Nỗ lực hồi sinh từ thảm họa kép

10 năm trước, trận động đất lịch sử kéo theo sóng thần đã tàn phá bờ biển đông bắc Nhật Bản. Từ những đống hoang tàn đổ nát, giờ đây, nhiều khu vực từng hứng chịu thảm họa kép đang hồi sinh mãnh liệt, cho thấy ý chí quật cường vươn lên từ gian khó, cùng nỗ lực không ngừng đẩy mạnh công cuộc tái thiết của chính phủ và người dân 'xứ sở mặt trời mọc'.

Một trang trại nông nghiệp kết hợp điện mặt trời ở tỉnh Phư-cư-si-ma của Nhật Bản. Ảnh Kyodo

Một trang trại nông nghiệp kết hợp điện mặt trời ở tỉnh Phư-cư-si-ma của Nhật Bản. Ảnh Kyodo

10 năm trước, trận động đất lịch sử kéo theo sóng thần đã tàn phá bờ biển đông bắc Nhật Bản. Từ những đống hoang tàn đổ nát, giờ đây, nhiều khu vực từng hứng chịu thảm họa kép đang hồi sinh mãnh liệt, cho thấy ý chí quật cường vươn lên từ gian khó, cùng nỗ lực không ngừng đẩy mạnh công cuộc tái thiết của chính phủ và người dân “xứ sở mặt trời mọc”.

Truyền thông Mỹ mới đây đăng tải những hình ảnh hiện tại của các tỉnh ở Nhật Bản từng bị ảnh hưởng bởi thảm họa kép kinh hoàng cách đây 10 năm như Phư-cư-si-ma, Mi-y-a-ghi… Những bức ảnh cho thấy, giờ đây nhiều ngôi nhà, nhà máy đã mọc lên, những con đường được xây dựng lại khang trang hơn. Mười năm sau thảm họa kép, Nhật Bản đã đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc tái thiết các khu vực bị tàn phá bởi thiên tai. Cụ thể, Nhật Bản đã chi khoảng 300 tỷ USD cho hoạt động tái thiết. Số người phải sơ tán sau thảm họa đã giảm từ mức 470 nghìn người vào tháng 3-2011 xuống còn khoảng 41 nghìn người. Tại lễ tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa động đất và sóng thần năm 2011 diễn ra ngày 11-3 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Xư-ga Y-ô-si-hi-đê nhấn mạnh, nhiệm vụ tái thiết đang bước vào giai đoạn cuối khi nhiều ngôi nhà đã được xây dựng lại và nhiều thị trấn đã được phục hồi. Việc dỡ bỏ các lò phản ứng bị hư hại bởi thảm họa cũng ghi nhận những bước tiến tích cực. Công ty Ðiện lực Tô-ki-ô (TEPCO) đã hoàn thành dỡ bỏ tất cả 566 thanh nhiên liệu từ bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng ở lò phản ứng số ba của Nhà máy Ðiện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 1.

Chính phủ Nhật Bản vừa thông qua chính sách mới về đẩy mạnh tái thiết các khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất và sóng thần ở vùng đông bắc, cùng các sự cố tại Nhà máy Ðiện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 1. Theo đó, Tô-ki-ô gia hạn thời gian hoạt động của Cơ quan Tái thiết thêm 10 năm nữa, tức là tới năm 2031, đồng thời khẳng định, giai đoạn 5 năm tiếp theo kể từ tháng 4-2021 sẽ là giai đoạn thứ hai của quá trình tái thiết và phục hồi. Tô-ki-ô cũng sẽ tập trung chữa trị tâm lý cho người dân, thiết lập các trung tâm nghiên cứu và giáo dục quốc tế ở các khu vực chịu ảnh hưởng bởi sự cố hạt nhân. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Mô-tê-ghi Tô-si-mi-chư cam kết sẽ nỗ lực hết sức để dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nhập khẩu thực phẩm từ các khu vực bị ảnh hưởng bởi sự cố hạt nhân ở tỉnh Phư-cư-si-ma mà các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã áp đặt.

Song song với nỗ lực tái thiết đất nước, Nhật Bản cũng nêu cao tầm quan trọng của công tác xây dựng kế hoạch, chủ động ứng phó với thảm họa thiên nhiên. Trên thực tế, thảm họa kép hồi năm 2011 mang lại nhiều “bài học xương máu” cho toàn thế giới về công tác ứng phó thiên tai như động đất, sóng thần, bão lũ, hạn hán…, cũng như ứng phó với dịch bệnh, như đại dịch Covid-19 hiện tại. Trận động đất, sóng thần tàn khốc ở Nhật Bản cách đây 10 năm một lần nữa nhắc nhở chúng ta rằng, các thảm họa có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào và tinh thần chủ động thích ứng, chuẩn bị sẵn sàng sẽ là “chìa khóa” giúp chúng ta tránh rơi vào cảnh hỗn loạn khi đương đầu với các thảm họa. Sau vụ thảm họa kép hồi năm 2011, Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu các khu vực ven biển của nước này xem xét xây dựng các bức tường chắn sóng, đồng thời thiết lập một quỹ đặc biệt cho công tác này. Theo kết quả khảo sát mới đây, khoảng 90% học sinh trung học phổ thông tại sáu ngôi trường ở vùng đông bắc Nhật Bản cho biết, các học sinh này mong muốn truyền lại những trải nghiệm của chính mình về thảm họa động đất, sóng thần và sự cố hạt nhân hồi tháng 3-2011 cho các thế hệ sau, với hy vọng thế hệ sau rút ra những bài học kinh nghiệm từ đó.

Thủ tướng Nhật Bản Xư-ga Y-ô-si-hi-đê từng chia sẻ, nếu không tái thiết vùng đông bắc, Nhật Bản sẽ không bao giờ hồi sinh. Nhà lãnh đạo trên cũng khẳng định, các nỗ lực tái thiết sau thảm họa kép năm 2011 sẽ tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của chính phủ. Trên hành trình tái thiết đất nước, sự đồng hành và sẻ chia của các quốc gia đối với Nhật Bản là một trong những yếu tố cốt lõi giúp “xứ sở mặt trời mọc” vượt qua thử thách để vươn lên.

ÐỖ QUYÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/no-luc-hoi-sinh-tu-tham-hoa-kep-639201/