Nỗ lực đẩy lùi nạn tảo hôn trên địa bàn biên giới

Do nhiều nguyên nhân khác nhau, tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An vẫn diễn ra rất phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy nặng nề cho chính nạn nhân, gia đình và xã hội. Những năm gần đây, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng đã vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt triển khai các biện pháp, nhằm từng bước đẩy lùi và tiến tới chấm dứt hoàn toàn vấn nạn trên.

Đội thi của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Nậm Càn tham gia Hội thi tìm hiểu pháp luật về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: Viết Lam

Đổi mới công tác tuyên truyền

Trong những năm qua, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trên địa bàn huyện Kỳ Sơn luôn xác định công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức pháp luật, tự giác đẩy lùi tảo hôn là biện pháp chính. Trong năm 2023, công tác tuyên truyền được chính quyền địa phương rất quan tâm, đổi mới về hình thức, hướng đến đối tượng là thanh thiếu niên, học sinh trong các trường học. Điển hình như trước thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2024, UBND huyện Kỳ Sơn đã tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho các trường học bậc trung học cơ sở trên địa bàn theo hình thức sân khấu hóa. Tất cả 18 trường học bậc trung học cơ sở được chia làm 5 cụm để tổ chức thi, gồm 3 phần thi: Giới thiệu và tiểu phẩm, thi trắc nghiệm kiến thức tảo hôn, thi xử lý tình huống.

Những nội dung thi đều xoay quanh các vấn đề như tìm hiểu tác hại, hệ lụy của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; các giải pháp phòng, chống; các chính sách, pháp luật có liên quan đến Luật Hôn nhân và Gia đình; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số; bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số; công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em...

“Những kiến thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống sẽ được truyền tải, tuyên truyền đến các em thông qua cuộc thi vừa mang tính giải trí, vui chơi, vừa mang tính tìm hiểu để thi đua. Từ đó, việc tiếp cận, tìm hiểu các kiến thức pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trở nên nhẹ nhàng hơn, dễ dàng tiếp thu hơn. Nhìn chung, học sinh các trường tham gia hội thi đều thể hiện sự hứng khởi, thích thú với những hoạt cảnh vui nhộn. Đó chính là điều kiện để các em giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ những kiến thức, kỹ năng về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đến bạn bè, gia đình và xã hội” - bà Vi Thị Quyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết.

Sau hội thi, các trường đã nhận thức được tầm quan trọng trong tuyên truyền, chủ động tổ chức sinh hoạt dưới cờ và tổ chức ký cam kết giữa học sinh với nhà trường về nội dung không vi phạm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Trong biên bản cam kết giữa học sinh và nhà trường đều nói rất rõ đến độ tuổi kết hôn của nam và nữ, những quy định cấm và mức xử phạt đối với trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, những hệ lụy khi tảo hôn và nhất là hôn nhân cận huyết thống... Đặc biệt, đã hướng học sinh đến các tình huống giả định như bị ép tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thì bản thân các em cần phải làm gì.

Tiến tới xử lý các trường hợp vi phạm

Thực tế cho thấy, tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện Kỳ Sơn vẫn còn diễn ra xuất phát từ tập tục lâu đời, với những quan niệm sai lệch về kết hôn. Nhiều trường hợp chưa đủ tuổi kết hôn (đang là học sinh), nhưng do nhận thức chưa đầy đủ về hôn nhân và gia đình nên đã muốn lấy nhau. Khi bố mẹ không đồng ý tổ chức đám cưới hoặc ngăn cản thì đe dọa ăn lá ngón tự tử, làm không ít bậc phụ huynh phải thuận theo ý con để tránh sự việc đáng tiếc xảy ra. Những tập tục lạc hậu và quan niệm cổ hủ về tình yêu, hôn nhân và gia đình trên tồn tại từ lâu đời và ăn sâu vào tiềm thức của người dân khiến cho tình trạng tảo hôn rất khó để xóa bỏ.

Ngay sau Tết Nguyên đán 2024, tổ công tác do UBND xã Nậm Cắn thành lập đến tận các bản làng để tuyên truyền phòng, chống tảo hôn. Ảnh: Viết Lam

Bên cạnh đó cũng phải kể đến các nguyên nhân khác như do ảnh hưởng của mạng xã hội, sự quản lý lỏng lẻo của phụ huynh. Nhiều gia đình cả bố và mẹ đều đi làm ăn xa, chỉ để lại con ở nhà cho người thân nuôi dưỡng nên không thể nắm bắt, điều chỉnh được tâm sinh lý của con trẻ. Trao đổi với chúng tôi, bà Vi Thị Quyên cho biết thêm một số giải pháp: "Trước mắt, huyện sẽ tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng triển khai các giải pháp và bằng hành động, việc làm cụ thể. Trong đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, huy động các ban, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc, từng bước đẩy lùi nạn tảo hôn. Tiếp tục tuyên truyền bằng nhiều hình thức và cách làm khác nhau trên cơ sở đánh giá, phân tích thực trạng, nguyên nhân và kết quả khảo sát ở từng địa bàn cụ thể. Tuyên truyền rộng nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, hướng đến chủ thể của vi phạm, đặc biệt là các em trong độ tuổi vị thành niên, đang là học sinh tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn huyện".

Cùng với đó, huyện Kỳ Sơn cũng quyết tâm triển khai các dự án phát triển kinh tế, nâng cao cuộc sống cho người dân. Chú trọng gìn giữ, phát triển bản sắc văn hóa của các dân tộc và kiên quyết đẩy lùi những tập tục, quan niệm lạc hậu. Một trong những yếu tố khác mà huyện xem trọng, đó là nâng cao chất giáo dục, tạo nguồn nhân lực có trình độ, bản lĩnh, nhất là con em của đồng bào các dân tộc thiểu số. Họ sẽ là hạt nhân để tuyên truyền, vận động gia đình, dòng họ, từng bước đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Cùng với các biện pháp trên, huyện Kỳ Sơn sẽ tiến hành xử phạt các trường hợp vi phạm tảo hôn theo quy định của pháp luật. Cụ thể, trong năm 2023, huyện chỉ đạo và hướng dẫn các xã xử phạt nghiêm khắc các trường hợp vi phạm tổ chức tảo hôn.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/no-luc-day-lui-nan-tao-hon-tren-dia-ban-bien-gioi-post473425.html