Nồi bánh chưng đỏ lửa suốt ba thế hệ, nấu hàng vạn chiếc phục vụ Tết

Dịp Tết Nguyên đán, những nồi bánh chưng tại làng Cát Trù (huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) luôn đỏ lửa, cung cấp hàng vạn chiếc ra thị trường.

Những ngày cận Tết Âm lịch 2024, làng bánh chưng truyền thống Cát Trù (xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) luôn rộn ràng bởi những chuyến xe chở lá dong xanh mướt, những bao đậu xanh đã tróc vỏ vàng ươm cộng với những bếp củi rực lửa và hương thơm ngát của bánh chưng tỏa khắp đường làng ngõ xóm.

Là vùng đất trung du với những bãi bồi đầy ắp phù sa màu mỡ tạo điều kiện cho lá dong phát triển xanh tốt. Nhờ đó mà làng nghề gói bánh chưng Cát Trù có điều kiện phát triển và tồn tại đến tận ngày nay, người dân Cát Trù tự trồng lá dong để đảm bảo nguồn cung quanh năm.

Tại cơ sở sản xuất bánh chưng của bà Nguyễn Thị Ảnh (xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ), từ ngày rằm tháng Chạp đến nay bất kể ngày hay đêm đều có hàng chục người thợ cần mẫn làm bánh chưng phục vụ cho nhu cầu Tết của người dân.

Gia đình bà Ảnh là một trong nhiều hộ có truyền thống lâu đời làm bánh chưng ở làng Cát Trù. Là thế hệ thứ 3 tiếp nối truyền thống này, bà Ảnh cho biết để tạo nên những chiếc bánh chưng ngon thì việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phải được đưa lên hàng đầu, tất cả nguyên liệu đều được lựa chọn loại tốt nhất và có chứng nhận an toàn thực phẩm.

Gạo được chọn là gạo nếp cái hoa vàng hoặc nếp nhung trồng ở Thái Bình, Nam Định.

Thịt lợn thường là thịt ba chỉ hoặc thịt nửa mỡ nửa nạc, các miếng thịt được thái thành từng miếng rộng khoảng 4-5 cm sau đó ướp gia vị đậm đà.

Đỗ xanh được cân đến từng lạng trước khi được vo tròn sẵn sàng làm nhân bánh chưng.

Để chiếc bánh vuông đẹp lúc gói phải đỗ trong gạo, gạo trong lá và gói chặt tay. Khi bánh chín sẽ có màu xanh dịu nhẹ của lá dong, vị thơm sánh quyện của đỗ xanh với thịt lợn, dẻo ngon của gạo nếp. Dù không gói bánh bằng khuôn nhưng bánh chưng Cát Trù vẫn được người dân cả nước đánh giá vuông vức, đều đẹp.

Anh Hoàng Văn Linh (con trai bà Ảnh) tới nay đã theo nghề làm bánh chưng được 10 năm. "Đây là nghề truyền thống của gia đình cũng như của người dân địa phương, chính vì vậy tôi mong muốn sẽ nối nghiệp truyền thống từ đời ông để lại để phát triển cho tới mai sau". Anh Linh chia sẻ.

Để đảm bảo bánh chưng không bị sống hoặc quá dừ, người thợ sẽ ghi rõ các mốc thời gian như giờ nước sôi, giờ vớt, thêm nước... trên bảng theo dõi. Trung bình mỗi mẻ bánh sẽ được luộc trong 10 tiếng.

Tết là thời gian cao điểm nhất trong năm của làng nghề làm bánh chưng Cát Trù, chính vì vậy các bếp luộc bánh chưng không bao giờ tắt lửa. Mỗi mẻ bánh sau khi luộc chính sẽ được người công nhân nhanh tay bốc dỡ, rửa nồi sau đó xếp bánh mới.

Những ngày trong năm cơ sở của bà Ảnh chỉ cần dùng 3 nồi điện để luộc bánh chưng. Dịp cận Tết như cầu tăng cao, bà Ảnh phải huy động thêm 4 nồi củi để đáp ứng nhu cầu.

Trung bình mỗi nồi chứa được khoảng 300 chiếc bánh chưng loại truyền thống hoặc 380 chiếc bánh chưng chay, mỗi chiếc có giá dao động từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng.

Bánh sau khi luộc sẽ được để nguội tự nhiên và hút chân không để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Dịp cận Tết nhà bà Cảnh mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 5.000 chiếc, số lượng bánh được sản xuất cả vụ Tết vào khoảng 50.000-60.000 chiếc và được phân phối đến khắp các chợ, siêu thị trong cả nước.

Việt Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/noi-banh-chung-do-lua-suot-ba-the-he-nau-hang-van-chiec-phuc-vu-tet-post1458172.html