“Nỗi buồn tốc ký” hay niềm thơ nao nức tuổi xế chiều

(Vài suy nghĩ về bộ thơ hai tập "Nỗi buồn tốc ký" của nhà thơ Hồng Thanh Quang, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn 2013)

Qua cái tuổi tri thiên mệnh được một năm, nhà thơ Hồng Thanh Quang gom góp, chọn lọc một phần đáng kể từ hành trình thơ trên dưới 30 năm của mình để làm thành bộ thơ hai tập dày tới gần 900 trang, với cái nhan đề không hề vô ý: “Nỗi buồn tốc ký”.

Nỗi buồn, thì đã hẳn. Vì từ trong căn cốt của giống loài thi sĩ tự cổ chí kim, niềm vui vốn là thứ vật liệu không mấy khi gợi được hứng cho thơ. Nhưng tại sao lại tốc ký? Tốc ký là ghi nhanh, ghi ngay, chạy đua với thời gian. Vì sợ không ghi sẽ không kịp. Vì sợ để lâu có lẽ sẽ quên điều cần phải nhớ. Vậy là, với hành vi tốc ký nỗi buồn, có thể nói, Hồng Thanh Quang đã lập lờ hé lộ hai vết hằn trong tâm thức: Sự trân trọng nỗi buồn và sự sợ hãi chứng quên. Hai vết hằn ấy - nói cho đúng, hai mà là một, vì sợ quên ở đây cũng chính là sợ quên nỗi buồn - theo tôi, là dấu hiệu của một niềm thơ nao nức tuổi xế chiều.

Thường thì, ở tuổi xế chiều, khi đã nếm khá đủ các vị ngọt ngào và đắng đót của chén đời, khi đã bắt đầu nghe tiếng thời gian nhỏ giọt hối thúc, khi đã cảm nhận được sức nặng của "khói sương dần phủ trên đầu", con người ta ắt sẽ nghĩ nhiều đến cái gọi là sự tồn tại nối dài của mình trong mai hậu. Nó được cụ thể hóa, gần gặn nhất, ở lời dặn dò tới những đứa con, hoặc ở sự suy tư về/ trước những đứa con. Nhiều người hẳn còn nhớ bài “Xuân nhật thị chư nhi” nổi tiếng của thi hào Nguyễn Khuyến. Trong văn bản rõ là một bức chúc thư ấy, cụ Tam nguyên Yên Đổ đã cắt đặt mọi việc cho con cái trong nhà, rằng phải làm sao, làm sao khi cụ qua đời, rất rành rẽ, chắc nịch.

Hồng Thanh Quang không phải nhà Nho, nên viết cho con, viết về con, anh không thể có được cái giọng khủng khỉnh trưởng thượng dội từ trên xuống như thế. Trái lại, anh thủ thỉ, như muốn chia sẻ, như thể tự nói với chính mình qua nếp gấp thời gian. Đây là tiếng lòng của người cha khi cùng đứa con trai 5 tuổi đi bộ đón giao thừa: “Hai cha con mà quá đủ đầy/ Hai cha con mà vô cùng thiếu vắng/ Tôi cười cho con vui nhưng thấy lòng cay đắng/ Trước líu lô ngộ nghĩnh giọng con mình/ Phút thiên nhiên chuyển mùa pháo hoa sáng trời xuân/ Những rực rỡ tan nhanh còn lại là bóng tối/ Tôi dắt tay con thấy nhịp tim hóa vội/ Tôi sẽ kịp làm gì cho đỡ nhọc đời con” (Khai bút xuân Ất Dậu). Và đây, khi nhà thơ “Viết cho con gái Linh Vân”: “Cha bế con lên nhẹ như nghĩa vụ/ Nặng cũng như nghĩa vụ/ Con còn chưa nhận ra cha/ Chưa biết nhìn/ Chưa biết cảm/ Chưa biết u ơ/ Đôi môi nhỏ xinh như hai cánh hoa hồng chiêm chiếp/ Cha ngắm con hoài không chán/ Thêm cảm thấy mình có lỗi/ Trước mọi người phụ nữ đang sống ở trần gian”.

Chẳng có mấy người cha, khi bế đứa con gái bé nhỏ của mình trên tay và nhìn ngắm nó, lại có những suy nghĩ kiểu này. Nhưng điều chắc chắn, người cha có thể nói những lời như thế phải là người cha đã trải qua bao cơn ấm lạnh, bao nỗi đoạn trường, bao ký ức buồn được xây đắp từ những mảnh vỡ tình.

"Thêm thấy mình có lỗi trước mọi người phụ nữ đang sống ở trần gian" - có thể, đó chỉ là cách nói quá lên… theo kiểu thơ. Nhưng hơn một, thì cũng đã là số nhiều. Mà với Hồng Thanh Quang, dường như anh coi tất cả những ký ức buồn ấy chính là tài sản của mình, là niềm an ủi của cuộc đời mình. Vậy nên, cho dẫu có lúc anh lên dây cót tinh thần, cố dùng lý trí để tẩy trắng ký ức, thì ký ức vẫn cứ thản nhiên tồn tại theo cách của nó, đủ để nhà thơ hiểu rằng không có cái gì bị mất đi khi đã một lần xuất hiện, nữa là những người đàn bà từng đi qua cuộc đời.

Hồng Thanh Quang có một bài thơ đặt tên là “Quên”, nhưng thực ra lại là cách khác để nói về nhớ: “Quên số điện thoại trước/ Rồi môi và mắt em/ Quên cả sự bình yên/ Trong vòng ôm giông bão/ Đi lướt qua đời nhau/ Nhanh như không có thực/ Mệt như là kiệt sức/ Trái tim gầy nín thinh/ Quên hết mọi nét xinh/ Quên hoàn toàn cái dở/ Thảng hoặc ngồi chợt nhớ/ Ngón tay buồn duỗi ra/ Quên để nguôi xót xa/ Quên để thôi tội lỗi/ Nửa đêm nào buột gọi/ Thấy đời dâng sóng lên”. Hoặc một bài khác, có vẻ như bâng quơ, nhưng với cách "làm chữ" khá tinh tế, cảm giác nhớ lại trở nên đọng và da diết hơn: “Những khúc loa kèn vang sáng phố/ Hạ mới ươm vàng, nắng chớm duyên/ Sắp rồi đỏ phượng, run gió nhớ/ Ai đã yêu mình trong cõi quên” (Những khúc loa kèn vang sáng phố).

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/ktvhkh/2013/10/81766.cand