Nơi ấy tuổi 20

Mấy đợt về Hàng Vịnh (huyện Năm Căn), Sắc Cò, Nhưng Miên (huyện Ngọc Hiển), người thân cứ gặng hỏi về cuộc sống ở Tây Đô của người con xứ Mũi. Ít ai hiểu hết cảnh sống xa nhà thèm khung cảnh quê, với dòng sông ngày hai lượt lớn ròng, với vệt rừng xanh mút tầm mắt và những bến cầu tàu đầy kỷ niệm. Lòng hứa một chuyến về ở lại thật lâu, để thẩm thấu hết nỗi nhớ vào từng thớ thịt.

Năm Căn: Một chặng đường bứt phá
Ðổi thay trên quê hương Ngọc Hiển

Thiệt lòng mà nói, miền đất Năm Căn, Ngọc Hiển khi giới thiệu với bè bạn phương xa, hồi đáp là sự xa lạ và ngỡ ngàng, nhưng nhắc một vài địa danh như: Ðất Mũi, Nhưng Miên, Xóm Lò, Ông Ðịnh... thì họ lại rành! Mà đất này nghĩ cũng lạ, muốn đi đến một địa danh hành chính thì phải hỏi đường bằng một tên gọi khác! Ví như muốn về trung tâm huyện lỵ Ngọc Hiển thì hỏi đường về Kiến Vàng; về xã Viên An Ðông thì hỏi đường đến Nhưng Miên; về xã Viên An thì phải hỏi đường đi Sắc Cò hoặc Ông Trang, đi Tam Giang thì hỏi đường về Chợ Thủ...

Còn nhớ năm 2008, ngày đầu mới vào nghề báo, được phân công đi huyện Ngọc Hiển phỏng vấn ngành giáo dục về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Qua điện thoại, anh Hoàng Ngọc Hùng, Trưởng phòng Giáo dục huyện chốt thời gian, hẹn ngày, giờ phỏng vấn. Y như lịch hẹn, tờ mờ sáng hôm sau tôi ôm hành trang xuôi về Ngọc Hiển.

Chỉ riêng chuyến tàu đưa đón cán bộ ngày 2 lượt từ Năm Căn đến Ngọc Hiển cũng là chuyện ly kỳ. Ðầu năm 2004, huyện Ngọc Hiển chia tách thành 2 huyện: Năm Căn và Ngọc Hiển. Trước đó, trung tâm hành chính huyện đặt ở thị trấn Năm Căn, sau chia tách, trung tâm huyện Năm Căn trưng dụng trụ sở huyện Ngọc Hiển cũ, còn huyện Ngọc Hiển mới đặt trụ sở tại Lâm ngư trường Kiến Vàng. Ða phần cán bộ huyện Ngọc Hiển có nhà và sinh sống ở Năm Căn. Ðể tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ đi làm, tỉnh có chủ trương đưa rước cán bộ ngày hai lượt đi - về từ Năm Căn - Ngọc Hiển. Sau này, ở miền châu thổ Cửu Long, miệt Hậu Giang - Cần Thơ cũng có chuyến xe buýt đưa rước cán bộ tương tự.

Chuyến đi Ngọc Hiển lần đó, tôi bị lạc đường, bởi chưa thể hình dung được đường đi như thế nào. Tôi xuống cao tốc đi Rạch Tàu - điểm đến là xã Ðất Mũi, cung đường tàu cao tốc đi không qua trung tâm huyện mà đến ngã ba sông Năm Căn, rẽ phải hướng về Ông Trang.

Vậy là anh Hùng đợi phóng viên đến sốt ruột! Mãi đến năm 2016, anh Hùng chuyển công tác về TP Hồ Chí Minh, dịp tình cờ gặp lại, tôi thố lộ, anh cười giòn giã: “Chú mầy kín tiếng, làm cả chục năm nay anh trách lầm em không giữ lời hẹn!”.

Miền đất Ngọc Hiển, tôi thực sự biết đến vài lần những năm 1990, khi theo gia đình xuống Sắc Cò chở cá về làm mắm, xẻ khô. Thời ấy, quê tôi ở vùng Thới Bình, mùa hạn kênh rạch đều được đắp đập để trữ ngọt phục vụ sản xuất. Mùa hạn kéo dài, kênh khô cạn, đi đứng khó khăn, đồng nghĩa với đó là thức ăn khan hiếm. Người cô thứ Bảy là chế ruột của ba tôi có miếng vuông mấy trăm công ở Sắc Cò, thường kể về sự trù phú của các loài thủy hải sản. Thậm chí có con nước xổ, tôm, cua và cá kèo, cá đối, cá nâu phải đổ bỏ vì không đủ nhân công để làm và vùng ấy mang đi bán cũng chẳng ai mua. Cô thấy quê tôi cảnh khó như vậy nên bàn kêu ba tôi mang xuồng xuôi miệt Viên An chở cá về chế biến thành khô, mắm bán lại.

Chiếc ghe tải trọng 6 tấn lúa mượn của nội, chiếc máy dầu D4 thời Liên Xô mượn của một người bạn công tác ở ủy ban xã; đăng ký mua mấy chục lít dầu lửa đỏ rồi đến ngày rằm đi xuyên đêm từ Chắc Băng qua Bảy Háp, ra Năm Căn về Ông Trang, Sắc Cò. Xuồng lướt qua chợ Năm Căn vào buổi hừng đông, chuyến ấy gặp nước kém. Nhìn qua mui ghe ánh trăng sáng rực soi tỏ từng dãy nhà ken nhau, lộ lên những “bộ chân cao cẳng”. Ba nói: xứ này người ta làm nhà hoàn toàn bằng cây đước! Mãi sau này tôi mới tường minh đó là loài cây được người Cà Mau tôn vinh tiên phong giữ đất.

Ghe thẳng mũi hướng về ngã ba sông Năm Căn rồi bẻ lái ngoặt phải. Ðang băng băng xuôi dòng nước từ Kênh Tắc đổ ra bỗng sựng lại, chậm dần, vì ra sông Năm Căn là con nước ngược. Ba rồ ga, tiếng máy nổ càng giòn giã và nặng hơn, làn khói đen bay ngút một đoạn dài, nhìn cảnh đủ hiểu con nước ngược chảy xiết mức độ nào! Ba bình tĩnh cầm lái để ghe đi đúng luồng, lạch. Ðây là dòng sông độc nhất ở Việt Nam, bắt nguồn từ biển và chảy ra biển, dài 58 km. Ngày nay, sông là ranh giới tự nhiên giữa huyện Năm Căn và Ngọc Hiển. Nhà tôi đi được vài chuyến cá thì không đi nữa, phần vì đường xa hiểm trở, phần bất tiện, mỗi chuyến đi phải mượn phương tiện.

Rồi nhận thức về miền đất Năm Căn - Ngọc Hiển trong tôi lắng dần theo thời gian, cho đến khi tôi là phóng viên, trở lại huyện và bị lạc đường! Thời gian công tác hơn 15 năm ở Cà Mau, dù đi qua nhiều vùng đất nhưng riêng Năm Căn, Ngọc Hiển thì chỉ đếm vài lượt trên đầu ngón tay. Giờ rời xa mới thấy tiếc, nhưng âu cũng là duyên. Về công tác ở cơ quan mới, nhiều anh em đồng nghiệp xứ Tây Ðô mỗi khi có đề tài ở Cà Mau là hú hí tôi tháp tùng. Cũng lạ, hễ về Cà Mau là định hình công tác vùng Năm Căn, Ngọc Hiển, như để bù lại.

Về lại Năm Căn, tôi tranh thủ thăm hết người thân. Hạ tầng đường bộ đã kết nối thông thoáng. Ngoài Quốc lộ 1, giờ Cà Mau có đến 5 tuyến Quốc lộ đi qua và tuyến cao tốc về Hậu Giang, Cần Thơ đang hoàn thiện. Riêng đường về Năm Căn, Ngọc Hiển thông suốt từ hơn 5 năm trước.

Cầu Năm Căn bắc qua sông Cửa Lớn, nối liền hai huyện Năm Căn và Ngọc Hiển; trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Ảnh: NHẬT MINH

Trên đoạn cuối đường Hồ Chí Minh chúng tôi qua, công trình tiếp nối công trình; di tích lịch sử được phục dựng, trùng tu để trường tồn với thời gian.

Chiều tối, dừng chân trên cầu Năm Căn, nhìn dòng xe qua mặt cầu mà lòng khấp khởi. Dù quá nhiều thay đổi, nhưng lòng người vẫn như xưa: hiếu khách, hào sảng và phóng khoáng.

Xe quay hướng về Tây Ðô, kia rồi những công trình mang tầm thế kỷ nơi chín dòng sông hò hẹn. Chợt nhớ vùng Năm Căn, Ngọc Hiển nay vừa tròn 20 tuổi. So với đời người, đây là khoảng thời gian quý nhất, thiết lập, định hình, xây dựng nền tảng cho tương lai bứt phá.

Rời "ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm”, mặc cho bao ký ức đọng lại, nói lời chào tạm biệt, nhưng với tôi, phía sau là vệt dài những cuộc hẹn sẽ trở lại nơi này...

Phong Phú

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/noi-ay-tuoi-20-a30885.html