồng. Và hệ lụy của sự trái khoáy đó không chỉ là nề nếp, gia phong trong gia đình bị coi nhẹ, mà còn hủy hoại truyền thống tốt đẹp “cây có cội, nước có nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” vốn đã thành lẽ sống của dân tộc ta.

Ảnh minh họa

Thời nào cũng vậy, suy cho cùng, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu thuộc về đạo lý và theo quan niệm của dân gian đó là cái nợ đồng lần. Tôn trọng mẹ chồng chính là tôn trọng chồng, tôn trọng chính mình và là tấm gương để con cái soi vào, để những người xung quanh đánh giá về phẩm chất đạo đức của người phụ nữ. Bởi vậy, dù quan hệ mẹ chồng - nàng dâu còn có những khúc mắc, bất hòa cũng nên gác lại, để Tết nguyên đán là những ngày báo hiếu, là dịp đoàn tụ gia đình đầm ấm, vui vẻ.

Hà Linh

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/noi-kho-me-chong-khi-nang-dau-tien-si-ve-an-tet-d196711.html