Nỗ lực với nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế phát triển

Đánh giá tại Kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh Tiền Giang cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế - xã hội (KT-XH) tỉnh khởi sắc với nhiều chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, tình hình sản xuất, kinh doanh, số doanh nghiệp (DN) thành lập mới; công tác thu - chi ngân sách là những vấn đề được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ nhiều khó khăn, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển.

NHIỀU GIẢI PHÁP TRỢ LỰC CHO DOANH NGHIỆP

Thực tế cho thấy, để phát triển bền vững, sự hợp tác giữa nhà nước và DN là vô cùng quan trọng. Thời gian qua, nhận diện rõ vấn đề này, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đã xây dựng cơ chế tạo thuận lợi cho hợp tác công - tư, tạo điều kiện để DN có thể tham gia đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, du lịch, nông nghiệp và các lĩnh vực khác. Đồng thời, cung cấp các chính sách khuyến khích, miễn, giảm thuế và hỗ trợ tài chính để tạo động lực cho DN phát triển.

Báo cáo tại Kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh Tiền Giang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Văn Dũng cho biết, để trợ lực cho DN, 6 tháng đầu năm 2023, UBND tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ và phát triển DN như: Tổ chức các đoàn đến thăm và chúc tết DN nhân dịp đầu năm mới Xuân Quý Mão để động viên, ghi nhận những đóng góp của cộng đồng DN; ban hành Kế hoạch hỗ trợ DN nhỏ và vừa năm 2023, Kế hoạch phát triển DN từ hộ kinh doanh năm 2023, Kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp năm 2023.

Cùng với đó, tổ chức gặp mặt, đối thoại DN trên địa bàn năm 2023; Hội nghị gặp mặt, đối thoại DN FDI trên địa bàn; Hội nghị kết nối ngân hàng - DN. Phối hợp với VCCI Cần Thơ tổ chức Hội thảo khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị tập huấn các chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa, DN có tác động xã hội và DN do phụ nữ làm chủ; Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với thanh niên năm 2023... Theo đó, số lượng DN của tỉnh không ngừng được nâng lên, góp phần tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà.

Báo cáo của UBND tỉnh Tiền Giang cho thấy, ước thực hiện 6 tháng năm 2023 có 415 DN đăng ký thành lập mới, đạt 50% kế hoạch, với tổng vốn đăng ký 2.960 tỷ đồng; có 379 đơn vị trực thuộc đăng ký (102 chi nhánh, 8 văn phòng đại diện, 269 địa điểm kinh doanh), tăng 8,3% so cùng kỳ. Số DN quay lại thị trường tiếp tục ghi nhận dấu hiệu tích cực, có 215 DN hoạt động trở lại, tăng 7% so cùng kỳ. Tính đến cuối tháng 6-2023, toàn tỉnh có khoảng 6.400 DN; 5.120 đơn vị trực thuộc và 70.500 hộ kinh doanh hoạt động.

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Á Châu. Ảnh: A.P-M.Thành

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Á Châu. Ảnh: A.P-M.Thành

Bên cạnh đó, thông qua các chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã (HTX) gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các HTX được hỗ trợ sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, tham gia mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo hướng VietGAP, GlobalGAP... đã xuất hiện nhiều mô hình HTX kiểu mới, điển hình tiên tiến. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 2 HTX thành lập mới (huyện Chợ Gạo và huyện Cái Bè) với 25 thành viên, vốn góp 15,5 tỷ đồng; không có HTX giải thể...

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phát triển DN còn một số khó khăn như lực lượng lao động thường xuyên biến động và thiếu hụt gây khó khăn trong kế hoạch sản xuất của các DN; chỉ một số ít DN kịp thời thay đổi phương án sản xuất, kinh doanh, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động sản xuất...

Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến đầu tư; sẵn sàng hạ tầng cả trong và ngoài hàng rào khu, cụm công nghiệp để mời gọi đầu tư; vận dụng cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, huy động tối đa mọi nguồn lực về vốn. Hỗ trợ DN xây dựng, kết nối vùng nguyên liệu, đào tạo lao động, xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm...

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp phát triển DN năm 2023; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch hành động 262 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết 07 ngày 26-7-2021 của Tỉnh ủy về lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ và phát triển DN trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; trong đó, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, thúc đẩy khởi nghiệp, chuyến đổi hộ kinh doanh thành DN, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN...

Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các Kế hoạch hỗ trợ DN nhỏ và vừa năm 2023, Kế hoạch tổ chức gặp mặt, đối thoại DN trên địa bàn năm 2023, Kế hoạch phát triển DN từ hộ kinh doanh năm 2023, Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp năm 2023; thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10 ngày 3-6-2017 của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN theo Nghị định 12 ngày 14-4-2023 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023...

Ngoài ra, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX; đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh gắn với nhu cầu thị trường. Hỗ trợ thành lập mới các HTX theo hướng phù hợp với nhu cầu của thực tiễn và xu hướng phát triển của địa phương.

NỖ LỰC THU NGÂN SÁCH

Những tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đối mặt với suy thoái, lạm phát, xung đột giữa các quốc gia..., DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do chuỗi cung ứng không liên tục. Điều này đã tác động đến số thu ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển kinh tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số chính sách miễn, giảm, giãn thu ngân sách nhà nước như: Giảm thuế bảo vệ môi trường tại Nghị quyết 30 ngày 30-12-2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut...; giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại Quyết định 01 ngày 31-1-2023 của Thủ tướng Chính phủ (đến hết quý 1 năm 2023, địa phương đã giải quyết giảm cho 44 hồ sơ, với số tiền 4,925 tỷ đồng); gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất tại Nghị định 12 ngày 14-4-2023 của Chính phủ.

Dự báo được tình hình khó khăn nêu trên, ngày từ đâừ năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 01 ngày 17-01-2023 về việc tăng cường công tác thu ngân sách nhà nước năm 2023 và được sự chỉ đạo xuyên suốt của Tỉnh ủy trong việc tháo gỡ các khó khăn cho DN và nhân dân, một số khoản thu ngân sách vẫn được đảm bảo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh.

Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Tiền Giang Nguyễn Kim Tuyến cho biết: Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2023 được 4.923 tỷ đồng, đạt 47,9% dự toán năm; trong đó thu nội địa đạt 4.761 tỷ đồng, đạt 48,2% dự toán năm, giảm 2,2% so với cùng kỳ. Có 8 khoản thu đạt từ 50% so với dự toán năm; cụ thể: Thu từ khu vực công thương nghiệp - ngoài quốc doanh; lệ phí trước bạ; thuế sử dụng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp; thuế thu nhập cá nhân; thu tiền khai thác khoáng sản; thu phí, lệ phí; thu khác ngân sách và thu xổ số kiến thiết.

Đối với công tác chi ngân sách, ước tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm 2023 đạt 64,39% dự toán năm, trong đó, chi đầu tư phát triển 6 tháng đầu năm 2023 là 3.055,15 tỷ đồng, đạt 57,77% dự toán năm. Bên cạnh đó, ước thực hiện chi đầu tư phát triển từ kế hoạch vốn năm 2022 chuyển sang là 2.031,185 tỷ đồng. Chi thường xuyên đạt 46,27% so với dự toán năm, bằng 108,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tỉnh Tiền Giang đề ra nhiều giải pháp, khuyến khích, hỗ trợ DN, HTX phát triển, góp phần đảm bảo nguồn thu ngân sách địa phương.

Tỉnh Tiền Giang đề ra nhiều giải pháp, khuyến khích, hỗ trợ DN, HTX phát triển, góp phần đảm bảo nguồn thu ngân sách địa phương.

Theo UBND tỉnh, ước tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng cuối năm 2023 là 5.419 tỷ đồng, nâng tổng thu ngân sách năm 2023 là 10.630 tỷ đồng, đạt 103,32% dự toán năm. Ước tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng cuối năm là 10.660 tỷ đồng, nâng tổng chi ngân sách địa phương năm 2023 là 19.745,96 tỷ đồng, đạt 139,94% dự toán năm, bằng 135,55% so cùng kỳ năm trước.

UBND tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện kịp thời các nghị quyết, quy định của Trung ương và các nghị quyết, quyết định của tỉnh đã đề ra; kịp thời tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh. Tập trung rà soát toàn bộ các khoản thu phát sinh của các DN không thuộc đối tượng được gia hạn, miễn, giảm tiền thuê, lệ phí và tiên thuê đất để đôn đốc người nộp thuế thực hiện nộp đúng, đủ các khoản phát sinh phải nộp vào ngân sách nhà nước kịp thời. Khai thác thêm nguồn thu thông qua việc mở rộng cơ sở thuế, rà soát các dự án hết thời gian ưu đãi thuế, các dự án mới phát sinh có liên quan đến đất đai, tài nguyên, khoáng sản, thu các khoản thuế kịp thời đối với các công trình dự án trên địa bàn tỉnh, các khoản truy thu theo kiến nghị của cơ quan Kiểm toán, Thanh tra... nhằm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước.

Rà soát các nguồn thu còn tiềm năng nhưng đang có vướng mắc về chính sách, thủ tục, quy trình... tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý, tháo gỡ kịp thời để có cơ sở thu và đôn đốc thu kịp thời vào ngân sách nhà nước, bù đắp các nguồn hụt thu do chính sách miễn, giảm thuế của Chính phủ, góp phần đảm bảo nguồn lực tài chính để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH và chi các chính sách an sinh xã hội.

Tăng cường kiểm tra hồ sơ khai thuế nhằm phát hiện kịp thời người nộp thuế lập hóa đơn, kê khai thuế không phù hợp với quy mô kinh doanh, đặc biệt chú trọng đến các DN không phát sinh doanh thu, không phát sinh số thuế phải nộp, DN thường xuyên âm thuế giá trị gia tăng, kê khai phát sinh lỗ, các trường hợp có dấu hiệu sử dụng hóa đơn không họp pháp hoặc sử dụng không họp pháp hóa đơn để xác minh nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm của người nộp thuế.

Tăng cường công tác chống thất thu trong lĩnh vực hộ, cá nhân kinh doanh; quản lý ngân sách nhà nước chặt chẽ, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chống tiêu cực, giám sát tuân thủ đối với người nộp thuế nhằm chống thất thu thuế, lãng phí trong chi tiêu ngân sách... Tiết kiệm chi thường xuyên, không bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực ngân sách nhà nước gắn với huy động tối đa các nguồn lực ngoài nhà nước để thúc đẩy phát triển KT-XH…

THU HOÀI - CAO THẮNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202307/ngay-lam-viec-dau-tien-tai-ky-hop-thu-9-hdnd-tinh-tien-giang-khoa-x-no-luc-voi-nhieu-giai-phap-thuc-day-kinh-te-phat-trien-984343/