Nobel 2010:Trước giờ tôn vinh các công trình khoa học siêu đẳng

Danh sách đề cử giải Nobel luôn được giữ bí mật. Ngay cả khi giải đã được công bố thì danh sách đề cử vẫn được giữ kín trong 50 năm. Tuy nhiên, trước thềm giải Nobel, vẫn râm ran các thông tin và các dự đoán về người thắng giải.

Năm nay, Ủy ban Nobel bắt đầu công bố các công trình đạt giải Nobel từ ngày 4/10. Như thường lệ, mùa giải sẽ mở màn với việc công bố giải Nobel y sinh học, và kết thúc với việc công bố giải Nobel kinh tế vào ngày 8/10. Giải Nobel 2010 được trao gồm huy chương, giấy chứng nhận, và một khoản tiền trị giá 10 triệu kronor Thụy Điển, hiện tương đương khoảng 1,5 triệu USD. Thông tin liên quan đến giải thưởng Nobel 2010 hiện đã bắt đầu được phát trực tuyến tại http://www.youtube.com/thenobelprize. Qua kênh này, mọi người trên toàn thế giới có theo dõi trực tiếp các buổi công bố trao giải, các buổi phỏng vấn thành viên Ủy ban Nobel, và đặt câu hỏi cho các nhà khoa học, các cá nhân, và các tổ chức đoạt giải. Thông tin về các giải thường hiện cũng bắt đầu được cập nhật qua mạng xã hội Twitter tại http://twitter.com/Nobelprize_org, và qua mạng xã hội Facebook tại http://www.facebook.com/Nobelprize.org. Nobel y-sinh học Trong 4 đề cử hàng đầu cho giải Y sinh học năm nay có hai nghiên cứu tế bào gốc. Đó là công trình đầu tiên trên thế giới về tế bào gốc của các nhà khoa học người Canada là Ernest A. McCulloch và James E. Till. Thứ hai là công trình nghiên cứu phát triển tế bào gốc nhiều đốt của nhà khoa học nữ người Nhật Bản Shinya Yamanaka. Hai đề cử còn lại là công trình phát hiện hormone leptin, liên quan đến chứng thèm ăn và béo phì của hai nhà khoa học Mỹ Douglas L.Coleman và Jeffrey M. Friedman, và công trình phát hiện vai trò của tế bào hình cây, tế bào miễn dịch hỗ trợ phát triển vaccine, chữa bệnh ung thư của nhà khoa học Ralph M. Steinman. Nobel vật lý Một trong những đề cử cho giải Vật lý là công trình chế tạo tàu thăm dò vũ trụ Wilkinson Microwave Anisotropy Probe (WMAP), một thiết bị đo đạc các bức xạ điện từ sinh ra từ thời kỳ vũ trụ sơ khai sau vụ nổ Big Bang (còn gọi là bức xạ tàn dư vũ trụ) để xác định tuổi, kích cỡ, hình dạng, và kết cấu của vũ trụ. Một nghiên cứu vũ trụ khác có thể được trao giải là công trình của nhóm các nhà khoa học Mỹ - Úc phát hiện ra vũ trụ trải dài thế nào và năng lượng tối có thể lấp đầy, ảnh hưởng đến vũ trụ ra sao. Nhà khoa học Pháp Thomas W. Ebbesen cũng nằm trong danh sách đề cử với công trình quan sát và giải thích sự lan truyền của ánh sáng qua các lỗ có kích thước nhỏ hơn bước sóng ánh sáng để tạo ra một trường photon plasmon bề mặt. Nobel hóa học Giải này được dự đoán trao cho nhà khoa học Patrick Brown của đại học y dược Stanford (Mỹ) với công trình phát minh ra DNA microarrays, còn gọi là chip ADN hay chip ứng dụng công nghệ di truyền, là một tấm thủy tinh hoặc nhựa có gắn các đoạn DNA dùng để sàng lọc mẫu sinh học. Đề cử khác là công trình của nhà nghiên cứu Stephen Lippard ở Học viện công nghệ Massachusetts (Mỹ) với việc phát hiện platinum phá vỡ DNA, tạo nền tảng điều chế thuốc trị ung thư gốc kim loại. Hai nhà khoa học Susumu Kitagawa (Nhật Bản) và Omar Yaghi (Mỹ) cũng là ứng cử viên của giải với công trình thiết kế phát triển các khung hữu cơ – kim loại dạng tổ ong được ứng dụng để trữ hydrogen và methane, hay tách lọc khí. Nobel văn chương Phần lớn các đề cử năm nay dành cho các nhà thơ. Những tên tuổi ngoài châu Âu gồm có nhà thơ Ko Un của Hàn Quốc, nhà thơ Assia Djebar của Algeria, nhà thơ Adonis của Syria, nhà văn Amos Oz của Israel. Đề cử ở Mỹ có nhà văn Philip Roth, Joyce Carol Oates, Thomas Pynchon, và Don DeLillo. Đề cử ở châu châu Âu có nhà thơ - nhà văn Tomas Transtromes của Thụy Điển, nhà thơ Ismail Kadare của Albania, nhà thơ Adam Zagajewski của Ba Lan. Những năm gần đây giải Nobel văn học thường được cho là khó đoán, với kết quả luôn gây bất ngờ , và tên tuổi được trao giải thường khá xa lạ với làng văn quốc tế. Nobel hòa bình Đây là giải duy nhất không do Thụy Điển, mà do Ủy ban Nobel Na Uy xét duyệt. Năm nay, giải có đến 237 đề cử, trong khi số đề cử năm ngoái là 205. Nhà hoạt động người Trung Quốc Lưu Hiểu Ba là ứng cử viên nặng ký nhất hiện nay. Ông là giáo sư văn chương và là một nhà thơ Trung Quốc, hoạt động cho phong trào nhân quyền. Một vài đề cử khác cho giải này là nhà hoạt động nhân quyền Svetlana Gannushkina của Nga, nhà hoạt động nữ quyền Sima Samar của Afghanistan, nhóm truyền thông Tiếng nói dân chủ của Myanmar, và thủ tướng Morgan Tsvangirai của Zimbabwe. Nobel kinh tế Ba đề cử nặng ký cho giải Nobel kinh tế đều có bóng dáng các nhà khoa học Mỹ. Nhà khoa học Alberto Alesina của đại học Harvard có công trình nghiên cứu về mối quan hệ giữa chính trị và kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các chu kỳ của kinh tế - chính trị. Nhà nghiên cứu Nobuhiro Kiyotaki (Mỹ) và John Moore (Anh) có mô hình Kiyotaki-Moore, trong đó mô tả những vụ sốc nhỏ đối với kinh tế có thể dẫn đến một chu kỳ sản xuất thấp hơn, tạo ra môi trường tín dụng hạn chế, trong đó đề cập đếnn vụ khủng hoảng nhà đất của Nhật Bản trong những năm 1990 và nêu ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái gần đây tại Mỹ. Nhà nghiên cứu Kevin Murphy, đại học Chicago có công trình nghiên cứu kinh tế xã hội, trong đó có những nghiên cứu về lương bổng kém, yêu cầu về lao động, thất nghiệp, nghiện ngập. (Theo SGTT)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/3724/201010/Nobel-2010Truoc-gio-ton-vinh-cac-cong-trinh-khoa-hoc-sieu-dang-1770941/