Nở rộ xu hướng thanh toán không tiền mặt

Năm 2024, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và ngân hàng số tiếp tục đạt có xu hướng gia tăng. Có thể nói xu hướng chuyển đổi số đã trở nên phổ biến tới từng hoạt động đời sống.

Giao dịch thanh toán không tiền mặt phát triển mạnh

Theo báo cáo mới của Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2023, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân đạt hơn 182,88 triệu tài khoản, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2022. Các chỉ số về thanh toán không tiền mặt cũng ghi nhận mức tăng trưởng khá. Cụ thể, trong tháng 1/2024 giao dịch này tăng 63,3% về số lượng và 41,45% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc sử dụng ví điện tử trên điện thoại di động là một hình thức thanh toán không tiền mặt đang trở nên phổ biến hơn.

Giao dịch qua kênh Internet tăng 57,85% về số lượng và 32,43% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 68,54% về số lượng và 41,12% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 892,95% về số lượng và 1.062% về giá trị; giao dịch qua máy POS cũng tăng 16,87% về số lượng và tăng 13,65% về giá trị.

Ở chiều ngược lại, giao dịch qua ATM rút tiền giảm 15,14% về số lượng và giảm 18,76% về giá trị, điều này cho thấy xu hướng dịch chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt.

Ngoài ra, đến cuối năm 2023, có khoảng 40 ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử (eKYC) với hơn 35 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động.

Có thể nói, các ứng dụng thanh toán điện tử, ví điện tử, và các dịch vụ ngân hàng trực tuyến tiếp tục được ưa chuộng và phát triển mạnh mẽ. Người tiêu dùng và doanh nghiệp ngày càng chấp nhận và sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt vì tính tiện lợi, tốc độ và tính an toàn.

Các công nghệ mới như blockchain, fintech và trí tuệ nhân tạo cũng được áp dụng để cải thiện quá trình thanh toán và nâng cao trải nghiệm của người dùng. Các tổ chức tài chính và doanh nghiệp đang tích cực đầu tư và phát triển các giải pháp thanh toán kỹ thuật số để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.

Tiếp tục chuyển đổi số lĩnh vực tài chính, đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt

Để thúc đẩy hiệu quả hơn nữa quá trình thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng tăng cao, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng và chiến lược phát triển các hệ thống thanh toán Việt Nam đến năm 2030.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 về phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chủ trương của Chính phủ, hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách. Nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác.

Nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia, hướng tới vận hành theo các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế, tăng cường quốc tế, tăng cường khả năng kết nối, tích hợp và thực hiện thanh, quyết toán cho các hệ thống khác; hoàn thiện, phát triển hạ tầng chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, mở rộng hệ sinh thái thanh toán số, đảm bảo khả năng kết nối, tích hợp với các ngành, lĩnh vực khác để phục vụ thanh toán trực tuyến; mở rộng, kết nối với hệ thống chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử của các quốc gia khác…

Hoàn thiện, nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi, hệ thống thanh toán nội bộ, đảm bảo kết nối, tích hợp với các hệ thống thanh toán quan trọng, hạ tầng kỹ thuật của các tổ chức cung ứng dịch vụ công và các hệ thống khác; áp dụng chuẩn tin điện tài chính quốc tế ISO 20022 đối với hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng.

Phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu của cách mạng 4.0, trong đó tập trung nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ, mô hình kinh doanh, giải pháp số tiên tiến để phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên nền tảng số hóa, đảm bảo an toàn, bảo mật, mang lại sự thuận tiện cho người sử dụng; phát triển thanh toán điện tử trong thương mại điện tử; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực chính phủ, dịch vụ hành chính công: Phối hợp hoàn thiện kết nối giữa hạ tầng thanh toán điện tử của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử với hạ tầng của các cơ quan thuế, hải quan, kho bạc để phục vụ yêu cầu phối hợp thu, chi ngân sách nhà nước bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Tăng cường kết nối giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống một cửa điện tử của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện thanh toán điện tử đối với các khoản phí, lệ phí, thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, viện phí; thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin với các trường học, bệnh viện, công ty điện, nước, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị để thu học học phí, viện phí, tiền điện… bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt…

Thay vì phải trả tiền mặt hoặc sử dụng thẻ tín dụng, khách hàng chỉ cần mở ứng dụng ví điện tử, chạm điện thoại.

Triển khai thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận, quy chế phối hợp, phối hợp song phương hoặc đa phương giữa các bộ, ngành liên quan để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực thanh toán theo lộ trình và bước đi phù hợp; tích cực tham gia vào các hoạt động của các định chế tài chính-tiền tệ, các diễn đàn về thanh toán khu vực và quốc tế.

Tập trung triển khai các cam kết quốc tế đã ký kết liên quan đến lĩnh vực thanh toán; khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn vốn dưới hình thức hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, tư vấn chính sách, hỗ trợ đào tạo và tăng cường năng lực từ các đối tác song phương, đa phương để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ thanh toán; chủ động nghiên cứu các mô hình, phương tiện, hình thức thanh toán mới trên thế giới, áp dụng hiệu quả vào Việt Nam...

Bên cạnh đó, công tác đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, chi trả an sinh xã hội cũng sẽ được thực hiện.

Đồng thời, các đơn vị cũng phối hợp tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật hoạt động thanh toán, ngân hàng, phối hợp xử lý tội phạm công nghệ cao; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng; đồng thời đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng.

PV

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/no-ro-xu-huong-thanh-toan-khong-tien-mat-179240312085816563.htm