Nỗi khổ của cha mẹ 8X, 9X: Quay cuồng giữa cơn bão tài chính và sự cô độc chẳng biết kêu ai

Chi phí ngày càng gia tăng, thế hệ trẻ ngày càng 'lười' đẻ, tất cả đều dẫn đến những khó khăn trùng trùng mà các bậc cha mẹ 8X, 9X trên thế giới đang phải trải qua.

Kyle Taylor không có được cả một "ngôi làng".

Chàng trai 26 tuổi đến từ Alabama và bạn gái của anh rất vui mừng khi con gái họ chào đời cách đây 1 năm, nhưng giờ đây họ cảm thấy hơi lạc lõng. Để kiếm sống, Taylor đã dành rất nhiều thời gian cho công việc. Trong khi bạn gái ở nhà, lịch trình của Taylor và nhu cầu của đứa bé đã khiến họ căng như dây đàn.

Vấn đề là, không ai trong số bạn bè của Taylor là cha mẹ và hầu hết đều không có kế hoạch sinh con, khiến họ càng không biết phải làm thế nào để xoay xở với một đứa trẻ sơ sinh. Từ khi còn bé, Taylor luôn nghe nói về câu tục ngữ "Cần cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ". Bây giờ khi đã thực sự có một đứa trẻ, anh nhận ra rằng xung quanh mình chẳng còn ngôi làng nào nữa.

"Chúng tôi có cảm giác mất kết nối. Mọi người chẳng ai nghĩ đến việc 'Làm sao để giúp đỡ bạn bè mình đây'. Đúng hơn, tôi nghĩ họ biết ơn vì họ không ở trong hoàn cảnh như tôi là phải chăm sóc ai đó", anh nói.

Các bậc cha mẹ thuộc thế hệ Millennial và Gen Z (sinh năm 1981- đầu 2000) đang cảm thấy mình bị cô lập. Trong nhiều trường hợp, họ rời xa gia đình để tìm kiếm một công việc được trả lương cao hoặc tiền thuê nhà rẻ hơn. Nhưng kể cả ông bà nội ngoại ở gần, họ thường vẫn đang làm việc và không có thời gian chăm sóc các cháu.

Ngoài xã hội, nhiều người trẻ không đủ khả năng tài chính hoặc quyết định không sinh con, khiến họ khó hiểu nổi những người bạn mới làm cha mẹ của mình đang phải đối mặt với những gì. Chưa kể, việc nuôi dạy con cái ngày càng trở nên tốn kém, làm tăng thêm gánh nặng kinh tế cho những lo lắng của họ.

Taylor bộc bạch: "Chúng tôi đã bị bỏ lại với một đống đổ nát của nền kinh tế ở Mỹ. Khó khăn lắm. Thực sự rất khó sống chỉ trông chờ vào đồng lương, giống như hầu hết mọi người, chưa kể không nhận được sự thấu hiểu hay hỗ trợ từ bạn bè đồng lứa".

Làm cha mẹ ngày càng đắt đỏ

Thế hệ Millennials tại Mỹ đã dành 2 thập kỷ qua để cố gắng tìm kiếm chỗ đứng trong nền kinh tế của mình - hai cuộc suy thoái, một cuộc khủng hoảng nợ đại học, một đại dịch và thị trường lao động tồi tệ nhất trong nửa thế kỷ đã không hề dễ dàng. Nhưng họ và thế hệ Gen Z phía sau cuối cùng đã bắt kịp các thế hệ trước về thu nhập, theo Jean Twenge, nhà tâm lý học và là tác giả của cuốn sách "Các thế hệ: Sự khác biệt thực sự giữa Gen Z, Millennials, Gen X, Boomers và Thế hệ im lặng - và Chúng có ý nghĩa gì đối với tương lai của nước Mỹ".

Twenge nói: "Tin tốt là thu nhập trung bình của người trẻ tuổi đang ở mức cao nhất mọi thời đại, ngay cả khi được điều chỉnh theo lạm phát. Và điều đó một phần là do ngày càng nhiều người trẻ đã học đại học và lấy bằng đại học".

Nhưng trong khi thu nhập của họ tăng lên thì giá cả của tất cả các loại nhu yếu phẩm cần thiết cho việc nuôi dạy trẻ em thậm chí còn tăng vọt hơn. Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, chi phí chăm trẻ đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1991, và nghiên cứu của các nhà kinh tế tại Bank of America cho thấy tính đến tháng 9, một gia đình trung bình chi hơn 700 USD/tháng (17 triệu đồng) cho việc chăm con cái, cao hơn 32% so với năm 2019.

Một báo cáo từ Bộ Lao động đã phát hiện ra rằng hệ thống chăm sóc trẻ em đang thiếu vốn, dựa vào "các gia đình quá tải và nhân viên chăm sóc trẻ em được trả lương thấp" - khiến việc chăm sóc trẻ em ở hầu hết mọi nơi trên nước Mỹ đều quá đắt đỏ.

Báo cáo công bố vào tháng 1 cho biết: "Giá chăm sóc trẻ em là không thể chấp nhận được đối với các gia đình thuộc mọi loại hình chăm sóc, nhóm tuổi và quy mô dân số".

Nhưng không chỉ chi phí chăm trẻ ngày càng đắt đỏ. Kể từ năm 1997, giá thức ăn trẻ em và sữa công thức đã tăng hơn gấp đôi, và dữ liệu của NielsenIQ cho thấy giá tã lót đã tăng gần 22% từ năm 2018 đến năm 2022.

Điều này phần nào giải thích tại sao thế hệ trẻ lại chậm trả nợ. Những người từ 18 đến 29 tuổi ở Mỹ đang phải đối mặt với số nợ sắp đến mức quá hạn nghiêm trọng cao gấp đôi so với những người ở độ tuổi từ 50 đến 59 và 60 đến 69.

Lấy ví dụ, một gia đình ở thành phố New York chỉ có một con nhỏ sẽ phải bỏ 300.000 USD (khoảng 7 tỷ) mỗi năm cho chi phí chăm sóc trẻ để đáp ứng các tiêu chuẩn về khả năng chi trả của liên bang. Chưa kể, phụ nữ ngày càng có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn nên họ cũng phải đánh đổi thời gian chăm con để cống hiến nơi công sở.

Taylor thừa nhận sau khi sinh con gái, công việc và tiền lương của anh không thực sự thay đổi, nhưng chi phí thì có. Cả gia đình chỉ sống dựa vào đồng lương hàng tháng và đang ở trong tình trạng mà anh gọi là "xuất huyết tiền".

"Tôi có một công việc khá ổn. Sẽ tốt cho một người độc thân không có con cái. Về cơ bản là trả tiền thuê nhà và hàng tạp hóa xong thì chẳng còn đồng nào".

Sự cô độc giữa một thế hệ lười sinh con

Ngoài áp lực tài chính của việc nuôi dạy con cái hiện đại, còn có một vấn đề cơ bản khác: sự cô lập. Thậm chí định nghĩa về "cha mẹ trẻ" cũng đang thay đổi: Năm 1990, một bà mẹ trung bình ở Mỹ sinh con đầu lòng ở tuổi 27; tính đến năm 2019, độ tuổi đó đã tăng lên 30.

Một dấu hiệu chỉ ít người nghĩ tới là tần suất trẻ em đi bộ đến trường. Tỷ lệ trẻ em thường đi bộ và đi xe đạp đến trường đã giảm - từ 48% năm 1969 xuống còn khoảng 10% vào năm 2017.

Tính đến năm 2018, chỉ 16% người Mỹ trong cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho biết họ cảm thấy rất gắn bó với cộng đồng của họ. Những người Mỹ trẻ tuổi dường như đặc biệt cô đơn, khi chỉ có 8% trong số những người từ 18 đến 29 tuổi nói rằng họ rất gắn bó với cộng đồng địa phương và 13% trong số những người ở độ tuổi 30 đến 49 cảm thấy tương tự.

Việc thiếu cảm thông và hỗ trợ thậm chí còn bắt đầu ảnh hưởng đến quyết định của những người trẻ tuổi về việc có nên lập gia đình hay không. Hơn một nửa Gen Z và 47% Milennials được Deloitte khảo sát vào cuối năm 2022 cho biết họ kỳ vọng việc lập gia đình sẽ trở nên khó khăn hơn - hoặc hoàn toàn không thể.

Sự vô vọng này càng làm tăng thêm sự tan hoang của "ngôi làng". Twenge cho biết, vì các bậc cha mẹ trẻ giờ đây là "ngoại lệ chứ không phải là quy luật", tỷ lệ những người có cùng trang lứa trải qua cùng giai đoạn nuôi dạy con cái đã giảm xuống.

Trong vài năm qua, tỷ lệ sinh ở những người từ 40 đến 45 tuổi đang dần tăng lên; thậm chí còn rõ ràng hơn ở những người ở độ tuổi từ 35 đến 39. Đồng thời, tỷ lệ sinh ở những người ở độ tuổi từ 20 đến 34 đều giảm.

Gần đây, Hạ nghị sĩ Brittany Pettersen của Colorado, một thành viên thuộc đảng Dân chủ thuộc thế hệ Milennials có con nhỏ, đã có thể trải nghiệm kiểu "ngôi làng chăm trẻ" mà ngày nay quá hiếm. Khi cô đến thăm nhà một người bạn, cả khu nhà tập trung xung quanh một khu vực chung có sân chơi, bãi cỏ và những chiếc bàn để trẻ em có thể vui chơi.

Cô kể: "Mọi người ra ngoài mang theo thức ăn và giúp đỡ nhau trông con". Theo Petterson, thế hệ của cô đang phải đối mặt với "rất nhiều chính sách thất bại" đã dẫn đến việc một ngôi làng như thế có cảm giác nằm ngoài tầm với.

Vậy tại sao những ngôi làng chăm trẻ này lại hiếm đến vậy? Pettersen đổ lỗi cho các chính sách thuế thất bại: "Khi chúng ta tiếp tục cắt giảm thuế cho những người giàu nhất và không tái đầu tư trở lại cộng đồng cho các dịch vụ quan trọng nhằm tạo sân chơi bình đẳng cho những người dân bình thường, chúng ta sẽ tiếp tục thấy khoảng cách cơ hội này ngày càng tăng".

Đó là chưa kể, thế hệ trẻ ngày nay vốn đã dành ít thời gian hơn cho người khác, lại còn đang trải qua tỷ lệ trầm cảm cao hơn, cùng với các hoạt động vui chơi ngày càng trở nên ngoài khả năng tài chính. Giờ đây, việc thiếu một nhóm cha mẹ đồng trang lứa chính là một đòn đánh mạnh càng tác động lên tâm lý ngại có con của họ.

Dù thế, những bậc cha mẹ trẻ vẫn đang tràn đầy hy vọng.

Hạ nghị sĩ Becca Balint, một đảng viên Đảng Dân chủ đến từ Vermont, có đứa con đầu lòng khi bà khoảng 39 tuổi cho biết các chính sách như tín dụng thuế dành cho trẻ em và giảm bớt gánh nặng cho vay sinh viên - cùng với đó đầu tư vào nhà ở giá rẻ và dịch vụ chăm sóc trẻ em - có thể giúp giải quyết một số thách thức của các bậc mẹ.

Pettersen nói, thực tế trước đây là mỗi thế hệ ở Mỹ sẽ có điều kiện tốt hơn thế hệ trước. Điều đó không còn đúng nữa. Cho đến những năm 1970, một gia đình Mỹ điển hình phải mất 23 năm để tăng gấp đôi thu nhập của họ - mỗi thế hệ một lần. Tính đến năm 2021, phải mất hơn 100 năm.

Ngay cả với những khó khăn kinh tế đi kèm, Taylor vẫn nhận thấy vai trò làm cha mẹ có tính chất biến đổi lớn lao. Anh nói rằng anh đã trở nên đồng cảm với người khác hơn rất nhiều.

Anh chia sẻ: "Tôi thích cảm giác kết nối mà tôi có được với các bậc cha mẹ khác, những người tôi gặp ở nơi công cộng, ngay cả khi tôi không biết họ".

Tất nhiên, Taylor tôn trọng bất cứ ai quyết định rằng việc làm cha mẹ không dành cho họ. Nhìn rộng ra, anh cho rằng hệ thống kinh tế Mỹ đang không tương thích với việc mang lại cho người dân sự hỗ trợ thực sự mà họ cần.

Taylor nói: "Nếu bạn vô cùng mong muốn có một đứa con, nuôi dưỡng một gia đình - một mong muốn bẩm sinh như vậy ở rất nhiều người - thì bạn nên có cơ hội để làm điều đó, và điều kiện sống không nên trở thành rào cản của bạn".

Nguồn: Insider

Thạch Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/noi-kho-cua-cha-me-8x-9x-quay-cuong-giua-con-bao-tai-chinh-va-su-co-doc-chang-biet-keu-ai-20231120234402494.htm