Nỗ lực để có vụ mùa bội thu sau lũ lớn. Bài 2: Từng bước hoàn chỉnh các công trình thủy lợi trước khi xuống vụ

Sau các đợt lũ lụt trong tháng 10, 11/2020, nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng nặng. Hiện nay, Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh đang tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương sửa chữa, khôi phục hệ thống thủy lợi, kịp thời phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021.

Tiếp theo kỳ trước

Việc bảo dưỡng các động cơ, thiết bị của các trạm bơm được triển khai khẩn trương - Ảnh: T.T

Là tuyến kênh dẫn nước duy nhất phục vụ tưới tiêu cho khoảng 50 ha lúa của các HTX Đại Hòa, Quảng Lượng, Quảng Điều A của xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, tuyến kênh N1-10 thuộc Xí nghiệp thủy nông Nam Thạch Hãn quản lý đã bị mưa lũ làm hư hỏng nặng. Giám đốc HTX Đại Hào, xã Triệu Đại Nguyễn Hữu Hải cho biết: “Nếu như không có hệ thống kênh mương N1-10 này thì HTX Đại Hào không có nguồn nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân sắp tới. Người dân rất lo lắng và mong muốn các cấp, ngành chức năng quan tâm bố trí nguồn vốn khắc phục sớm”.

Không riêng địa bàn huyện Triệu Phong, tại các địa phương, liên tiếp các trận lũ lịch sử xảy ra trong tháng 10/2020 đã gây thiệt hại nghiêm trọng nhiều công trình thủy lợi. Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có 38 km tuyến đê cấp IV, hơn 55 km kênh chính cấp I, II, 80 km kênh mương nội đồng bị sạt, bồi lấp, cuốn trôi. Ngoài ra, có 13 cống lấy nước, 23 đập thủy lợi bị hư hỏng, trong đó riêng tuyến tràn xã lũ Nam Thạch Hãn bị sạt lở, cuốn trôi mái taluy đá hộc gia cố hạ lưu tràn phía bờ Bắc và bờ Nam với tổng diện tích 1.892 m2 , phần tiêu sân tiêu năng bờ Bắc, van cấp nước phao cao su bị hư hỏng, hạ lưu sau tràn tiếp tục bị xói lở ăn sâu sát vào đuôi tràn. Bùn đất bồi lấp 90 trạm bơm, tưới tiêu. 30 công trình thủy lợi nhỏ ở miền núi Hướng Hóa và Đakrông bị bồi lấp, sạt trượt. Riêng tại huyện Đakrông, Trạm bơm Mò Ó bị bồi lấp hoàn toàn nhà trạm, bể hút và đứt gãy kênh, đường ống tưới. Với 34 công trình cấp nước sinh hoạt bị hư hỏng, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 22.000 hộ dân bị thiếu nước sạch sử dụng.

Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh có nhiệm vụ quản lý, vận hành khai thác các công trình thủy lợi trọng điểm trên địa bàn tỉnh, cấp nước tưới cho hơn 32.000 ha/năm thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố, chiếm khoảng 60% diện tích trong toàn tỉnh. Mưa lũ đã làm hư hỏng các công trình thủy lợi do công ty quản lý, nhiều tuyến kênh bị vỡ bờ, sập tường bê tông, sạt lở mái tấm lát và bồi lấp. Các trạm bơm điện bị ngập sâu trong nước, lũ vượt sàn chống lũ làm ngập động cơ và thiết bị điện của các trạm bơm… Một số công trình bị hư hỏng nặng, đất đá bối lấp lòng kênh với khối lượng lớn như kênh N2A, kênh N1, N4... thuộc hệ thống Nam Thạch Hãn (công trình cấp nước cho vùng trọng điểm lúa của tỉnh); kênh và Trạm bơm Mò Ó, Cam Lộ và nhiều trạm bơm khác bị bồi lấp nặng; kênh chính, kênh cấp I của các hệ thống Trúc Kinh, La Ngà, Hà Thượng, Kinh Môn bị sạt, trượt, bồi lấp, kênh chính Bàu Nhum bị vỡ nhiều đoạn. Ước tính thiệt hại các công trình do công ty quản lý là hơn 49 tỉ đồng.

Những ngày sau khi lũ rút, các địa phương đã tranh thủ sự giúp đỡ của lực lượng chức năng và Nhân dân nhanh chóng ra quân làm thủy lợi, vệ sinh đồng ruộng. Các phần việc được khẩn trương thực hiện để kịp chuẩn bị cho vụ sản xuất đông xuân như nạo vét kênh, mương, cửa cống, cửa nhận nước, trạm bơm bị bồi lấp. Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi đã huy động công nhân tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng công trình, đặc biệt là các cửa cống lấy nước đầu mối, cống lấy nước đầu kênh cấp I, II. Tổ chức kiểm tra các cống ngăn mặn, vệ sinh khe phai, sửa chữa cống đảm bảo kín nước không để xâm nhập mặn vào nội đồng. Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Nguyễn Sinh Công cho biết: “Để kịp mở nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân 2020 - 2021, công ty đề ra giải pháp cần sửa chữa các đoạn kênh mương, công trình bị bồi lấp, vỡ bờ, hư hỏng đứt gãy hoàn toàn. Đối với các thiết bị điện của các trạm bơm bị ngập nước thì ưu tiên thực hiện sớm để đảm bảo thông tuyến dẫn nước từ đầu mối đến nội đồng. Việc sửa chữa, bảo dưỡng các động cơ, thiết bị điện của các trạm bơm phải hoàn thành trước ngày 25/12/2020 để đảm bảo vận hành bơm tưới ngay từ đầu vụ đông xuân 2020 - 2021. Về lâu dài, đối với các hư hỏng như sạt, trượt mái kênh và các hư hỏng khác cần có giải pháp nâng cấp, sửa chữa để đảm bảo ổn định cho công trình”.

Đối với các công trình thủy lợi do công ty quản lý, khai thác, trước mắt cần nguồn kinh phí để sửa chữa kịp thời một số hệ thống kênh chính, kênh N1, N2A thuộc hệ thống Nam Thạch Hãn, kênh chính hệ thống Ái Tử, kênh N2 Trạm bơm Cam Lộ, Trạm bơm Hiếu Bắc, kênh chính, kênh N1 hệ thống Trúc Kinh, kênh chính Bàu Nhum, kênh N 1 Kinh Môn. Ngoài ra cần sửa chữa các Trạm bơm Mò Ó, Lâm Cao, Tân Mỹ, Xuân Long, Kinh Môn… và một số công trình nhỏ khác.

Vừa qua, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cấp 3.510 triệu đồng để Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh lập hồ sơ và tiến hành thi công khắc phục khẩn cấp một số hạng mục công trình trong hệ thống các công trình thủy lợi do công ty quản lý bị hư hỏng để kịp thời cấp nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2020-2021. Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hòe cho biết: “Trước mắt ngành nông nghiệp sẽ ưu tiên nguồn lực bố trí kinh phí trung ương hỗ trợ khẩn cấp các địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ nguồn lực của tỉnh, các nguồn vốn hợp pháp khác để khắc phục các công trình hư hỏng do địa phương quản lý, chủ động triển khai các hạng mục sửa chữa khẩn cấp để kịp thời phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021. Về lâu dài sẽ vận dụng nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) để phục vụ tái thiết sau thiên tai, sửa chữa những công trình lớn ngoài khả năng của tỉnh”.

Song song với việc khẩn trương khắc phục một số công trình thủy lợi đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021, ngành nông nghiệp tiếp tục tiến hành kiểm tra, rà soát các công trình thủy lợi, đê kè, các công trình cấp nước sạch nông thôn bị hư hỏng, phân loại mức độ khẩn cấp để có phương án khắc phục tạm thời. Đề xuất thứ tự ưu tiên đối với các công trình hư hỏng lớn để lồng ghép vào các chương trình, dự án và tận dụng các nguồn lực khác để khắc phục, sửa chữa đảm bảo phục vụ sản xuất trước mắt và lâu dài.

Thanh Trúc - Thu Hạ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=154075