Nỗ lực hạn chế cháy rừng trong mùa khô

Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh kiểm tra công tác PCCCR tại huyện Phú Hòa. Ảnh: NHẬT HUY

UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn tỉnh năm 2023, yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương đảm bảo sự chủ động cần thiết trước những diễn biến phức tạp của thời tiết. Báo Phú Yên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Bé, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh về nội dung này.

* Thực trạng rừng và những vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn Phú Yên hiện nay như thế nào, thưa ông?

- Hiện nay, diện tích rừng toàn tỉnh (bao gồm đất có rừng trồng chưa thành rừng và rừng cao su) gần 253.672ha.

Vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng toàn tỉnh là 63.762,22ha; trong đó cấp cháy I (vùng ít nguy hiểm): 444,43ha, cấp cháy II (vùng nguy hiểm trung bình): 1.366,09ha, cấp cháy III (vùng nguy hiểm): 11.790,56ha, cấp cháy IV (vùng rất nguy hiểm): 25.600,66ha, cấp cháy V (vùng cực kỳ nguy hiểm): 24.560,48ha.

Trong số này có những địa phương có diện tích lớn, cần sự quan tâm và theo dõi chặt chẽ như: huyện Đồng Xuân 18.018,41ha; huyện Phú Hòa 9.961,86ha; TX Sông Cầu: 8.630,39ha…

Theo dự báo, thời gian tới trên địa bàn tỉnh khả năng cao El-Nino sẽ chiếm ưu thế dẫn đến thời tiết nắng nóng và khô hạn. Ngành Kiểm lâm đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác bảo vệ rừng và PCCCR các địa phương. Từ đó, ngành đưa ra một số giải pháp ứng phó hiệu quả.

Ông Lê Văn Bé

* Vậy các giải pháp đó là gì, thưa ông?

- Chúng tôi xác định công tác PCCCR là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, các ban quản lý rừng phòng hộ/đặc dụng, các chủ rừng (gọi chung là chủ rừng) phải chịu trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng đối với diện tích rừng được giao, được cho thuê. Kiểm lâm là lực lượng nòng cốt trong tham mưu triển khai công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR.

Chúng tôi thực hiện “phòng là chính, chữa cháy khẩn trương, kịp thời và triệt để”; khi xảy ra cháy rừng thì triển khai chữa cháy theo phương châm 4 tại chỗ “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”, đảm bảo an toàn theo thứ tự ưu tiên: người, tài sản, các công trình, phương tiện, thiết bị tham gia chữa cháy rừng.

Ngành Kiểm lâm cũng đã tham mưu Sở NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh ban hành hoặc trực tiếp ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên ngành về PCCCR ngay từ đầu năm 2023 để triển khai công tác PCCCR thống nhất toàn tỉnh trên cơ sở văn bản chỉ đạo của trung ương và UBND tỉnh.

Các chủ rừng xây dựng, thực hiện phương án PCCCR trên lâm phần được giao; tổ chức triển khai các quy định, nội quy, điều kiện an toàn, biện pháp về PCCCR theo quy định; tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng và PCCCR.

Các đơn vị, địa phương liên quan kiện toàn ban chỉ huy, các tổ, đội bảo vệ rừng, PCCCR và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong hoạt động PCCCR; xây dựng các tình huống giả định và tổ chức thực tập xử lý sự cố cháy rừng trên diện tích được giao quản lý. Các đơn vị, địa phương cũng phải đảm bảo kinh phí hoạt động PCCCR và chủ động, sẵn sàng nhân lực, nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị cho công tác PCCCR; rà soát, kiểm tra, vận hành các phương tiện, trang thiết bị chữa cháy để ứng cứu kịp thời khi xảy ra cháy rừng.

Đồng thời phải đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCCR đối với các vùng trọng điểm cháy rừng. Trong đó chú trọng tuần tra canh gác lửa rừng; xây dựng, tu sửa công trình PCCCR gồm: bảng, biển báo, bảng nội quy, đường tuần tra bảo vệ rừng và PCCCR, đường băng cản lửa và áp dụng các biện pháp làm giảm vật liệu cháy; xử lý thực bì để trồng rừng, vệ sinh rừng sau khai thác và làm giảm vật liệu cháy trong rừng theo đúng quy định.

* Công tác PCCCR đã được UBND tỉnh, các sở, ban ngành và các địa phương quan tâm tập trung chỉ đạo, triển khai. Tuy nhiên, những năm qua vẫn xảy ra cháy rừng, nguyên nhân chủ yếu do đâu, thưa ông?

- Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do người dân chủ quan, thiếu ý thức trong việc sử dụng lửa trong rừng, đốt dọn thực bì sau khai thác rừng trồng, thu hoạch nông sản không đúng quy trình, quy định, nhất là trong thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài.

Việc đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị cho công tác PCCCR còn hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu. Khi xảy ra cháy rừng, mặc dù huy động rất nhiều người tham gia, song hiệu quả chữa cháy rừng thấp, khi cháy lớn thì luôn lúng túng, bị động.

Việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ trong công tác dự báo, cảnh báo cháy rừng và các giải pháp PCCCR còn hạn chế. Việc tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới trong PCCCR còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí đầu tư và công nghệ áp dụng. Công tác đào tạo, huấn luyện chưa tương xứng với nhiệm vụ.

Chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia PCCCR chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ; chi hỗ trợ công chữa cháy rừng chưa thỏa đáng; trong quá trình chữa cháy rừng chưa làm tốt công tác hậu cần, nên chưa động viên, khuyến khích mọi lực lượng tham gia cứu chữa một cách chủ động và tích cực.

* Vậy ngành Kiểm lâm có những kiến nghị gì trong thời gian sắp tới?

- Trong năm 2022, Chi cục Kiểm lâm tham mưu Sở NN&PTNT xây dựng đề án Nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh. Đề án này có liên quan đến nguồn kinh phí hỗ trợ từ trung ương, nên chi cục đã tham mưu Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh lấy ý kiến các bộ NN&PTNT, KH&ĐT, Tài chính. Hiện Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính đã trả lời, đang chờ ý kiến của Bộ KH&ĐT.

Về lâu dài, để công tác PCCCR có hiệu quả, đơn vị kiến nghị UBND tỉnh xem xét, phân bổ nguồn kinh phí để thực hiện đề án này trong giai đoạn 2023-2030.

* Xin cảm ơn ông!

NHẬT HUY (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/297477/no-luc-han-che-chay-rung-trong-mua-kho.html