Nỗ lực phấn đấu vì sự bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc của người mù

Ngày 17/4, tại Hà Nội, Hội Người mù Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập; tổng kết và trao giải Cuộc thi 'Tìm hiểu truyền thống 55 năm xây dựng và phát triển Hội Người mù Việt Nam'.

Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Hội Người mù Việt Nam (17/4/1969-17/4/2024).

Ngày 17/4/1969, Hội Người mù Việt Nam chính thức được thành lập. Là tổ chức của người khuyết tật nặng lại ra đời giữa lúc chiến tranh; ngày đầu thành lập với chỉ gần 100 hội viên đại diện cho các địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và Hà Tây cũ, cơ sở vật chất và kinh phí hầu như không có.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam Phạm Viết Thu chia sẻ: "Sự ra đời của Hội là một dấu ấn lịch sử, một bước ngoặt quan trọng cho sự phát triển bình đẳng, hạnh phúc của người mù. Nửa thế kỷ qua, Hội đã thực sự là mái nhà chung, chỗ dựa tin cậy của người mù cả nước...".

Trải qua hơn 9 nhiệm kỳ, Hội đã có hệ thống tổ chức chặt chẽ từ trung ương tới địa phương với 58 tỉnh, thành phố có tổ chức Hội (trong đó có 4 đơn vị là thành viên liên kết), 426 quận, huyện hội, 532 hội xã, phường, 3.124 Chi hội và 72.714 hội viên. Trung tâm Đào tạo cán bộ Phục hồi chức năng cho người mù thuộc Trung ương Hội cùng hàng chục trung tâm của các tỉnh, thành hội cũng lần lượt ra đời, đóng góp quan trọng trong công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và khẳng định sự trưởng thành của Hội.

Chủ tịch Phạm Viết Thu cũng cho biết, Hội vừa là cánh tay vươn dài, đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với hội viên, vừa làm tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đóng góp hiệu quả trong việc xây dựng, ban hành và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về người khuyết tật nói chung, người mù nói riêng.

Trong lĩnh vực dạy nghề, tạo việc làm, thời kỳ đầu, Hội phải chọn những nghề nặng nhọc, ít người làm, thu nhập thấp, phải huy động vốn và địa điểm từ hội viên. Từ những cố gắng trong công tác lựa chọn, dạy nghề phù hợp và tổ chức lao động sản xuất, đến nay, Hội đang quản lý 384 cơ sở cùng nhiều tổ nhóm sản xuất, dịch vụ với hơn 4.000 lao động từ các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, văn phòng phẩm, đồ gỗ, xoa bóp bấm huyệt...

Doanh thu của các cơ sở và thu nhập của người lao động ngày càng tăng. Có đơn vị đã có hàng thủ công xuất khẩu. Chương trình vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm được triển khai từ năm 1992, đến nay, Hội đang quản lý số vốn vay hơn 52,609 tỷ đồng theo kênh Trung ương và 18,76 tỷ đồng kênh địa phương. Hàng chục nghìn Hội viên đã cùng gia đình sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và trả nợ đầy đủ, đúng hạn, được Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá cao...

Phát biểu ý kiến tại lễ kỷ niệm, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Triệu Tài Vinh ghi nhận những đóng góp mà Hội, có được những kết quả như ngày hôm nay, bên cạnh sự nỗ lực vượt khó vươn lên của cán bộ, hội viên, những chủ trương, chính sách đầy tính nhân văn của Đảng, Nhà nước đối với người khuyết tật nói chung và sự quan tâm dành cho tổ chức Hội nói riêng; đặc biệt là Chỉ thị số 51-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng khóa VI năm 1989 về việc giúp đỡ Hội Người mù Việt Nam, Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương đảng khóa XII năm 2019 về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật được cụ thể hóa bằng các văn bản của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương cùng sự giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Đồng chí Triệu Tài Vinh cũng mong muốn, trong giai đoạn tới, các cấp Hội cần tăng cường đoàn kết, nâng cao năng lực, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, gắn hoạt động Hội với các chương trình của Nhà nước, của địa phương, huy động nhiều nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người mù.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/no-luc-phan-dau-vi-su-binh-dang-tien-bo-va-hanh-phuc-cua-nguoi-mu-post805182.html