Nỗi đau phẩm hạnh của nữ phạm nhân mang tội giết người

Lý Thị Mùi – người đàn bà vì phẩm hạnh, trong khoảnh khắc trở thành kẻ giết người là bi kịch đời người khiến tôi trăn trở suy ngẫm...

Chúng tôi đến Trại giam Hoàng Tiến (Chí Linh - Hải Dương) khi đơn vị gấp rút chuẩn bị cho sự kiện “Ước mơ ngày trở về” do Ban Tuyên giáo (Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam) phối hợp với Tổng cục 8 (Bộ Công an) tổ chức vào ngày 19/11. Tôi đã gặp rất nhiều mảnh đời éo le trong số 641 phạm nhân nữ đang chấp hành án tại đây.

Lòng tốt đặt không đúng chỗ

Án mạng được xem như hài kịch với những tình tiết ly kỳ, trớ trêu, từng làm ồn ã Thành phố Uông Bí bé nhỏ cách đây hơn 6 năm, giờ vẫn là đề tài để người ta đàm tiếu hay răn đời. Yêu râu xanh bỗng trở thành nạn nhân khi bị người đàn bà bật dậy bóp cổ, cắn vào “của quý” và dùng điếu cày nện tới tấp vào đầu. Theo hồ sơ vụ án: Nạn nhân Nguyễn Thế D. (sinh năm 1956, trú tại tổ 5, khu 8, phường Thanh Sơn, TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) tử vong trước khi được phát hiện khoảng 8 giờ, nằm dưới nền nhà không một mảnh vải che thân. Đối tượng gây án là Lý Thị Mùi (sinh năm 1970 ), hàng xóm của ông D., đã ra đầu thú ngay sau khi hay tin lão hàng xóm mất.

Tháng 11 mà tiết trời miền Bắc vẫn gần 30 độ, khiến khu làm việc của cán bộ Phân trại 1 Trại giam Hoàng Tiến đang lúc mất điện càng thêm oi nóng. Tôi day mắt, mở to, nhìn trân trối bởi không thể tin nữ phạm nhân già nua vừa được đưa tới lại là Lý Thị Mùi - người đàn bà gây sốc dư luận tỉnh Quảng Ninh một thời vì hành động kỳ quặc, dù trong quy định của pháp luật, hành động đó được xem là phòng vệ chính đáng. So với lần gặp ở trại tạm giam cách đây 6 năm thì Lý Thị Mùi trước mặt tôi hôm nay là người đàn bà lam lũ, khốn khổ, ở độ tuổi U60. Nước da tái sạm, nhăn nhúm, môi bợt bạt, quanh hai hố mắt thâm quầng, trũng sâu đùn lên chi chít những mụn tựa hạt tấm cho thấy nữ phạm nhân này quá suy sụp trong những tháng năm qua.

Phạm nhân Lý Thị Mùi.

Với tay kéo chiếc ghế cho Mùi, Thiếu tá Dương Văn Phúc, cán bộ giáo dục Phân trại 1 cho biết: “Lý Thị Mùi được Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh điều chuyển đến từ ngày 14/3/2011, mức án 12 năm với tội danh giết người. Mặc dù có ý thức cải tạo tốt nhưng hiệu quả lao động của Mùi không được như các phạm nhân khác do sức khỏe kém, đặc biệt là thị lực. Mùi ăn, ngủ kém, sống khép mình. Mùi được xếp vào danh sách những phạm nhân cô độc, bởi từ khi nhập trại, Mùi không có người thân thăm hỏi. Có thể đây là nguyên nhân khiến Mùi rất buồn, ít nói, thường lặng lẽ khóc một mình”.

Vốn là một nữ phạm nhân ngại tiếp xúc với người khác, nhưng sau khi được động viên, Lý Thị Mùi đã chia sẻ nỗi đau cuộc đời: “Tôi gốc Hoa, nhưng sinh ra tại tỉnh Quảng Ninh. Năm 1988, tôi lấy chồng ở Uông Bí, Quảng Ninh. Năm 1989, tôi phải mổ đẻ vì sinh đôi. Hai cháu đều là trai, tiếc rằng một cháu không sống được. Con mất khi vừa mới sinh nên tôi suy sụp. Năm 1995, tôi sinh lần nữa, cũng con trai. Tôi chạy chợ buôn bán, còn chồng làm xây dựng. Tuy không có nhiều đất đai, giàu có nhưng gia đình tôi khá ổn định. Mâu thuẫn vợ chồng bắt đầu nảy sinh sau khi tôi mổ u và sức khỏe yếu đi. Năm 2006 vợ chồng tôi ly hôn. Tôi nuôi thằng con thứ hai.

Lúc tự ái, tôi ký vào đơn ly hôn mà không nghĩ đến hậu quả. Sự đổ vỡ đã khiến những đứa trẻ bất hạnh nói chung và con tôi nói riêng tổn thương và trở nên đua đòi. Cháu lớn sa vào ma túy, từng phải đi tập trung cai nghiện bắt buộc. Năm 2009, vì buồn chán và suy nghĩ quá nhiều, tôi ốm, không chạy chợ được nữa. Tôi gửi con cho mẹ đẻ rồi ra Móng Cái chơi với em gái đến giữa năm 2010 mới về. Khi ấy, tôi vui vi thấy sức khỏe khá ổn. Tôi tính sẽ kiếm việc làm và tập trung chăm lo cho các con.

Nhưng ước muốn rất người ấy của tôi không được thực hiện, bởi tai họa lại một lần nữa giáng xuống đời tôi. Tôi là nạn nhân của một vụ hiếp dâm và chỉ trong khoảnh khắc lại trở thành hung thủ giết người”.

Đón miếng giấy ăn từ tay tôi thấm những giọt mồ hôi lẫn nước mắt lăn dài trên đôi gò má nhô lên đen sạm, Lý Thị Mùi chợt im lặng, đôi mắt dài dại. Khuôn mặt Mùi lúc này như đang mặc niệm ai đó mới lìa đời. Tôi im lặng nhìn nữ phạm nhân đang trở cơn xúc động khi nghĩ về quá khứ.

“Khoảng tháng 7/2010, một thanh niên đến nhà tôi thu tiền điện. Thấy anh ta cứ đi lại mấy lần mà không gặp được ông hàng xóm tên D., tôi đã nộp tiền điện giúp ông ta. Vì số tiền không đáng kể, nên tôi không nghĩ đến việc sẽ đòi lại. Chắc nghe nhân viên thu tiền điện nói lại, khi trở về, ông D. hay chào hỏi tôi. Dù biết ông D. đã ly hôn, sống độc thân, bản thân mình cũng cơm không lành canh chẳng ngọt, nhưng tôi không bao giờ nghĩ đến việc thân thiện với ông ta ngoài giữ quan hệ xã giao của người cùng xóm”, Mùi kể.

Đã trở thành tội ác

Gần 7h ngày 12/8/2010, tôi đang nhặt cỏ ở vườn thì ông D. đi mua thức ăn về. Ông ấy đứng lại hỏi thăm sao tôi không chạy chợ và không được khỏe. Tôi cũng thật thà nói rằng không đi chợ được do ốm đau và buồn chuyện đứa con đang đi cai nghiện. Biết tôi khó khăn, ông D. nói sẽ cho vay tạm ít tiền mua thuốc và bảo tôi sang nhà.

Khoảng 8h, tôi sang nhà ông D., nhưng chỉ đứng ngoài cửa nói ông cho vay 500.000 đồng rồi vội về đi có việc. Ông D. ngồi ở gian ngoài vừa pha nước vừa nói với ra: “Cô này hay nhỉ, vào nhà cho đàng hoàng chứ. Cô đi vay tiền hay đi xin lửa?!”. Tôi thấy ngài ngại vì mình đi vay tiền mà lại khiến ông D. tự ái, nên đành bước vào. Thực ra, lúc đặt chân vào nhà ông D., tôi không hề nghĩ ông ấy sẽ hãm hại tôi mà chỉ ngại người ngoài nhìn vào sẽ hiểu lầm và đánh giá.

Vừa thấy tôi bước vào, ông D. đứng lên nhanh như cắt chốt cửa lại, lao tới ôm chặt tôi. Ông D. lôi tôi vào phía trong. Tôi vừa van xin vừa chống cự quyết liệt tới hàng chục phút, nhưng vì tôi đang ốm, sức yếu nên đã bị gã hàng xóm vật xuống tấm chiếu dưới đất làm nhục.

Trấn tĩnh lại, tôi bò dậy định về thì ông D. lại một lần nữa giở trò đồi bại. Lúc ấy, tôi căm giận lão hàng xóm đến tột độ và chỉ nghĩ đến cách thoát thân. Ông D. chồm lên liền bị tôi bóp cổ. Thấy ông ta ứ nghẹn ngã xuống, tôi vội mặc quần áo định bỏ chạy. Nhưng tôi chưa kịp mặc xong đồ thì ông ta đã bật dậy túm lấy tôi. Trong lúc giằng co chống cự, tôi đã cắn vào “của quý” của ông D. mong thoát thân, nhưng ông ta càng điên cuồng. Rồi tôi vớ được chiếc điếu cày tấn công lại lão hàng xóm đốn mạt. Tôi không có ý đánh ông D. đến chết và cũng không nghĩ ông ta chết nên mau tìm cách thoát thân. Tôi về nhà tắm gội rồi lên giường nằm, đầu óc mê man như sốt cao. Đến chiều, khi nghe tin ông D. đã chết trong tư thế “nuy”, tôi biết đời mình coi như chấm hết.. Điều duy nhất tôi có thể nghĩ được lúc đó là lặng lẽ tìm đến cơ quan công an…”.

Mùi thở dài, tựa lưng vào thành ghế, vẫn cái giọng ngào ngạt: “Tôi suy sụp kể từ khi bước chân vào trại tạm giam. Mất ngủ, khóc nhiều, giờ mắt tôi nhìn không rõ. Điều khiến tôi buồn nhất là người thân, đặc biệt là hai đứa con không hề đến thăm tôi. Duy nhất một lần trong phiên tòa sơ thẩm đầu năm 2011, mẹ đẻ tôi đến dự tòa. Tôi bị kết án 12 năm. Tôi không làm đơn kháng cáo, cũng không hy vọng được giảm án bởi tôi lao động kém và khoản tiền hơn 90 triệu đồng án phí, bồi thường tôi không có khả năng nộp được”.

Trưa đứng bóng, Mùi lóng ngóng chụp chiếc nón gãy vành lên đầu rồi theo cán bộ quản giáo trở về buồng phạm nhân. Tôi nén tiếng thở dài cám cảnh cho một thân phận đàn bà. Trong bản án, Mùi có tên là kẻ giết người. Còn với tôi, tôi nhìn Mùi với ánh mắt của sự cảm thông đàn bà, dù hành động của Mùi không thể chấp nhận được. Tôi về, suốt chặng đường dài oi ả, vẫn miên man những tâm sự của Mùi: “Sự đời vốn phức tạp, đầy rẫy những gian trá mà tôi thì rất tin người. Người ta phạm tội vì thù tức, vì tiền bạc, còn tôi mang tội danh giết người bắt đầu là sự tử tế. Giá như tôi không nộp tiền điện cho ông ta. Có nhiều người phụ nữ coi chuyện ly hôn hay chuyện tặc lưỡi với người đàn ông khác là bình thường, nhưng với tôi thì khác…”.

Chẳng riêng mình tôi hiểu, ở khía cạnh phẩm hạnh, Mùi đã đúng.

H.Nguyên/GĐ&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/noi-dau-pham-hanh-cua-nu-pham-nhan-mang-toi-giet-nguoi-p42895.html