Nồi cám lợn năm nào

Nồi cám lợn ngày xưa nhắc nhở cho tôi sự vất vả của một thời và nó cũng cho tôi cảm nhận sâu sắc về tình thương người thân dành cho mình

Sáng nay, thức dậy lúc 4 giờ. Đang đun nước sôi để chuẩn bị cho một ngày mới bắt đầu, tôi nghe tiếng động phía ngoài đường, mở cửa thấy một phụ nữ đang khom lưng trút xô thức ăn thừa vào thùng nhựa buộc ở trên chiếc xe máy. Thương chị, tôi chào chị bằng một giọng đầy cảm thông: "Đi lấy đồ sớm thế, vất vả quá!". Chị dạ và nói: "Cảm ơn anh, quen rồi anh à!". Một cơn gió mạnh thốc vào như muốn hất cả chiếc xe máy với đôi thùng nhựa to đùng buộc phía sau yên xe. Tôi vội đóng cửa để tránh cơn gió và mưa tấp vào mặt.

Bần thần hồi lâu, tôi nhớ về nồi cám lợn, nhớ về những tháng ngày xa xưa, một tuổi thơ lam lũ, cơ cực và cả những ngày đầu tôi mới xây dựng gia đình nhỏ đầy khó khăn để bây giờ tôi có cuộc sống như ngày hôm nay; đó là những ký ức đẹp, vất vả nhưng ý nghĩa vô cùng.

Con nhà nông đông con, bố đi bộ đội nên cuộc sống gia đình tôi trăm sự đặt lên vai mẹ. Mẹ chỉ nhận từ bố niềm tự hào "vợ bộ đội", vài năm bố mới về phép một lần. Sau đó mẹ lại mang thai sinh em. Mẹ tần tảo quanh năm, nhờ vào sự giúp đỡ cưu mang của xóm giềng để nuôi đàn con khôn lớn. Ở những năm thập niên 1960, 1970, rồi 1980, một vai mẹ nuôi đàn con 7 đứa trưởng thành, quả thật là rất vĩ đại.

Tuy nhiên, trẻ con ngày đó cũng sớm biết lao động giúp đỡ công việc trong nhà, việc đồng áng. Mẹ tôi lao động quần quật bươn chải từ sáng sớm cho tận đêm khuya. Thương mẹ, chị em tôi, tùy theo lứa tuổi, chia nhau giúp mẹ những công việc mà mình có thể làm được. Anh chị thì cày cấy, gặt hái; làm công việc vừa, nhỏ hơn thì chăn trâu, cắt cỏ, trông em. Tôi thì thường đảm nhiệm việc quét nhà và cắt rau nấu nồi cám lợn. Nhà tôi nuôi hai lợn nái và mỗi lứa mấy con lợn thịt. Nuôi nhiều lợn trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình, bán được lợn là sắm quần áo, đóng học phí, mua thêm gạo và chi tiêu khác. Mà quan trọng nữa là để lấy phân bón ruộng. Ngày nào chúng tôi cũng phải nấu hai nồi cám to đủ để cho lợn ăn cả ngày. Mỗi ngày sau khi đi học về, tôi tự động mang bao, mang liềm đi cắt đầy bao rau cho lợn, với đủ các loại rồi nấu thành những nồi cám lợn.

Người làng tôi thường khen mẹ mát tay nuôi lợn nái thì sai con, lứa nào cũng đẹp, nuôi lợn thịt thì mau lớn. Lợn nái sau khi đẻ khoảng hơn hai tháng thì xuất chuồng đàn con. Lợn thịt thì nuôi tầm gần năm thì mới bán. Có phải vì ngày đó lợn ăn thức ăn sạch, không thuốc kích thích, tăng trọng, nên miếng thịt lợn khi nấu lên tỏa mùi thơm nưng nức, ăn giòn sật. Thật sự, khi nghĩ lại những tháng ngày đó, chẳng hiểu sao tôi mới 8, 9 tuổi có thể làm được những việc trên. Thật ra, phải làm vì thương mẹ, thương các anh, chị nên không làm cũng không được, họ còn có những việc khác nặng nhọc hơn.

Cũng có lẽ vì gian khó mà con người ta gắn bó với nhau hơn, nhà đông con thiếu trước hụt sau nhưng chị em tôi luôn nhường nhịn, sẻ chia từ miếng ăn, việc làm, tấm quần, manh áo. Thương yêu nhau hơn cả bản thân mình, mẹ nhịn cho con, anh chị nhịn đỡ đần bảo ban em. Cuộc sống khó khăn mà êm đềm bên nhau cho đến khi trưởng thành rời gia đình để lại tình thương vô bến bờ.

Lớn lên, xây dựng gia đình riêng ở cuối thập niên 1980 công việc nuôi lợn cũng mang lại thu nhập chính cho gia đình bé nhỏ của tôi. Nồi cám lợn ngày xưa nhắc nhở cho tôi sự vất vả của một thời và nó cũng cho tôi cảm nhận sâu sắc về tình thương người thân dành cho mình.

Bây giờ, người ta nuôi lợn theo hướng công nghiệp, trang trại. Thức ăn cho gia súc, gia cầm chủ yếu ra cửa hàng mua. Khi hình ảnh người phụ nữ chăm chỉ cặm cụi đi gom thức ăn thừa về nuôi lợn gợi cho tôi nỗi lắng lòng cảm thông nhớ về ký ức xưa. Trong ký ức ấy, những sợi khói bếp và nồi cám nghi ngút khói đọng lại kỷ niệm đong đầy không thể nào quên.

Nguyễn Bá Thuyết

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phong-su-but-ky/noi-cam-lon-nam-nao-20230404214600458.htm