Nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu công tác dân số

Năm 2023, đội ngũ cán bộ làm công tác dân số (DS) từ tỉnh đến cơ sở không ngừng nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai nhiều chương trình, hoạt động hướng tới mục tiêu chính là tăng sinh và nâng cao chất lượng DS của tỉnh Long An. Vì vậy, các chỉ tiêu công tác DS hoàn thành đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình được đội ngũ cán bộ làm công tác dân số chú trọng thực hiện

Nhiều hoạt động thiết thực

Các địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản (SKSS), duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, giải quyết tốt vấn đề về cơ cấu DS và phân bố dân cư. Đi đôi công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng, việc thực hiện Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) và hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được chú trọng. Nhờ đó, nhiều chỉ tiêu công tác DS đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh - Đoàn Văn Ngà cho biết: “Đến cuối tháng 11-2023, tổng số trẻ sinh là 14.116 trẻ. Ước đến cuối tháng 12/2023 là 16.000 trẻ (tăng 1.448 trẻ so cùng kỳ), ước đạt chỉ tiêu tăng sinh vào cuối năm. Tỷ số giới tính trẻ sinh là 7.108 trẻ sinh nam/7.008 trẻ sinh nữ (101,43 nam/100 nữ), ước đạt chỉ tiêu vào cuối năm. Về các biện pháp tránh thai: Dụng cụ tử cung đạt 109,79%; thuốc cấy đạt 134,50%; thuốc tiêm đạt 100,44%; thuốc viên đạt 93,23% và bao cao su đạt 91,64%”.

Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh được chú trọng. Theo dân số mục tiêu: Có 13.182 trẻ sinh ra được tầm soát sơ sinh 5 bệnh, đạt 93,38% so với số trẻ sinh và trẻ sinh ra được tầm soát sơ sinh 3 bệnh đạt 99,02% so với số trẻ sinh; 13.348 lượt thai phụ được tầm soát trước sinh 4 bệnh, đạt 94,56% trên tổng số trẻ sinh; 13.987 lượt thai phụ được tầm soát trước sinh 3 bệnh, đạt 99,09% tổng số trẻ sinh. Tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân cho 3.542 cặp nam, nữ chuẩn bị kết hôn, đạt 99,33% trên tổng số cặp kết hôn đúng hạn.

Các địa phương còn thực hiện hiệu quả mô hình Xã, phường, thị trấn, ấp, khu phố đạt 60% tỷ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con. Theo đó, Trung tâm Y tế cấp huyện tham mưu Huyện ủy, UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo xây dựng mô hình Xã, phường, thị trấn, ấp, khu phố đạt 60% tỷ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con năm 2023.

Ban Chỉ đạo công tác DS và Phát triển cấp xã tùy theo tình hình từng địa phương có các giải pháp cụ thể, phù hợp trong tuyên truyền, vận động, quản lý đối tượng nhằm duy trì và xây dựng mô hình 60% tỷ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con. Đến nay, toàn tỉnh có 125 xã, phường, thị trấn và 659 ấp, khu phố đạt mô hình 60% tỷ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con.

Việc đưa chính sách DS vào quy ước ấp, khu phố được triển khai, thực hiện hiệu quả. Nội dung quy ước được triển khai rộng rãi đến từng địa bàn ấp, khu phố cũng như từng hộ gia đình. Từ đó, trật tự xã hội ổn định, tình làng, nghĩa xóm ngày càng thắt chặt; ý thức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là chính sách DS của người dân ngày càng được nâng cao. Đến nay, có 973/996 ấp, khu phố đưa nội dung về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh vào hương ước, quy ước.

Quan tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản

Năm 2023, Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGÐ tiếp tục được quan tâm triển khai sâu, rộng tại các địa phương. Nhờ vậy, nhiều phụ nữ được tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại.

Người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại

Ông Đoàn Văn Ngà đánh giá: “Chiến dịch đã huy động các cấp, các ngành, đoàn thể vào cuộc trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức như vãng gia, lồng ghép trong các cuộc họp, qua hệ thống loa, đài,... Việc cung cấp dịch vụ KHHGĐ trong chiến dịch đạt 91,96% kế hoạch. Về cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, phòng, chống viêm nhiễm đường sinh dục đạt 115,07% kế hoạch. Về gói dịch vụ nâng cao chất lượng DS: Sàng lọc trước sinh 1.673 ca, sàng lọc sơ sinh 1.107 ca, tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân 1.020 cặp nam, nữ thanh niên. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc SKSS/KHHGĐ và thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu về công tác DS năm 2023”.

Mô hình cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS cho công nhân khu, cụm công nghiệp được chú trọng. Năm 2023, có 7/9 huyện, thị xã, thành phố triển khai các hoạt động truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS cho công nhân khu, cụm công nghiệp. Hoạt động này giúp 6.083/8.400 công nhân tiếp cận các dịch vụ y tế.

Hoạt động tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được các địa phương quan tâm

Chị Hồ Thị Tuyết Mai (xã Bình An, huyện Thủ Thừa) chia sẻ: “Tham gia khám SKSS, ngoài được nhân viên y tế tư vấn sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, tôi còn được siêu âm, soi tươi, test VIA tầm soát ung thư cổ tử cung. Từ đó, giúp tôi phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời”.

Nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, nhất là sự nhiệt tình của lực lượng cộng tác viên DS, sự đồng tình hưởng ứng của người dân, các mô hình, đề án phát huy hiệu quả, chất lượng DS trên địa bàn tỉnh chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng. Qua đó, thúc đẩy phát triển KT-XH và nâng cao đời sống người dân./.

Ngọc Mận

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/no-luc-hoan-thanh-cac-chi-tieu-cong-tac-dan-so-a168655.html