Nô nức trẩy hội Đền Hùng

Như đã thành thông lệ, dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, hòa cùng dòng người nô nức trẩy hội, nhiều người dân Thái Nguyên lại hành hương đến Đền Hùng để thắp nén hương thơm tri ân công đức tổ tiên và những bậc tiền nhân đã có công dựng nước, giữ nước.

Du khách hàng hương đến Đền Hùng để thắp nén hương thơm tri ân công đức những bậc tiền nhân đã có công dựng nước, giữ nước.

Ông Nguyễn Văn Oanh, cựu chiến binh phường Hồng Tiến (TP. Phổ Yên), cùng với một số đồng đội nhiều năm liền đều đến với đất Tổ vào dịp tháng 3 Âm lịch. Ông Oanh tâm niệm: Hằng năm tôi đều hành hương về Đền Hùng, tới núi thiêng Nghĩa Lĩnh để tưởng nhớ Hùng Vương, nhớ ơn công lao tổ tiên và cầu may mắn, sức khỏe cho bản thân và gia đình. Tôi thấy Khu di tích ngày càng được đầu tư, tôn tạo khang trang, thu hút đông đảo người dân, du khách. Các công trình được tu bổ, tôn tạo tại Khu di tích đã từng bước góp phần để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm, đẹp đẽ, xứng tầm di tích quốc gia đặc biệt.

Bà Vũ Thị Thu Hiền, phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên), cho biết: Gia đình tôi thường đến Đền Hùng vào dịp Lễ hội. Đây là lễ hội lớn với sự tham gia của đông đảo du khách thập phương, trong đó có nhiều người Thái Nguyên. Lễ hội Đền Hùng được tổ chức rất quy mô, bài bản; các hoạt động khá phong phú, đa dạng; khắp nơi được trang hoàng, sạch, đẹp, an ninh trật tự được đảm bảo... Tôi luôn cảm nhận sâu sắc ý nghĩa tâm linh ở Đền Hùng. Dù bận rộn đến mấy, nhưng tôi vẫn sắp xếp thời gian tham dự sự kiện này.

Không chỉ có ông Oanh, bà Hiền, mà hàng vạn người dân Thái Nguyên thường xuyên hành hương về với đất Tổ, trong lòng luôn tự hào khi nhắc đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Chị Nguyễn Thanh Hà, phường Thịnh Đán (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Về với Đền Hùng, tôi thấy thanh thản và cảm nhận được văn hóa tín ngưỡng tâm linh. Khi đến với Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tôi thắp hương tại Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Đền Giếng và mộ Tổ...

Năm nay, sự kiện Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ kéo dài 10 ngày, từ ngày 9 đến 18-4 (tức mùng 1 đến mùng 10-3 Âm lịch) tại TP. Việt Trì, Khu di tích lịch sử Đền Hùng và các huyện, thị, thành trong tỉnh Phú Thọ. Phần lễ được tổ chức đảm bảo trang nghiêm, trọng thể, thành kính, an toàn, văn minh, tiết kiệm, bao gồm: Lễ Giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ ngày 14-4; Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và dâng hoa tại Bức phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong" ngày 18-4; Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng từ ngày 9 đến 18-4...

Điểm mới tại Lễ hội Đền Hùng năm nay là các hoạt động phần hội gắn kết chặt chẽ với các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch, tạo thành chuỗi hoạt động Tuần Văn hóa - Du lịch. Trong đó, chương trình khai mạc Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ tổ chức vào ngày 9-4 (mùng 1-3 Âm lịch), tại Sân khấu trung tâm lễ hội (Khu di tích lịch sử Đền Hùng); trưng bày Di sản tư liệu thế giới "Quốc hiệu kinh đô Văn Lang và các kinh đô nước Việt trong mộc bản triều Nguyễn" và Triển lãm Mỹ thuật với chủ đề “Quê hương, đất nước, con người Phú Thọ” tại Bảo tàng Hùng Vương; biểu diễn dân ca và một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh; chương trình "Hội Xoan - Miền di sản" ngày 6-3 Âm lịch và xác lập kỷ lục 5.000 người tham gia hát Xoan...

Hãy đến Đền Hùng thắp nén hương thơm trên mộ Tổ, để hiểu thêm về văn hóa tâm linh, nét đẹp, tính cộng đồng của người Việt.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202404/no-nuc-tray-hoi-den-hung-8e40b90/