Giải quyết nợ xấu tiêu dùng bằng xây dựng bộ quy tắc ứng xử cho hoạt động thu hồi nợ

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết nợ xấu tại các công ty tài chính hiện khoảng 14,63%, ở mức đáng báo động. Nhiều công ty tài chính rất khó khăn, thậm chí thua lỗ do trích dự phòng rủi ro tăng cao...

Nền kinh tế gặp nhiều khó khăn khiến nợ xấu cho vay tiêu dùng đều đang có chiều hướng gia tăng, nhiều người vay nhưng cố tình bùng nợ.

Ngày 16/4 tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ban Sáng lập Hiệp hội kinh doanh Mua bán nợ tổ chức Hội thảo “Nâng cao tính lành mạnh và hiệu quả của cho vay tiêu dùng và quy định, thực tiễn thu hồi nợ”.

Hội thảo tập trung trao đổi về vấn đề thu hồi nợ cho vay tiêu dùng dưới góc nhìn toàn diện trong nước và quốc tế, các hành vi thu hồi chuẩn mực nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi nợ cho vay tiêu dùng, trên cơ sở đó, xem xét tính cần thiết xây dựng một bộ quy tắc ứng xử chung cho hoạt động thu hồi nợ cho các thành viên của thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam.

NỢ XẤU CÔNG TY TÀI CHÍNH GẦN 15%

Phát biểu tại hội thảo, ông Darryl Dong, Đại diện cấp cao IFC Việt Nam, khẳng định việc xây dựng một khuôn khổ mạnh mẽ để giải quyết nợ xấu với cách tiếp cận thực tế theo nguyên tắc thị trường là điều hết sức cần thiết để xoay chuyển tình thế nợ xấu.

Ông Darryl Dong cho rằng trong một môi trường đầy thách thức, với tình hình kinh tế toàn cầu có nhiều biến động và nợ xấu cho vay doanh nghiệp lẫn cho vay tiêu dùng đều đang có chiều hướng gia tăng, do đó, lĩnh vực cho vay tiêu dùng hiện đang trải qua giai đoạn rất khó khăn.

"Các dấu hiệu thị trường cho thấy tín dụng tiêu dùng tăng trưởng chậm lại, do ảnh hưởng bởi các khó khăn trong các ngành thâm dụng lao động, đặc biệt là trong sản xuất và xuất khẩu. Các điều kiện thị trường bên ngoài bất lợi, nhu cầu tín dụng giảm, hoạt động cho vay thắt chặt và nợ quá hạn gia tăng khiến cho tín dụng tiêu dùng bị ảnh hưởng mạnh. Tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này đã tăng đáng kể".

Ông Darryl Dong, Đại diện cấp cao IFC Việt Nam.

Đại diện IFC Việt Nam phân tích: đại dịch Covid-19 đã đẩy nhiều người có thu nhập thấp, những khách hàng chính của tín dụng tiêu dùng vào tình trạng tài chính khó khăn, giảm khả năng trả nợ.

"Gần đây còn có hiện tượng bùng nợ từ những khách hàng không trung thực, những người vay chỉ để cố tình vỡ nợ. Tất cả những điều này đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể nợ xấu tiêu dùng trong vài năm qua", ông Darryl Dong nói.

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tính đến cuối năm 2023, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống đạt khoảng 2,8-2,9 triệu tỷ, chiếm khoảng 21% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.

Đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế không đạt kỳ vọng, dư nợ tín dụng cho vay phục vụ nhu cầu đời sống giảm trên 28%.

Trong đó, 15/16 công ty tài chính được cấp phép tại Việt Nam đang hoạt động và dư nợ cho vay tiêu dùng khoảng 138,8 ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ nhỏ khoảng 5% so với tổng dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho rằng cho vay tài chính tiêu dùng vẫn là vấn đề nóng. Cho vay tiêu dùng dần đáp ứng nhu cầu đời sống, sản xuất kinh doanh của người dân, phần nào hạn chế tín dụng đen song dù bị công an triệt phá nhiều vụ việc nhưng tín dụng đen vẫn len lỏi vào đời sống.

Đáng nói, theo lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tỷ lệ nợ xấu cuối 2023 của tín dụng cho vay đời sống phục vụ tiêu dùng đạt 3,8% và đến nay nhích lên hơn 4%. Riêng nợ xấu tại các công ty tài chính dù giảm nhẹ từ mức 15% cuối năm 2023 đến nay chỉ còn khoảng 14,63% nhưng vẫn ở mức đáng báo động.

"Nhiều công ty tài chính lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao. Khả năng thu hồi nợ cũng rất khó khăn", ông Hùng nêu rõ thực tế.

Bên cạnh đó, dù các cơ quan bảo vệ pháp luật, công an tấn công mạnh vào ổ "tín dụng đen" song người dân vẫn không tiếp cận được vốn ngân hàng, công ty tài chính tiêu dùng nên phải tìm đến kênh vốn đầy tai tiếng này. Tình trạng đó vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt khu vực nông thôn.

MỞ CỬA THỊ TRƯỜNG NỢ XẤU TIÊU DÙNG

Trong bối cảnh đó, việc nâng cao hiệu quả thu hồi nợ tiêu dùng là hết sức thiết yếu.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng công ty tài chính tiêu dùng cũng như ngân hàng cần nâng cao chất lượng và tiến tới xử lý tốt nợ xấu, đặc biệt trong bối cảnh xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội vấn nạn người vay vốn bùng nợ hay bày cách không trả nợ ngân hàng.

"Cần cho vay chặt chẽ hơn, tránh gây mất an toàn hệ thống. Việc nâng cao chất lượng cho vay tiêu dùng phục vụ nhu cầu đời sống người dân, giảm tín dụng đen là điều cần thiết", ông Hùng nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia tại hội thảo đưa ra giải pháp để nâng cao tính lành mạnh và hiệu quả của cho vay tiêu dùng.

Cũng theo đại diện Hiệp hội Ngân hàng, khi xuất hiện nhiều nhóm "bùng nợ", hội nhóm cố tình không trả nợ, hiệp hội đã kiến nghị các cơ quan chức năng gỡ bỏ các trang mạng nói trên nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện, vẫn có nhiều đối tượng vay cố tình không trả nợ.

Với một số trường hợp tiền nợ, phạt từ ngân hàng lên tới gấp 5, 10 lần, thậm chí 20 lần, do đó, ông Hùng cho rằng về phía ngân hàng cũng phải chia sẻ với khách hàng, ngân hàng nhân văn hơn.

Theo đó, khi người dân trả nợ cần xem xét miễn giảm lãi, để họ thấy rằng dù khó khăn hoặc cố tình không trả nợ, đến khi hợp tác thì ngân hàng có phương pháp miễn, giảm nợ nhân văn.

Bên cạnh đó, đại diện Hiệp hội Ngân hàng cũng đặt vấn đề về việc đối với cjo vay tiêu dùng hiện không có hành lang pháp lý mua bán nợ, trong khi không có tài sản đảm bảo nên dẫn đến hiện tượng dùng "xã hội đen" để đòi nợ một cách manh động.

"Tôi cho rằng điều này không phù hợp với pháp luật hiện nay, do đó cần hành lang pháp lý để các đơn vị thu hồi nợ thuận lợi hơn", ông Hùng bày tỏ.

Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị ngành ngân hàng đánh giá thực trạng cho vay tiêu dùng, xử lý vướng mắc, để ngân hàng, công ty tài chính tiêu dùng cho vay thuận lợi nhất và hạn chế "tín dụng đen". Các bộ ngành cũng phải chung tay nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo đưa nợ xấu tỷ lệ an toàn, đây là mục tiêu cuối cùng.

"Hiệp hội đề xuất chấm điểm tín dụng người dân, tích hợp dữ liệu dân cư, để nhiều người vay vốn thấy hậu quả của việc "bùng nợ" khiến công việc làm ăn khác khó khăn và phải trả nợ ngân hàng".

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia quốc tế cũng mổ xẻ những thách thức trong quy định, thực thi, thực tiễn thu hồi nợ ở Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, đưa ra các ý tưởng để mở cửa thị trường nợ xấu tiêu dùng.

Nhiều vấn đề cốt lõi liên quan đến các biện pháp quản lý và thực thi để ngăn chặn việc thu hồi nợ bất hợp pháp, cũng như vai trò của một bộ quy tắc ứng xử cho hành vi thu hồi nợ có trách nhiệm nhằm thúc đẩy các chuẩn mực thị trường và thực hành tốt cũng được các chuyên gia bàn thảo.

Theo ông Darryl Dong, Đại diện cấp cao IFC Việt Nam, trong bối cảnh môi trường kinh tế chính trị ngày càng thách thức, hơn lúc nào hết, các cơ quan chức năng có vai trò giải quyết nợ xấu cần nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng một khuôn khổ thể chế chặt chẽ, mạnh mẽ và thiết thực, dựa trên các nguyên tắc thị trường.

"Việc phát triển các công ty mua bán, xử lý nợ xấu chuyên nghiệp, hình thành một thị trường mua bán nợ xấu năng động và chuyên nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong xử lý nợ xấu tiêu dùng hiệu quả", đại diện IFC Việt Nam nhấn mạnh.

IFC sẵn sàng hỗ trợ các cơ quan chức năng của Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và các doanh nghiệp tham gia thị trường trong nghị trình quan trọng này.

"Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm toàn cầu của mình để giúp Việt Nam cải thiện khung pháp lý trong xử lý nợ xấu, mất khả năng thanh toán và thu hồi nợ, cũng như xây dựng một thị trường nợ xấu năng động, tạo điều kiện cho các công ty mua bán, xử lý nợ xấu chuyên nghiệp có năng lực, có uy tín phát triển", ông Darryl Dong khẳng định.

Điều này sẽ thu hút thêm đầu tư của khu vực tư nhân vào Việt Nam và hỗ trợ một hệ thống tài chính lành mạnh và có khả năng chống chịu tốt. Vấn đề này không hề dễ dàng nhưng đại diện IFC tin tưởng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng và các thành viên thị trường sẽ giúp xử lý và ngăn chặn đà tăng của nợ xấu cho vay doanh nghiệp lẫn cho vay tiêu dùng.

Ánh Tuyết

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/no-xau-bao-dong-tai-cac-cong-ty-tai-chinh-nhieu-doanh-nghiep-lo-nang-do-trich-du-phong-lon.htm