Nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ tại Hà Tĩnh

Chính quyền và người dân các địa phương ở Hà Tĩnh đang nỗ lực hết sức, huy động tổng lực phối hợp với các đơn vị bên ngoài vào hỗ trợ, tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ nhằm sớm ổn định đời sống của người dân.

Hai địa phương Hương Khê và Vũ Quang chịu thiệt hại nặng nề của trận lũ vừa qua ở Hà Tĩnh đang tập trung nhân lực, vật lực khẩn trương giúp người dân khắc phục hậu quả.

Khẩn trương khắc phục điểm sạt lở trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, đoạn qua xã Đức Liên.

Theo thống kê mới nhất, tại huyện Hương Khê, đến nay, đã có 2 người chết (N.V.D, sinh năm 2010, thôn 6, xã Hương Thủy; T.T.T, sinh 1990, thôn 12, xã Hà Linh) và 1 người mất tích (N.T.H, sinh năm 1995, thôn 12, xã Hà Linh).

Toàn huyện có gần 1.000 nhà dân bị ngập và gần 5.000 vườn hộ ngập lũ. Nhiều công trình công cộng bị ngập, ảnh hưởng. Trong đó có 8 trường học, 16 hội quán thôn, 1 công trình bưu điện. Nhiều tuyến đường ảnh hưởng đến giao thông đi lại, nhiều công trình hồ, đập, kè bờ sông bị hư hỏng, sạt lở. Đặc biệt, đập Tắt ở xã Hòa Hải có dung tích 0,4 triệu m3 bị vỡ thân đập gây xói lở đường giao thông và bồi lấp diện tích đất lúa vùng hạ du.

Cùng đó, bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua các xã Lộc Yên, Gia Phố, Hương Thủy, Điền Mỹ, Hương Liên, Hương Đô, Hà Linh, Hương Trạch; bờ sông Tiêm đoạn xã Hương Xuân bị sạt lở nghiêm trọng. Toàn huyện có hơn 42 ha cây trồng vụ đông bị hư hại và hơn 250ha cây ăn quả bị ngập. Ước tính thiệt hại bước đầu do lũ lụt gây ra ở Hương Khê là trên 150 tỷ đồng.

Bộ đội giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt tại xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê

Tại Vũ Quang, dù không bị ảnh hưởng lớn như Hương Khê, song, mưa lớn cũng khiến nhiều xã bị ngập sâu; nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt bởi nước lũ. Toàn huyện bị ngập lụt khoảng 29,2km đường giao thông, cô lập 915 hộ dân; 56 hộ dân bị sạt lở đất vườn. Đặc biệt, lũ quét xảy ra vào rạng sáng ngày 30/10 tại xã Đức Hương khiến 2 hộ bị ảnh hưởng, rất may không có thiệt hại về người; một số tài sản bị cuốn trôi, hư hỏng.

Đến thời điểm này, nước lũ đang rút dần ra khỏi các khu vực ở Hương Khê. Với tinh thần “nước rút tới đâu, khắc phục tới đó”, huyện đang tập trung cao nhất cho công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường, sắp xếp lại cuộc sống cho người dân, đặc biệt là tìm kiếm người còn mất tích trong mưa lũ.

Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Ngô Xuân Ninh cho biết, huyện đang tập trung nhân lực, vật lực để khẩn trương giúp người dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ; đặc biệt là nhà ở dân cư, cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt, hạ tầng kinh tế - xã hội bị hư hỏng (hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống điện, giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc...). Đồng thời, vận động Nhân dân giúp đỡ nhau để nhanh chóng ổn định cuộc sống; chú trọng khôi phục sản xuất sau mưa lũ, nhất là các biện pháp phục hồi đối với cây ăn quả (cam, bưởi bị đổ ngã), triển khai sản xuất vụ đông theo kế hoạch. Riêng với diện tích cây trồng vụ đông bị hư hại, huyện tiếp tục tổng hợp đầy đủ và có chính sách để hỗ trợ bà con tái sản xuất.

Các trường học tích cực tổ chức vệ sinh trường lớp để sớm đón học sinh trở lại.

Những ngày này, huyện Hương Khê đón hàng trăm chiến sỹ công an của Trung đoàn Cảnh sát Cơ động thuộc Bộ Công an và Công an tỉnh Hà Tĩnh cùng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh về giúp người dân và các cơ quan, đơn vị dọn dẹp vệ sinh môi trường, khắc phục thiệt hại, tập trung tại các trường học và cơ sở y tế. Nhờ sự chung tay của các lực lượng, đến nay nhiều phòng học của các nhà trường đã được dọn sạch sẽ; đảm bảo ngày mai tất cả số học sinh còn nghỉ học hôm nay có thể trở lại trường.

Tại huyện Vũ Quang, người dân tập trung dọn vệ sinh nhà cửa, khơi thông các tuyến đường để đảm bảo việc đi lại, sinh hoạt sau lũ. Ở các xã vùng hạ du Vũ Quang như: Đức Giang, Đức Liên, Đức Bồng... cũng đã tập trung dọn dẹp vệ sinh, khẩn trương khắc phục hậu quả; không để rác thải chất đống, đường làng ngõ xóm ngổn ngang.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang Nguyễn Thanh Sơn cho biết: "Để bà con sớm ổn định cuộc sống, huyện đã chỉ đạo các địa phương tập trung nhân lực hỗ trợ bà con khắc phục thiệt hại; đồng thời hướng dẫn, tuyên truyền người dân ra vườn, xuống đồng chăm sóc, khôi phục diện tích cây cối, hoa màu bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Chuẩn bị các điều kiện để tiếp tục triển khai thực hiện sản xuất vụ đông sau mưa, lũ đảm bảo kế hoạch đề ra. Đặc biệt, huyện cũng yêu cầu các xã, thị trấn rà soát các vị trí xung yếu, khu vực bị sạt lở, xói lở để có phương án khắc phục kịp thời. Với những công trình hư hại nặng, huyện sẽ xem xét, bổ cứu nguồn lực để xử lý trong thời gian sớm nhất".

Lực lượng Công an Hà Tĩnh đang giúp đỡ các trường học vùng lũ dọn dẹp vệ sinh.

Theo đại diện Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh thông tin: Các cơ quan, địa phương, đơn vị ở tỉnh Hà Tĩnh đang tập trung triển khai nhiều phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm "4 tại chỗ", đề phòng những trận mưa khác có thể diễn ra. Ngoài ra, tiếp tục tuyên truyền, cảnh báo người dân chủ động phòng chống lũ quét, sạt lở đất. Công tác huy động lực lượng, phương tiện giúp đỡ, hỗ trợ người dân tập trung khắc phục hậu quả cũng được quan tâm.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị tỉnh Hà Tĩnh khẩn trương khắc phục các công trình hạ tầng thủy lợi thiết yếu bị hư hỏng do lũ lụt để phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân. Thời gian tới, địa phương cần tổ chức rà soát các công trình hồ đập xung yếu và có giải pháp sửa chữa. Trước mắt, khắc phục các hạ tầng thủy lợi thiết yếu (trong đó có đập Tắt, xã Hòa Hải, Hương Khê) để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân.

Tuệ Lâm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/no-luc-khac-phuc-hau-qua-mua-lu-tai-ha-tinh-post271035.html