Nỗi bất hạnh của cây lúa Việt Nam

So về diện tích canh tác, về nhân lực lao động, về mức độ đầu tư trong nhiều năm qua, thì ngành sản xuất lúa gạo vượt xa so với sản xuất rau quả, nhưng so về giá trị xuất khẩu thì ngày càng thua sút. Liệu đã đến lúc Việt Nam cần đặt mục tiêu trở thành cường quốc xuất khẩu rau quả thay vì xuất khẩu lúa gạo như trước?

Một sự kiện đáng chú ý đối với ngành nông nghiệp Việt Nam trong tuần này, là việc lần đầu tiên xuất khẩu lúa gạo vốn là lĩnh vực mũi nhọn và được xem là niềm tự hào nhiều năm qua của kinh tế Việt Nam đã bị xuất khẩu rau quả qua mặt. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2016 xuất khẩu rau quả đạt 1,35 tỉ USD trong khi đó xuất khẩu lúa gạo chỉ đạt 1,32 tỉ USD.

Việc một ngành sản xuất nông sản mới nổi trong vài năm trở lại đây là xuất khẩu rau quả đã nhanh chóng vượt qua xuất khẩu lúa gạo, vốn là một trong những ngành được quan tâm đầu tư nhất trong suốt nhiều năm qua, là một vấn đề đáng suy ngẫm. So về diện tích canh tác, về nhân lực lao động, về mức độ đầu tư, ngành sản xuất lúa gạo vượt xa so với sản xuất rau quả, nhưng so về giá trị thì ngày càng thua sút. Sự vượt lên của ngành sản xuất và xuất khẩu rau quả so với lúa gạo, đang buộc Việt Nam phải nhìn lại chiến lược phát triển nông nghiệp của mình, và đã đến lúc phải nhìn thẳng vào nỗi bất hạnh của cây lúa Việt Nam.

Sự vượt trội về giá trị xuất khẩu của rau quả Việt Nam so với xuất khẩu lúa gạo đã được dự đoán sẽ sớm xảy ra. Đúng là giá trị xuất khẩu lúa gạo 7 tháng đầu năm 2016 của Việt Nam bị ảnh hưởng lớn bởi sự sụt giảm sản lượng do hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long và giá lúa gạo trên thị trường thế giới giảm, nhưng trên thực tế nó cũng không thể thay đổi xu thế trong đó sản xuất và xuất khẩu rau quả ngày càng chiếm ưu thế về giá trị.

Nhìn vào mức tăng trưởng chóng mặt của ngành xuất khẩu rau quả Việt Nam vài năm trở lại đây, chúng ta sẽ thấy việc xuất khẩu lúa gạo bị qua mặt là điều sớm muộn. Cụ thể, năm 2012 giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam chỉ mới đạt 770 triệu USD, thì sang năm 2013 nó đã đạt mức 1,04 tỉ USD, năm 2014 là 1,47 tỉ USD và năm 2015 là 2,20 tỉ USD. Chỉ trong vòng 4 năm từ 2012-2015 giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã tăng gấp 3 lần, và cứ với tốc độ tăng trưởng này xuất khẩu rau quả sẽ nhanh chóng vượt xa xuất khẩu lúa gạo về giá trị, khi mà trong vài năm trở lại đây giá trị xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam chỉ đạt bình quân khoảng 2,7-2,8 tỉ USD/năm.

Sự tăng trưởng chóng mặt về giá trị của xuất khẩu rau quả so với sự trì trệ và thậm chí có phần thụt lùi của sản xuất và xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam đang đặt ra rất nhiều vấn đề đáng suy nghĩ. Trước hết, đó là việc triển vọng tương lai của ngành xuất khẩu rau quả của Việt Nam lớn hơn rất nhiều so với của ngành xuất khẩu lúa gạo. Theo số liệu báo cáo của Tổ chức lương thực thế giới (FAO) vào năm 2010, thì độ lớn của thị trường nhập khẩu gạo thế giới chỉ là khoảng 17 tỉ USD, trong khi độ lớn của thị trường nhập khẩu rau quả thế giới lên tới 97 tỉ USD. Còn nếu tính tổng toàn bộ nhu cầu rau quả các loại (bao gồm rau quả tươi, đóng hộp, đông lạnh, sấy khô…) trên thị trường thế giới thì có thể lên tới con số 203 tỉ USD vào năm 2014, và 320 tỉ USD vào năm 2020 – theo số liệu từ báo cáo “Thị trường rau quả chế biến” do tổ chức Zion Research công bố vào ngày 16.5.2016 vừa qua.

Điều này có nghĩa là đầu tư vào sản xuất và xuất khẩu rau quả trong tương lai sẽ có hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với trồng lúa, vì nhu cầu tiêu thụ rau quả của thị trường thế giới lớn gấp 15-20 lần so với nhu cầu tiêu thụ lúa gạo, trong khi giá sản phẩm rau quả cũng cao hơn là giá lúa. Không những thị trường tiêu thụ lúa gạo đang bị co hẹp và giá trị xuất khẩu thấp, mà số quốc gia đang chen chân vào ngành xuất khẩu này lại đang tăng lên. Nếu như cách đây vài năm Thái Lan và Việt Nam độc chiếm hai vị trí số một và số hai các quốc gia xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới trong nhiều năm liền, thì giờ đây có thêm cả Ấn Độ. Giá trị xuất khẩu ngày càng giảm sút, nhu cầu thị trường thì hạn hẹp trong khi số lượng đối thủ cạnh tranh thì ngày càng tăng lên; rõ ràng, tiếp tục đặt trọng tâm vào sản xuất và xuất khẩu lúa gạo trong thời gian tới không phải là một việc làm khôn ngoan.

Lý do thứ hai dẫn đến việc xuất khẩu lúa gạo Việt Nam sớm bị xuất khẩu rau quả qua mặt, là vì bản thân ngành sản xuất và xuất khẩu lúa gạo Việt Nam cũng đang có những vấn đề rất lớn cần phải giải quyết. Một nghịch lý vô cùng khó hiểu trong ngành sản xuất lúa gạo ở Việt Nam là chúng ta đang theo đuổi một mô hình sản xuất và xuất khẩu lúa gạo kỳ quặc và không giống ai: đặt năng suất và sản lượng lên hàng đầu, trong khi để chất lượng và giá thành xếp thứ hai. Điều này khiến cho dù Việt Nam là một trong ba quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, nhưng tính về bình quân giá cả thì lúa gạo Việt Nam luôn bán với giá thấp hơn hầu hết các nước xuất khẩu lúa gạo khác khá nhiều. Vì yếu tố chất lượng và hiệu quả kinh tế không được đặt lên hàng đầu, nên thay vì sản xuất ra các loại lúa gạo chất lượng cao và có hiệu quả kinh tế lớn để tăng giá trị xuất khẩu, thì Việt Nam lại chọn cách theo đuổi tăng sản lượng những loại lúa gạo kém chất lượng với giá thành rẻ như cho.

Cũng không khó để lý giải nguyên nhân cơ bản của tình trạng bất cập nghiêm trọng này. Theo dự thảo đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo của Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp (IPSARD) đang cho thấy việc phân phối lợi nhuận và rủi ro không công bằng giữa các đối tượng tham gia trong chuỗi. Cụ thể, nếu tính trên đơn vị xuất khẩu, lợi nhuận người nông dân nhận được chiếm 52% tổng lợi nhuận nhưng chi phí họ phải bỏ ra chiếm tới 83%, trong khi đó doanh nghiệp xuất khẩu gạo được 30% lợi nhuận nhưng chỉ bỏ ra vỏn vẹn 4% chi phí. Nói cách khác, các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo thu được tỷ suất lợi nhuận cao nhưng lại không muốn bỏ tiền đầu tư nâng cao chất lượng sản xuất lúa gạo mà chỉ muốn ăn chênh lệch. Trong khi đó, phần lợi nhuận của người nông dân nhận được là không đủ để họ có thể tự cải thiện giống lúa có chất lượng và giá trị kinh tế cao hơn. Người nông dân buộc phải tìm mọi cách để tăng năng suất bằng mọi giá để tăng thu nhập.

Điều này có nghĩa là cơ chế vận hành của ngành sản xuất và xuất khẩu lúa gạo hiện nay giữa doanh nghiệp xuất khẩu và người nông dân đang có xu hướng khuyến khích gia tăng sản lượng, và kìm hãm nâng cao chất lượng. Về lý thuyết, các doanh nghiệp xuất khẩu là người thu được tỷ suất lợi nhuận lớn cần có sự hỗ trợ và đầu tư giúp người nông dân cải thiện giống có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn, nhưng để tránh rủi ro nên chỉ dừng lại ở việc ăn chênh lệch. Năng suất lúa gạo của người nông dân càng cao, thì lợi nhuận của các doanh nghiệp này càng lớn, dù chất lượng và hiệu quả kinh tế của lúa gạo xuất khẩu có kém đi chăng nữa.

Sự bất cập này đã được khá nhiều ý kiến đề cập trong thời gian gần đây, khi lợi ích nhóm đang trực tiếp tạo ra tình trạng độc quyền, thao túng giá. Người nông dân Việt Nam bị ép buộc nâng cao sản lượng lúa gạo thay vì cải thiện chất lượng và tăng hiệu quả kinh tế. Đó là nỗi bất hạnh cho người nông dân, mà cũng là nỗi bất hạnh cho cây lúa Việt Nam, khi mà để tăng sản lượng bằng mọi giá cây lúa đã trở thành công cụ vắt kiệt đất đai tại rất nhiều khu vực nông nghiệp trọng điểm trên cả nước, chỉ vì những lợi ích mù quáng và thiển cận.

Nhàn Đàm (theo The Saigon Times, CafeF)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/noi-bat-hanh-cua-cay-lua-viet-nam-41185.html