Nợ vay vượt vốn chủ 2.346 tỷ, mỗi ngày Tập đoàn Sao Mai (ASM) phải trả lãi vay gần 2,4 tỷ đồng

Chi phí lãi vay ngày càng tăng cao, nợ vay của Tập đoàn Sao Mai (ASM) đã vượt vốn chủ 2.346 tỷ đồng. Trung bình mỗi ngày công ty phải trả 2,4 tỷ đồng tiền lãi vay trong Quý 2.

CTCP Tập đoàn Sao Mai (ASM) hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, sản xuất và mua bán vật liệu xây dựng, kinh doanh bất động sản, xuất khẩu thủy sản. Trong 3 quý trở lại đây, tình hình kinh doanh của Tập đoàn Sao Mai thể hiện sự đi xuống khi lợi nhuận của đơn vị mang về thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Áp lực từ chi phí lãi vay tăng gấp đôi, kết quả kinh doanh của Sao Mai sụt giảm

Trong quý 2 năm 2023, doanh thu thuần từ cung cấp hàng hóa và dịch vụ của Tập đoàn Sao Mai đạt 3.254,9 tỷ đồng, giảm 18,9% so với cùng kỳ. Trong đó giá vốn hàng bán chiếm 2.867,4 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 387,5 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp giảm từ 15,8% xuống chỉ còn 11,9%.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm từ 67,2 tỷ xuống chỉ còn 56,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính lại gia tăng từ 136,1 tỷ lên tới 220 tỷ đồng. Phần lớn trong đó là chi phí lãi vay, tăng từ 102,1 tỷ lên tới 212,1 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong quý 2, chi phí lãi vay của ASM đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ, gây áp lực lớn lên doanh thu của đơn vị này.

 Tập đoàn Sao Mai (ASM) lợi nhuận Quý 2 sụt giảm gần 70% (Ảnh TL)

Tập đoàn Sao Mai (ASM) lợi nhuận Quý 2 sụt giảm gần 70% (Ảnh TL)

Bù lại thì chi phí bán hàng lại được tiết giảm từ 140,4 tỷ xuống chỉ còn 36 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 54,8 tỷ lên 69,6 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty đạt 118,1 tỷ, giảm tới 2/3 so với cùng kỳ.

Sau khi trừ đi các khoản thuế phải nộp, lợi nhuận sau thuế của ASM còn lại 118,5 tỷ đồng, giảm gần 70% so với cùng kỳ năm trước.

Tính tới hết quý 2 năm 2023, lũy kế doanh thu của ASM đạt 6.305,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 213,7 tỷ đồng. Quy mô doanh thu không thu hẹp nhiều nhưng lợi nhuận sau thuế bị ảnh hưởng đáng kể bởi chi phí lãi vay tăng cao. So với kế hoạch năm, ASM mới chỉ hoàn thành được 41,3% kế hoạch doanh thu cùng 39,2% kế hoạch lợi nhuận năm.

Gần 4.200 tỷ đồng tài sản nằm dưới dạng phải thu, nợ vay của ASM đã cao vượt vốn chủ

Trong cơ cấu tài sản của ASM, có thể nhận thấy được sự chưa tối ưu về nguồn vốn cũng như phân bố tài sản của công ty.

Cụ thể thì tại thời điểm cuối quý 2 năm 2023, tổng tài sản của ASM đạt 19.281,1 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó công ty đang ghi nhận lượng tiền mặt giảm mạnh từ 847,9 tỷ đồng xuống chỉ còn 324,9 tỷ đồng. Trong khi đó lượng tiền mặt gửi ngắn hạn trong ngân hàng lại gia tăng từ 951,3 tỷ lên 1.700,8 tỷ đồng.

Một điểm cần lưu ý khác đó là công ty đang ghi nhận phải thu của khách hàng lên tới 1886,7 tỷ đồng, cao hơn tới hơn 140 tỷ so với đầu năm. Trong khi đó thì lượng tiền ứng trước cho người bán mà công ty đã trả lên tới 2.019,5 tỷ đồng. Việc dành nguồn tiền lớn trả trước cho người bán trong khi lưu trữ lượng phải thu lớn từ khách hàng là một sự thiếu tối ưu về phân bổ nguồn vốn, gây bất lợi cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hàng tồn kho của ASM cũng tăng từ 3.188,5 tỷ lên 3.486,1 tỷ đồng, tương đương lượng tăng gần 300 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của ASM đang chiếm 11.501,9 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 59,7% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp. Trong đó, nợ vay ngắn hạn đang chiếm tới 5.872,9 tỷ đồng, nợ vay dài hạn đang chiếm 4.252,4 tỷ đồng.

Tổng các khoản nợ vay của ASM đã lên tới 10.125,3 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp chỉ ghi nhận ở mức 7.779,2 tỷ đồng. Như vậy, chỉ tính riêng lượng nợ vay của ASM đã cao vượt vốn chủ tới 2.346,1 tỷ đồng cho thấy một rủi ro lớn trng công tác quản trị nguồn vốn.

Du Uyên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/no-vay-vuot-von-chu-2346-ty-moi-ngay-tap-doan-sao-mai-asm-phai-tra-lai-vay-gan-24-ty-dong-post258799.html