Nỗ lực ổn định đời sống, khôi phục sản xuất

Chỉ trong vòng một tuần, người dân ở Hà Tĩnh phải oằn mình chống chọi với hai cơn lũ dữ. Nước lũ dâng nhanh, rút chậm làm đảo lộn toàn bộ cuộc sống của người dân.

Lãnh đạo huyện Thạch Hà thăm hỏi, tặng quà gia đìnhcó hoàn cảnh khó khăn sau mưa lũ tại xã Thạch Khê.

Chỉ trong vòng một tuần, người dân ở Hà Tĩnh phải oằn mình chống chọi với hai cơn lũ dữ. Nước lũ dâng nhanh, rút chậm làm đảo lộn toàn bộ cuộc sống của người dân.

Giữa bộn bề khó khăn, cấp ủy, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh đang nỗ lực, chung tay để nhanh chóng ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.

Oằn mình chống lũ kép

Những ngày cuối tháng 10, người dân xã Cẩm Duệ (huyện Cẩm Xuyên) nói riêng và hàng chục nghìn hộ dân ở Hà Tĩnh nói chung, hầu như chưa đêm nào trọn giấc. "Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, ba gian nhà chính đã bị nước lũ nhấn chìm phân nửa. Cả nhà chỉ kịp đưa nhau lên thuyền chạy thoát khỏi dòng nước xoáy", bà Trần Thị Vinh, thôn 11, xã Cẩm Duệ nhớ lại.

Những ngày đi tránh lũ, gia đình bà Vinh cùng với các hộ dân khác luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương. Mất điện, lương thực, thực phẩm, quần áo không kịp mang theo nhưng đội xung kích phòng, chống lụt bão của xã, các lực lượng chức năng đã kịp thời tiếp tế bánh chưng, mì ăn liền, nước uống của đồng bào cả nước gửi vào. Sẵn có ít lương thực, thực phẩm ở kho bếp của trường mầm non, một bếp lửa nhanh chóng được thổi lên giúp người dân vượt qua cơn đói ngày chạy lũ. Lũ rút, người dân từ các điểm sơ tán quay về dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa. Dù lúa gạo, gia súc, gia cầm đã bị nước lũ nhấn chìm, cuốn trôi, tuy nhiên với người dân vùng lũ, bảo đảm được tính mạng là điều quan trọng nhất. Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ Võ Tá Kỷ cho biết, khi công việc dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, công sở, đường làng, ngõ xóm đang bước vào công đoạn cuối cùng thì mưa lớn lại kéo về. Dưới tác động của hoàn lưu bão số 9, những trận mưa lớn tiếp diễn, nước lũ lại dâng cao, chính quyền địa phương lập tức sơ tán hơn 400 hộ dân khỏi vùng xung yếu. "Rút kinh nghiệm từ lần trước, đợt sơ tán này, người dân đã chuẩn bị sẵn đồ ăn, nước uống và quần áo. Trước khi ra khỏi nhà, chúng tôi đã kịp đưa trâu bò lên nơi cao ráo đề phòng lũ dâng cao", ông Nguyễn Trọng Lai, thôn 7, xã Cẩm Duệ kể.

Trở về nhà sau hai lần chạy lũ, bà Phan Thị Quế ở thôn Yên Khánh, xã Cẩm Vịnh (huyện Cẩm Xuyên) không khỏi xót xa khi hai con bò của gia đình đã bị nước lũ nhấn chìm. Ðàn gà được chăm bẵm chờ dịp Tết xuất chuồng nay cũng cuốn theo dòng nước. Vốn quen chân, quen tay với công việc chăm sóc lợn gà, đồng áng mỗi ngày nhưng bây giờ, bà đã thất nghiệp ngay trên chính mảnh vườn của mình. Cũng như hàng nghìn người dân vùng lũ ở Hà Tĩnh, từ một cuộc sống ổn định, cơn lũ kép vừa qua đã kéo bà Quế đến gần hơn với tiêu chí hộ nghèo bởi mọi nguồn thu nhập của gia đình giờ đã không còn.

Ông Nguyễn Như Liên, một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề nhất ở thôn Yên Khánh chia sẻ: "Cái chúng tôi đang cần nhất hiện bây giờ là giống, sau khi khơi thông cống rãnh, chờ thời tiết nắng ráo chúng tôi sẽ tập trung làm đất, gieo trồng hoa màu để kịp phục vụ nhu cầu Tết của người dân". Theo Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Vịnh Nguyễn Văn Chiến, những khó khăn trước mắt bước đầu đã được giải quyết nhưng giải quyết sinh kế lâu dài cho người dân hiện đang là bài toán khó. Ðồng quan điểm nêu trên, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Hà Văn Bình lo lắng, bên cạnh những thiếu thốn phương tiện, vật tư để tái sản xuất, hiện nay, nhiều công trình hạ tầng thiết yếu trên địa bàn như: đường giao thông, đê, kè chắn sóng... đã bị hư hại nghiêm trọng. Với thực lực hiện tại, nếu không có sự hỗ trợ của Trung ương thì chưa biết đến bao giờ địa phương mới khắc phục xong thiệt hại của trận lũ kép vừa qua.

Trường tiểu học Tân Lâm Hương nằm giữa vùng "rốn lũ" của huyện Thạch Hà, mặc dù đã chủ động kê kích đồ dùng, thiết bị dạy học lên cao, song do nguồn nước từ hồ Kẻ Gỗ chảy về quá nhanh và xiết cho nên mọi vật dụng, thiết bị dạy học của nhà trường bị chìm trong biển nước. Chưa kịp gượng dậy từ cơn lũ trước thì trận lũ sau tiếp tục ảnh hưởng lớn đến hoạt động dạy và học của nhà trường. Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Lâm Hương Lê Thị Hương cho biết: "Sáng 1-11, chúng tôi đã huy động toàn bộ lực lượng để dọn dẹp, vệ sinh trường lớp. Quần áo và sách vở của học sinh thì đã có các nhà hảo tâm hỗ trợ nhưng điều khiến chúng tôi lo lắng là phần lớn trang thiết bị, đồ dùng dạy học được làm bằng gỗ công nghiệp bị ngâm lâu ngày trong nước sẽ hư hỏng, không có giải pháp khắc phục".

Nỗ lực ổn định đời sống nhân dân

Mặc dù bão số 9 không trực tiếp đổ bộ vào Hà Tĩnh nhưng hoàn lưu của bão khiến hơn 4.000 hộ dân trên địa bàn bị ngập lụt. Tính đến chiều 1-11, trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn còn 23 xã của 5 huyện với 3.454 hộ dân đang bị ngập. Theo Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Tĩnh Ngô Ðức Hợi, để chủ động ứng phó hiệu quả với các tình huống khẩn cấp mùa mưa lũ, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cử các đoàn kiểm tra xuống các địa phương, nhất là các địa phương có nguy cơ sạt lở đất như Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang để chỉ đạo công tác ứng phó mưa lũ, sạt lở đất. Ngay trong ngày 30-10, khi nhận được tin tố lốc đã làm tốc mái 55 hộ dân tại các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Ðức Thọ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị đến thăm hỏi, động viên các gia đình bị lốc xoáy, đồng thời huy động lực lượng giúp nhân dân sửa chữa, lợp lại mái nhà. Nhờ đó, chỉ trong một ngày, tất cả các ngôi nhà bị tố lốc làm hư hại đã được khắc phục, bảo đảm chỗ ở an toàn cho người dân trong mưa lũ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong đợt mưa lũ vừa qua, tại Hà Tĩnh đã xảy ra nhiều điểm sạt lở đất tại các địa phương miền núi, tuy nhiên, các lực lượng chức năng của tỉnh đã chỉ đạo sơ tán dân tại các nơi có nguy cơ cao về sạt lở đất cho nên không có thiệt hại về người.

Theo thống kê sơ bộ, hai đợt mưa lũ vừa qua đã làm hư hại gần 4.000 ha rau màu, 17 nghìn tấn lương thực, 270 tấn hạt giống, hơn 3.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản... của người dân trên địa bàn. Dưới tác động của đợt lũ kép, hàng trăm km đường giao thông bị xói lở, nhiều công trình công nghiệp, xây dựng, điện lực, thông tin liên lạc bị hư hại, ước thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng. Ðể bảo đảm giao thông trên các tuyến đường, lực lượng chức năng của địa phương, cảnh sát giao thông bố trí biển báo, rào chắn tại hai đầu các vị trí ngập nước, sạt lở ta-luy dương, ta-luy âm gây ách tắc giao thông, để phân luồng cho người dân và các phương tiện tham gia giao thông, khẩn trương dọn dẹp, khơi thông cống rãnh, vá các ổ gà bằng vật liệu tạm, chặt cây đổ kịp thời để bảo đảm giao thông.

Trên tinh thần ai cũng có nhà ở và không được để nhân dân đói rét, trong thời điểm xảy ra lũ lụt, tỉnh Hà Tĩnh đã kịp thời phân bổ và chuyển 1.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia và 14,5 tấn lương khô cho các địa phương vùng lũ. Cùng với đó, địa phương đã đánh giá một cách chính xác, khách quan tình hình thiệt hại của người dân để điều hòa, điều phối công tác viện trợ, bảo đảm công bằng, đúng đối tượng. Ngành y tế đã cung cấp cho các địa phương tám tấn poly aluminium chloride; 500 kg cloramine B, cử cán bộ xuống tận các địa phương vùng lũ để hướng dẫn, hỗ trợ người dân xử lý nguồn nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường. Nhờ đó, các trường học, trạm xá được sửa chữa, vệ sinh sạch sẽ để cho học sinh trở lại học tập, nhân dân đã có nơi khám, chữa bệnh. Các đơn vị, địa phương trên địa bàn cũng tổ chức vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, dọn dẹp cảnh quan, thu gom rác thải trên toàn địa bàn; vớt rác trên hệ thống các cống dưới đê, các cống trên hệ thống sông; vệ sinh bùn đất trên các tuyến đường và khắc phục tạm thời các điểm sạt lở đường, lề đường.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðặng Ngọc Sơn cho biết, cùng với nỗ lực hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống, tỉnh Hà Tĩnh sẽ ban hành, thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất, trước mắt là bắt tay vào sản xuất vụ đông và vụ xuân. Ðối với những địa phương bị thiệt hại nặng trong đợt lũ vừa qua, tỉnh sẽ hỗ trợ giống sản xuất và cung cấp lương thực trong một thời gian nhất định. Ðồng thời, tỉnh sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm trong điều hành, chỉ đạo, bổ sung phương án phòng, chống thiên tai, nhất là những tình huống khẩn cấp do hình thái thời tiết cực đoan gây ra; đánh giá đúng những thiệt hại đối với hạ tầng, dự án lớn để có phương án phân bổ ngân sách và đề nghị Chính phủ hỗ trợ khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra.

Bài và ảnh: NGÔ TUẤN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/no-luc-on-dinh-doi-song-khoi-phuc-san-xuat-622858/