Nỗi đau của người dân miền Tây trong mùa hạn mặn

Hạn mặn kéo dài và diễn biến phức tạp không chỉ tàn phá diện tích lúa, hoa màu của người dân mà còn kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác, một trong số đó là tình trạng khan hiếm nước nặng nề.

Thấp thỏm nỗi lo mùa hạn mặn

Những ngày hạn mặn lên đỉnh điểm, độ mặn trong nội đồng tăng cao khiến nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, trồng trọt, chăn nuôi tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trên địa bàn tỉnh Bến Tre, hạn mặn gây thiệt hại hàng trăm ngàn ha lúa, chỉ tính riêng huyện Ba Tri có khoảng 124 ha lúa vụ Thu Đông và 4.000 ha vụ lúa Đông Xuân đối mặt với nguy cơ chết trắng.

Không những vậy, mặn xâm nhập sâu còn khiến nguồn nước vào nhà máy bị ảnh hưởng và nguồn nước cung cấp cho người dân cũng bị nhiễm mặn từ 2,6-8,3g/l. Theo thống kê, tại huyện Ba Tri có hơn 20.000 hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt, trong đó 10.000 hộ dân thiếu nước dùng trong ăn uống. Tại xã An Bình Tây (huyện Ba Tri) có 60% trên tổng số 3.500 hộ sử dụng nước máy, còn lại các hộ dân phải đổi nước ngọt từ bên ngoài để phục vụ ăn uống, sinh hoạt.

Không chỉ có ngành trồng trọt bị ảnh hưởng mà ngành chăn nuôi, thủy sản cũng bị đe dọa bởi hạn mặn. Có hơn 1.000 ha nuôi nghêu của 3 Hợp tác xã với hơn 9.400 hộ xã viên bắt đầu có hiện tượng chết.

Tình trạng hạn mặn diễn biến phức tạp tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

Tại tỉnh Tiền Giang, do ảnh hưởng của 3 kỳ triều cường từ tháng 1 đến tháng 3 kết hợp với gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh đã làm độ mặn trên sông Tiền, sông Vàm Cỏ, sông Hàm Luông tăng nhanh. Hơn 36.000 ha vùng cây ăn trái chịu ảnh hưởng trực tiếp của hạn mặn thuộc phía Nam Quốc lộ 1A. Trong đó, hơn 24.000 ha diện tích cây ăn trái mẫn cảm với mặn cần được bảo vệ là sầu riêng, cây có múi, vú sữa, thanh long…

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến hết tháng 05/2020, dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công về đồng bằng sông Cửu Long ở mức thấp so với TBNN từ 10-20%. Sau ngày 15/03, xâm nhập mặn ở sông Cửu Long có xu thế giảm dần nhưng vẫn ở mức cao đến cuối tháng 03; xâm nhập mặn ở sông Vàm Cỏ sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến cuối tháng 04, đầu tháng 05.

Người dân mua nước ngọt về để phục vụ ăn uống, sinh hoạt

Hạn mặn diễn biến phức tạp khiến bà con nhân dân đứng trước nguy cơ “sống dở chết dở” vì không đủ nước để ăn uống, sinh hoạt. Trước thực trạng trên, nhiều giải pháp hữu ích đã được triển khai để kịp thời ứng phó với hiện tượng khắc nghiệt của thiên nhiên.

Chủ động sống chung với hạn mặn

Từ lâu, hạn mặn không đơn thuần là hiện tượng khắc nghiệt của thiên nhiên mà đã trở thành phép thử đo lường sức chịu đựng của con người. Trước kia, mỗi đợt hạn mặn đến, người dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ra sức tìm đủ giải pháp để đối phó nhưng những năm trở lại đây, hiểu được đây là thực tế khó xoay chuyển nên người dân đã chủ động tìm các phương án để sống chung với hạn mặn.

Từ những ngày đầu, khi có thông tin dự báo về tình trạng hạn mặn, những người đứng đầu các địa phương đã chủ động tham mưu, khuyến cáo bà con nhân dân không sản xuất lúa vụ 3 và chăm sóc cây trồng trong điều kiện hạn mặn. Cụ thể, tại tỉnh Tiền Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị bà con không xuống giống sau ngày 10/03, đối với các khu vực có độ mặn duy trì ở mức cao (trên 1g/l) thì thực hiện cắt vụ Xuân Hè để chuyển sang sản xuất vụ Hè Thu 2020.

Nhằm hạn chế tình trạng khan hiếm nước trong mùa hạn mặn, các nhà vườn đã chủ động đào kênh, mương để trữ nước, đồng thời, sử dụng các nguồn vật liệu hữu cơ như rơm rạ, lục bình, cỏ khô, màng phủ nông nghiệp phủ gốc để giữ độ ẩm cho cây. Cạnh đó, các nhà vườn cũng chú trọng đến khâu chăm sóc cây như cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ hoa để hạn chế thoát hơi nước.

Chế tạo máy lọc nước để đối phó với hạn mặn

Để đối phó với hạn mặn, tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với tỉnh Long An đắp 6 đập: Đập Bà Hai Màng, Ông Nhượng, Bà Định, Thủ Cồn. La Khoa, Bến Kè và các cống trên Quốc lộ 62. Đồng thời, đắp đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành để phục vụ sản xuất trên 80.000 ha và cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 800.000 hộ dân của huyện Châu Thành, Thành phố Mỹ Tho và các huyện phía đông.

Tỉnh cũng bố trí 10 thuyền máy bơm tổng công suất 2.200 m3/h, tổ chức được 12 điểm cấp nước, vận hành 8 giếng khoan, mở 67 vòi nước công cộng để cấp nước miễn phí cho các hộ dân ven biển, ven sông chưa có nước...

Tỉnh Bến Tre đã hỗ trợ nhiều bồn nước, thùng chứa nước để cấp phát cho bà con nhân dân. Về phía huyện Ba Tri, đã vận động Tàu hải quân 200 m3, hỗ trợ tiền xe chở nước cho dân 10 triệu đồng; Tàu Quân khu 9 200m3; huy động máy lọc nước, 330 bồn nước, mỗi bồn 500l; 8 máy lọc nước công cộng, công suất 200-500l/h; 9 giếng nước công cộng (9 triệu đồng/cái). Đồng thời, huyện đã đưa vào sử dụng 56 hồ nước công cộng, 19 điểm đổi nước để phục vụ nhu cầu của người dân trong đợt hạn mặn.

Hạn mặn là câu chuyện không hồi kết ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, hy vọng rằng, bằng tinh thần tự lực tự cường cộng thêm sự chung tay, hỗ trợ của cộng đồng, tình trạng hạn mặn ở các tỉnh miền Tây nhanh chóng được đẩy lùi để bà con ổn định cuộc sống, tiếp tục phát triển kinh tế.

Kim Sáng

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/noi-dau-cua-nguoi-dan-mien-tay-trong-mua-han-man-40398.html